Trăn trở bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Trăn trở bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc
TP - Nằm trong khuôn khổ chương trình Festival Thanh niên các dân tộc Việt Nam năm 2011 tại Sơn Tây (Hà Nội), Hội thảo Tuổi trẻ Việt Nam với sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ đổi mới, hội nhập của đất nước thu hút sự chú ý của đông đảo đại biểu thanh niên dân tộc, chuyên gia và các vị khách mời.

>> Khai mạc Festival Thanh niên các dân tộc Việt Nam năm 2011

Trăn trở với việc bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc là nội dung của các ý kiến tại hội thảo. “Bây giờ để tìm một bộ trang phục dân tộc xịn hơi hiếm”, PGS. TS Lê Ngọc Thắng (Trường Bồi dưỡng Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch), Tổng Thư ký Hội Dân tộc và Nhân học Việt Nam, mở đầu buổi hội thảo được tổ chức ngày 17-4. PGS.TS Thắng cho rằng, nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc nước ta đã và đang chịu sự tác động của nhiều yếu tố văn hóa quốc tế, cũng như chính sách phát triển kinh tế, văn hóa.

GS Hoàng Nam (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, muốn bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục dân tộc, Đảng, Nhà nước cần có chiến lược đào tạo nhân lực về lĩnh vực này; Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam cần thường xuyên có không gian văn hóa trang phục, chữ viết của các dân tộc.

Chị H Nguốp Niê, Phó Bí thư Huyện Đoàn Krông Búk, Đăk Lăk, cho hay, đồng bào dân tộc Ê đê nói riêng và Tây Nguyên nói chung luôn tự hào với không gian văn hóa cồng chiêng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thế nhưng, một thực tế làm mọi người lo lắng là hồn thiêng của tiếng chiêng đang dần mất đi theo năm tháng. Tầng lớp thanh thiếu niên đơn giản hóa những quan niệm về cồng chiêng, trong khi khả năng tiếp thu để diễn tấu các bài chiêng của thanh thiếu niên rất hạn chế. Nhiều người không thể phân biệt được đâu là bài chiêng dùng trong lễ phát rẫy, lễ phơi lúa mới, lễ xuống giống, lễ cúng tổ tiên ông bà… Chị Niê cho rằng, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng là một việc làm lâu dài, đòi hỏi phải đầu tư nhiều về vật chất, đặc biệt là trí tuệ. Trong đó, người trẻ đóng vai trò rất quan trọng.

Không chối bỏ giá trị gốc của dân tộc

Không khí buổi hội thảo trở nên sôi nổi trước câu hỏi Hiện nay, dường như các bạn trẻ không thích nói tiếng dân tộc mình, không thích mặc trang phục dân tộc mình, tại sao lại như vậy?

Chị Ma Thị Thao, Huyện Đoàn Yên Sơn, Tuyên Quang, nói rằng, chị chỉ mặc trang phục dân tộc trong các ngày lễ của dân tộc mình hoặc mặc trong nhà, còn khi ra đường, chị rất ngại mặc. Mỗi lần chị mặc trang phục dân tộc với màu sắc sặc sỡ ra đường, hầu như mọi ánh mắt đều đổ dồn vào chị với vẻ tò mò, lạ lẫm khiến chị mất hết tự tin. Nhiều bạn thanh niên dân tộc khác có cảm giác tương tự.

Đại biểu Giàng Thị Máy mong muốn có chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số - Ảnh: Nguyễn Khánh/ Tuổi Trẻ
Đại biểu Giàng Thị Máy mong muốn có chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số - Ảnh: Nguyễn Khánh/ Tuổi Trẻ.

Về việc nói tiếng dân tộc, theo chị Thao, không phải các bạn trẻ không thích nói tiếng dân tộc mình mà đó là do vấn đề xã hội hóa, vấn đề truyền thông. Tiếng dân tộc không được phổ biến, ít khi được dùng, chỉ dùng trong một vài buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tiếng dân tộc dễ thẩm thấu, dễ đến với các bạn trẻ, nhất là thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Nhưng nếu ra đường tìm một đĩa nhạc dân tộc thì tìm đỏ mắt cũng không thấy. Thanh niên dân tộc chỉ hát các bài hát bằng tiếng dân tộc mình trong một số dịp lễ hội. Theo chị Thao, nếu mỗi năm tổ chức các sự kiện văn hóa dân tộc với tần suất cao thì việc giáo dục lớp trẻ bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc dân tộc mình sẽ dễ dàng hơn.

Tăng Thị Đào, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho rằng, trang phục dân tộc được dệt bằng đay nặng nề, với nhiều hoa văn họa tiết không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại năng động. Tuy vậy, Đào khẳng định không ai muốn chối bỏ những gì thuộc về mình; những giá trị gốc thuộc dân tộc mình là niềm tự hào riêng của họ. Điều quan trọng là họ chưa có điều kiện, cơ hội để hiểu và phát huy sở thích đó.

Gần một năm nay, Ngô Thị Ngọc Dung, Trường THPT Nội trú Bắc Giang, tự đứng ra mở lớp dạy tiếng dân tộc vào tối thứ 7 hằng tuần, đối tượng học chủ yếu là học sinh, thanh niên trong vùng. Mỗi buổi học, các thành viên tập hát và nói với nhau bằng tiếng dân tộc Sán Chỉ, Nùng, Mường.

Sáng 17-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã tiếp thân mật 100 đại biểu thanh niên dân tộc. Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: “Nhiều đồng bào ở vùng sâu, vùng xa vẫn chịu cảnh cơm không đủ no, áo không đủ ấm, ốm không được khám chữa bệnh… Tôi xin chia sẻ với và xin nhận một phần trách nhiệm của mình trong đó. Qua đây, tôi cũng mong rằng tất cả thanh niên dân tộc hãy luôn năng động, chung lòng làm hết sức mình giải quyết những vấn đề khó khăn, chăm lo đời sống cho đồng bào nơi mình sinh sống. Các bạn hãy ra sức thi đua xung kích, tình nguyện, thực hành tiết kiệm, phát huy trí tuệ xây dựng đất nước và bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG