Trần Nhật Minh và ước mơ hợp xướng Việt

Trần Nhật Minh và ước mơ hợp xướng Việt
Gương mặt sáng sủa, cương nghị và hồn nhiên hơn tuổi 25, đó là ấn tượng đầu tiên về chàng trai Việt lọt vào top 5 người xuất sắc nhất của cuộc thi nghiêm túc và uy tín: “Chỉ huy hợp xướng toàn Nga lần thứ tư”.
Trần Nhật Minh và ước mơ hợp xướng Việt ảnh 1
Trần Nhật Minh

Hiểu “toàn Nga” như thế nào, toàn bộ nước Nga hay chỉ toàn người Nga dự thi?

Trần Nhật Minh: (cười) Toàn nước Nga chứ anh. Nhưng nói là toàn người Nga cũng đúng, thi nội bộ mà. Tôi là người nước ngoài duy nhất.

Nhưng đăng ký là thí sinh của Nhạc viện Tchaikovski. Nhà trường tuyển chọn và cử tôi đi, cùng với hai người Nga khác là một nghiên cứu sinh và một giảng viên trẻ.

Kết quả xứng đáng với danh tiếng của Nhạc viện Tchaikovski chứ?

Vâng, lần đầu dự thi. Ba lần trước trường tôi không có người thi chỉ huy hợp xướng. Năm giải thưởng thì trường tôi giành ba - thầy giáo trẻ lĩnh giải ba, còn cô bạn cũng được giải khuyến khích như tôi.

Giải nhất thuộc về Nhạc viện Ufa, nước cộng hòa Bashkiria (thuộc LB Nga), nơi đăng cai cuộc thi. Còn một giải khuyến khích nữa, không có giải nhì.

Hợp xướng thì rõ rồi. Nhưng chỉ huy hợp xướng thì khó hình dung quá, cũng cầm “đũa” vẩy lên vẩy xuống à?

Không ạ. Chỉ bằng đôi tay, cặp mắt, nét mặt và cử động của cặp môi (làm mẫu). Nói thế này để anh dễ hiểu. Dàn hợp xướng gồm 50 người, nam có, nữ có. Không có người chỉ huy thì như rắn không đầu, mỗi người một phách, hát trước hát sau, hát to hát nhỏ.

Mà quan trọng nhất của hợp xướng là sự phối hợp của các giọng ca, chỉ cần lấy hơi nhanh chậm mấy giây cũng hỏng rồi. Thí sinh không được làm quen trước với dàn hợp xướng, trong 20 phút phải trình bày một tác phẩm.

Làm thế nào để họ hiểu mình và hiểu nhau, đó là cái tài của người chỉ huy. Chứ không phải người ta chấm “múa” dẻo với dáng đứng đẹp.

So với mình, trình độ hợp xướng ở Nga thế nào?

Chênh xa lắm anh ạ. Họ ở tít trên cao. Do truyền thống, ngay người bình thường hát dân ca cũng có bè, có mảng. Hợp xướng ở Nga rất được coi trọng, có đông người nghe. Còn ở mình...

Thế sao lại chọn chỉ huy hợp xướng, Minh không sợ về nước không có đất dụng võ ư?

Sợ chứ anh. Mơ ước lớn nhất của tôi là... không thất nghiệp, nói đúng hơn là được làm đúng chuyên môn sau khi về nước. Tôi hồi bé học piano, hết phổ thông (năm 1999) sang Nga thi vào Nhạc viện Magnitogorsk (tỉnh Tcheliabinsk) thì phải lựa chọn: Vào khoa lý luận hay chỉ huy hợp xướng.

Tôi ngán học lý luận nên đành thi vào chỉ huy hợp xướng. Nhưng bây giờ thì tôi mê nó rồi. Tốt nghiệp năm 2004 tôi nhận được học bổng của TP.HCM làm luận án tiến sĩ ở Nhạc viện Tchaikovski, cũng chuyên ngành chỉ huy hợp xướng. Tháng 10/2007 tôi sẽ bảo vệ và trở về TP.HCM.

Minh rất tự tin. Có bí quyết chăng?

Tôi thấy đất nước mình đang trên đà phát triển mạnh. Đời sống lên thì nhu cầu âm nhạc hàn lâm cũng lên, dần dần người Việt sẽ thích nghe hợp xướng.

Các dàn hợp xướng cũng vì thế mà nhiều hơn, trình độ cũng điêu luyện hơn. Nghề chỉ huy hợp xướng của bọn tôi có đất sống. Với lại tôi cũng không định ngồi chờ đâu. Có cầu thì có cung.

Nhưng tôi sẽ làm ngược lại. Muốn có cầu thì phải tạo ra cung thật tốt. Tôi có ý định thành lập một dàn hợp xướng hết sức chuyên nghiệp. Rồi người nghe sẽ bị nghệ thuật hợp xướng hớp hồn cho coi...  

Theo Trần Quang Vinh
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG