Trí thức trẻ làm Phó chủ tịch xã: Nụ cười ngày đi - băn khoăn ngày về

Trí thức trẻ làm Phó chủ tịch xã: Nụ cười ngày đi - băn khoăn ngày về
TP - Tham gia Đề án đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch (Đề án 600) xã vùng sâu, vùng xa của 63 huyện nghèo trên cả nước, các trí thức trẻ hồ hởi ngược núi nhận nhiệm vụ. Họ mang theo trí thức, khát vọng và quyết tâm đổi thay đời sống dân nghèo ở những vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, sau 5 năm cắm bản, không ít người lại đang băn khoăn về công việc sắp tới của mình.

Bài 1: Háo hức lên đường

Để làm Phó chủ tịch  (PCT) xã, các trí thức trẻ đã tích cực học hỏi để tổ chức cuộc sống, làm việc phù hợp với điều kiện địa phương. Những việc tưởng đơn giản như thổi cơm, đi rừng, vượt suối… cũng phải học vì phần lớn đã quen với bếp gas, ánh điện.     

Đương đầu với khó khăn

Lội suối, trèo đèo, leo núi cùng các trí thức trẻ Đề án 600 về làm phó chủ tịch tại những xã vùng cao, vùng sâu còn nhiều khó khăn của Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Bắc Giang... PV Tiền Phong có dịp gắn bó, cùng họ tới những vùng gian khó. Không ít xã còn gắn với lắm “không” như: không đường, không điện, không sóng điện thoại, không internet…. Để hoàn thành nhiệm vụ các trí thức trẻ đã tích cực học hỏi tổ chức cuộc sống, làm việc cho phù hợp với điều kiện địa phương. Những việc tưởng đơn giản như thổi cơm, thắp nến, đi rừng, leo dốc, vượt suối… cũng phải học. Sửa soạn một bữa cơm dù đơn sơ nơi rừng núi thật khó khăn đối với chàng trai, cô gái trẻ vốn đã quen bếp gas, ánh điện.

Đặng Anh Dũng (sinh năm 1988) là một trong những đội viên trẻ nhất của Đề án 600, về làm PCT xã Sơn Lập - một xã nghèo nhất huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Lớn lên ở thành phố, Anh Dũng khó hình dung cảnh treo điện thoại di động vào dây phơi quần áo để có thể hứng sóng “rớt”. 

Phải cuốc bộ cả ngày đường men theo đường núi để vào xã hay xuống các thôn bản, rồi đi hái rau rừng, chợ phiên mua thức ăn cho cả tuần... Thậm chí, làm việc tại xã có hai trụ sở ủy ban, trong đó trụ sở chính ở xã có cơ sở vật chất gần như bằng không, là nơi tiếp nhận giải quyết mọi việc. Còn giấy tờ, công văn gửi đến và truyền đi thì ở trụ sở thứ hai đóng tại xã Sơn Lộ (huyện Bảo Lạc).

Không ít nữ trí thức trẻ quê vùng đồng bằng hồ hởi xách ba lô lên núi công tác như Lê Thị Hương (quê Nam Định) làm PCT xã Nậm Ét (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La); Lương Thị Huyền (quê Hải Phòng) làm PCT xã Mường Trai (huyện Mường La, Sơn La). “Xác định nếu tham gia dự án, tôi sẽ phải xa gia đình, bạn bè, quê hương, nhưng tôi chắc rằng sẽ được sống với khát vọng của mình là góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa miền xuôi với miền ngược”, Huyền chia sẻ.

Đôi chân vượt đường rừng còn bỡ ngỡ, nhưng Hương, Huyền nhanh chóng làm quen việc điều khiển xe máy trên những con đường lắm dốc cua, hay thường xuyên trơn trượt, sạt lở mỗi khi mưa và bụi mù khi nắng. Lê Thị Hương kể, đi đường dốc trơn ngã xe là bình thường, thậm chí có lần ngã đứt gân bàn chân hay suýt bị lũ cuốn mất xe... Được khen “dũng cảm”, chị Hương bảo: “Chính sự trải nghiệm, đồng cảm trên vùng đất khó khăn cộng thêm tình cảm bà con đã giúp cho mình có thêm dũng khí, tình yêu thương để dồn công sức làm thật tốt trọng trách được giao”.

Với hoài bão được thử sức, cống hiến nhiều hơn nữa cho miền quê nghèo, Trần Sỹ Trung tình nguyện tham gia Đề án 600 và làm PCT xã Quế Sơn (huyện Sơn Động, Bắc Giang) khi đang làm việc đúng chuyên ngành ở Trung tâm Điều tra quy hoạch nông - lâm nghiệp (Sở NN&PTNT Bắc Giang). Để về xã Quế Sơn công tác, cách nhà hơn 100km, anh đã nhiều lần thuyết phục vợ và cả gia đình. 

