Trao đổi thẳng thắn những vấn đề của thanh niên

Trao đổi thẳng thắn những vấn đề của thanh niên
TPO – Tại 14 trung tâm thảo luận chiều 18/12, các đại biểu dự Đại hội Đoàn TNCS HCM lần thứ IX đã trao đổi sôi nổi nhiều vấn đề về xây dựng Đảng, chính quyền, hội nhập kinh tế quốc tế, giáo dục sức khỏe sinh sản cho thanh niên…

Sáu tham luận không phải là nhiều nhưng những vấn đề được bàn tới trong Trung tâm thảo luận số 13 - Đoàn tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân - cũng đủ làm phòng 257 của Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) nóng lên.

Tỉnh đoàn Hòa Bình “mở hàng” với bản tham luận về những khó khăn của hoạt động Đoàn ở địa phương như đoàn viên đi làm ăn xa, khó phân loại, tỉ lệ phát triển đảng viên là học sinh sinh viên ít, trình độ đoàn viên thanh niên hạn chế.

Trong khi đó, tỉnh đoàn Phú Thọ đề xuất tăng cường, phát huy vai trò của thanh niên, phát động phong trào thi đua học tập trong cán bộ đoàn, có kế hoạch xây dựng, đào tạo cán bộ đoàn thông qua việc luân chuyển cán bộ.

Đề xuất Đoàn cần tham gia giám sát các đoàn thể, các ngành của đại diện đoàn Phú Thọ đã nhận được nhiều sự trao đổi thẳng thắn. Anh Nguyễn Hồng Trà (đoàn Bình Phước) không đồng ý với ý kiến trên. Anh cho rằng: “Đoàn chỉ được kiến nghị, đề nghị chứ không được phép giám sát các đoàn thể, ban ngành”.

Ở một khía cạnh khác, cơ chế đầu vào - đầu ra cho cán bộ đoàn đã được các đại biểu Đà Nẵng quan tâm. Tham luận của tỉnh đoàn Đà Nẵng đề xuất cần chú trọng hơn nữa đến những câu lạc bộ cho thanh niên.

Với dẫn chứng về công tác đào tạo nguồn cán bộ ở cơ sở, anh Ngọ Duy Hiểu - Phó Bí thư thường trực Thành đoàn Hà Nội nêu ý kiến, nhiều chính sách đối với cán bộ đoàn hiện nay đang mâu thuẫn và kiến nghị bỏ những cơ chế khiến cán bộ đoàn ít có cơ hội nâng cao trình độ chính trị.

Liên quan đến quyền lợi, chính sách cho cán bộ đoàn khi tham gia vào công tác đoàn thể, anh Nguyễn Hồng Trà cho rằng, chính sách bảo hiểm và phụ cấp cho phó bí thư đoàn xã như hiện nay là chưa thỏa đáng.

Theo anh Trà, đoàn thanh niên nhiều khi chưa thực hiện đúng nghĩa vụ trong việc phối hợp với Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể. Anh đề xuất: “trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ đoàn cần phải được quy định cụ thể để giúp cơ sở thực hiện đúng”.

Xung quanh vấn đề nghị quyết của Đoàn, đại biểu Nguyễn Hồng Trà thẳng thắn: “Nghị quyết 2 của Trung ương Đoàn là sao chép hoàn toàn của Đảng, như thế thì rất khó thực thi”.

Trong khi đó, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc ban hành nghị quyết mới về công tác thanh niên quá chậm vì các thời kỳ khác nhau, cần có những nghị quyết khác nhau. Nghị quyết trước đã quá cũ mà nghị quyết mới vẫn chưa được ban hành.

Vững bước hội nhập

Hội nhập kinh tế quốc tế tất nhiên phải được đầu tư công nghệ, vậy đối với một tỉnh nghèo như Hà Giang thì trước hết Đoàn phải có những hoạt động gì để giúp các bạn trẻ có cơ hội tiếp xúc với khoa học công nghệ tiên tiến? Một đoàn viên người Hà Giang mở đầu buổi thảo luận “xung kích trong hội nhập kinh tế quốc tế” tại trung tâm thảo luận số 11.

Về vấn đề này, ông Trịnh Minh Anh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Hợp tác Kinh tế Quốc tế (Bộ Công thương) cho rằng, hầu hết các quốc gia trong quá trình phát triển đều gặp một cột mốc khó khăn ban đầu. Vì thế, quan trọng là các đoàn viên phải có cái nhìn thực tế, để tìm ra cái mới, mang tính đột phá, làm sao vừa phù hợp với xu thế chung của thời đại, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

Trao đổi thẳng thắn những vấn đề của thanh niên ảnh 1
Một đại biểu nêu vấn đề tại trung tâm thảo luận số 11. Ảnh: Minh Thùy.