Những ngày đầu khi đặt chân đến Quế Sơn, ấn tượng với anh Trung là trụ sở ủy ban xã dưới chân quả đồi, bên cạnh là nghĩa trang, xung quanh không có nhà dân. Không có nhà công vụ, hết giờ hành chính, phòng làm việc trở thành nơi nghỉ của anh. Đối mặt với không ít khó khăn, bỡ ngỡ trong công việc, nhưng chưa bao giờ anh có ý định từ bỏ.

Trí thức trẻ làm Phó chủ tịch xã: Nụ cười ngày đi - băn khoăn ngày về ảnh 1

Phó Chủ tịch xã Nặm Ét (Quỳnh Nhai, Sơn La) Lê Thị Hương hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Xuân Tùng.

Nỗ lực làm giàu cho thôn, bản

Kể về những ngày đầu công tác, Lương Thị Huyền cho hay: “Đan xen với cảm xúc ban đầu là những băn khoăn, suy nghĩ, trăn trở dần lớn hơn. Liệu rằng, 5 năm mình sẽ làm được gì cho con người và vùng đất nơi đây”. Trong thời gian đầu, chị Huyền đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền và tham gia huy động làm nhà bán trú cho học sinh THCS; thành lập hai đội văn nghệ mới tại hai bản nhằm phục vụ hoạt động văn hóa văn nghệ những ngày lễ tết của địa phương, tạo ra môi trường sinh hoạt và lưu giữ giá trị văn hoá cộng đồng của địa phương. Đặc biệt, Lương Thị Huyền tham gia thực hiện xóa mù chữ cho phụ nữ trong độ tuổi 18 đến 45, trên địa bàn.

Được phân công phụ trách mảng văn hóa xã hội, chị Lê Thị Hương còn xin thêm phụ trách các mô hình của trung tâm khuyến nông huyện khi triển khai tại xã.

Bên cạnh việc xây dựng 16 đội văn nghệ trên toàn xã, lần đầu tiên tổ chức hội thi thể dục thể thao toàn xã, hội thi văn nghệ bản xóm, tổ chức Trung thu cho thiếu nhi..., chị Hương còn thành công trong việc phát triển kinh tế với nhiều mô hình như chăn dê, nuôi cá lồng, thành lập hợp tác xã thủy sản.    

Khi đưa ra bàn bạc, nhiều người băn khoăn về nguồn vốn, rủi ro thời tiết bất thường dịch bệnh, đầu ra cho sản phẩm..., Lê Thị Hương lại hăng hái tháo gỡ từng khó khăn và vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Riêng mô hình cá lồng, từ chỗ có 2 - 3 hộ nuôi với 4 lồng theo dự án của tỉnh, xã Nậm Ét đến nay đã có hơn 30 hộ với khoảng 100 lồng cá. Tiêu biểu có hộ anh Lò Văn Thanh (SN 1982, dân tộc Thái) với số vốn chưa đầy 6 triệu đồng đầu tư nuôi cá nheo, sau ba tháng đã thu được hơn 20 triệu đồng. Bên cạnh việc tham gia tư vấn, hỗ trợ người dân trị bệnh cho cá, chị Hương tìm nguồn vốn vay hỗ trợ người dân. Gia đình anh Thanh tiếp tục đầu tư tới 9 lồng nuôi 3 - 4 loại cá. 

Với cương vị PCT xã, Trần Sỹ Trung luôn đặt câu hỏi làm gì giúp người dân cải thiện đời sống và thoát nghèo khi xã Quế Sơn có 9 dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao và còn nhiều phong tục lạc hậu. Anh xác định, cần giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Sau khi tự tìm hiểu, liên hệ, anh Trung xây dựng mô hình chăn nuôi thỏ quy mô hộ gia đình và trực tiếp hướng dẫn, vận động nhân dân tham gia. Từ 3 hộ đầu tiên, đến nay, xã đã có gần 40 hộ tham gia và ổn định đầu ra.

Qua những năm làm PCT xã tại các xã vùng cao, các trí thức trẻ như Trần Sỹ Trung, Lương Thị Huyền, Lê Thị Hương, Đặng Anh Dũng... luôn sẵn sàng và mong muốn được cống hiến, giúp đồng bào. Họ không ngừng trăn trở, ấp ủ những dự án, mô hình giúp đồng bào cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, xóa đói nghèo, nhưng “đầu ra” lại mỗi nơi một khác, họ chưa biết đi đâu, về đâu.

Trước khi về xã nhận nhiệm vụ PCT, các trí thức trẻ Đề án 600 trải qua lớp bồi dưỡng do các nhà khoa học, nhà quản lý hướng dẫn. Trong đó, 6 tuần học lý thuyết, rèn kỹ năng, được trang bị kiến thức quản lý nhà nước về các lĩnh vực kinh tế, xã hội.... Được học kỹ năng dân vận, lập kế hoạch và tổ chức cuộc họp, kỹ năng soạn thảo văn bản. Với 5 tuần thực tế cơ sở, đội viên tìm hiểu tổ chức bộ máy ở địa phương, phong tục tập quán, điều kiện KT-XH cũng như các mối quan hệ công tác tại địa phương nơi dự kiến bố trí về công tác. Sau đó, họ bảo vệ đề án phát triển KT-XH.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.