Một trong những câu hỏi được “mổ xẻ” nhiều nhất trong buổi thảo luận do một đoàn viên đến từ tỉnh đoàn Bình Định nêu ra, đó là  tính kỷ luật, tự ti, tự tôn, tự phát, vấn đề sính ngoại… của một bộ phận thanh niên hiện nay. “Đoàn sẽ phải làm gì để khắc phục thực trạng này?”.

Ông Trương Triều Dương - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Quốc tế Đa phương tiện (Bộ Ngoại giao) chia sẻ: Muốn hội nhập thì phải nắm vững những quy định. Đó là sự chuẩn bị vững vàng về chuyên môn trong lĩnh vực của mình, những kinh nghiệm khi giao tiếp với đối tác, vì thế sẽ không có chỗ cho tự ti, tự phát…

Quan tâm đến “hội nhập ngoại ngữ”, đại diện của đoàn Hà Nội băn khoăn: “Trong xu thế hội nhập, phải chăng tiếng Anh là sự lựa chọn số một, mà không còn ngoại ngữ nào hơn?

Ông Minh Anh tâm sự: “Các bạn đừng xem tiếng Anh là số một, tại sao người nước ngoài họ lại học tiếng Việt chúng ta? Vấn đề là chúng ta phải làm việc với đối tác nào, có nền văn hóa như thế nào…để có cái nhìn thật sâu về đối tác”.

Việc học ngoại ngữ, tin học nên đi vào thực chất. Các bạn trẻ nên có ý thức học để lấy kiến thức cho bản thân, chứ đừng để lấy thành tích để báo cáo, “cho oai”. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể vững bước trên con đường hội nhập kinh tế tri thức của thế giới.

Nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản

Tại Trung tâm thảo luận số 5, không khí trao đổi trở nên sôi nổi khi 12 ý kiến của đại biểu đề cập thẳng thắn, xoay quanh chủ đề “đồng hành với thanh niên trong nâng cao sức khỏe thể chất và đời sống văn hóa tinh thần”.

Đại biểu Ngọc Phương (TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến thẳng thắn về thực trạng nạo phá thai trong giới trẻ hiện nay. Theo Phương, nhiều bạn trẻ còn chưa nhận thức đúng về sức khỏe sinh sản, dẫn đến việc nạo phá thai tràn lan. Điều này không những ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn gây tổn thương tâm lý của những bạn trẻ trong cuộc sống sau này.

Từ thực tế đó, Ngọc Phương đề xuất, cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục giới tính cho thanh niên, nhằm từng bước thay đổi nhận thức của một bộ phận giới trẻ.

Trao đổi về vấn đề này, đoàn chủ tịch của trung tâm thảo luận 5 dẫn ra ví dụ: Trong một điều tra xã hội học được thực hiện ở ba trường THPT của TP Hồ Chí Minh, 28,1% học sinh trả lời, trẻ em được sinh ra từ… rốn. Điều đó cho thấy, công tác giáo dục giới tính trong thanh, thiếu niên là chưa hiệu quả.

Nhằm góp phần giải bài toán “lơ tơ mơ” về sức khỏe sinh sản của một bộ phận thanh niên hiện nay, Trần Thị Thùy Dung (Sinh viên Đại học Y Hà Nội) đưa ra “mô hình tình nguyện hỗ trợ tư vấn chăm sóc sức khỏe cộng đồng”. Đây là mô hình đã và đang được thực hiện tại trường Đại học Y Hà Nội mà một trong những mục đích hướng tới là nâng cao trình độ nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe.

“Để đạt được mục đích trên, chúng tôi tiến hành xây dựng các câu lạc bộ, đội hình chuyên trách, gồm: Câu lạc bộ tuyên truyền, vận động thực hiện chương trình y tế trọng  điểm của quốc gia; Câu lạc bộ sức khỏe sinh sản và tâm sinh lý  lứa tuổi vị thành niên; Câu lạc bộ Tủ thuốc của bạn; Câu lạc bộ điều tra, tư vấn sức khỏe cộng đồng; Câu lạc bộ “ Vì nụ cười trẻ thơ; Câu lạc bộ vận động hiến máu nhân đạo; Đội Bác sĩ trẻ tình nguyện” - Thùy Dung cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, có ý kiến cho rằng, ngoài đối tượng chính là học sinh, sinh viên, cần tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản cho cả phụ huynh, từ đó gián tiếp tác động vào giới trẻ.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm chạp?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm chạp?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.