Triệu phú 8X từ hỗ trợ của Đoàn

Triệu phú 8X từ hỗ trợ của Đoàn
TP - Danh sách đại biểu dự “Liên hoan thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” năm 2009 của tỉnh Đắk Lắk có đến hàng chục thanh niên nông thôn thuộc thế hệ 8X có thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng.
Triệu phú 8X từ hỗ trợ của Đoàn ảnh 1
Mô hình trồng tre lấy măng ở Huyện Đoàn Krông Bông (Đắk Lắk)

Phần lớn trong số đó thành công nhờ  hàng loạt chương trình hỗ trợ thanh niên làm kinh tế do Đoàn làm nòng cốt.

Y Phùng Êung sinh năm 1982 ở buôn Lê thị trấn Liên Sơn huyện Lắk là triệu phú nông dân với thu nhập trên 220 triệu đồng một năm. Năm 2000, khởi nghiệp từ 20 triệu đồng vốn vay từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên lập nghiệp của ngân hàng chính sách xã hội thông qua các chi đoàn địa phương, Y Phùng dùng số tiền này để nuôi bò.

Nhờ được  Huyện Đoàn Lắk thường xuyên phối hợp với các trung tâm khuyến nông và các trường dạy nghề mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho thanh niên, Y Phùng chăm sóc tốt cho đàn bò tránh được các trận đại dịch lở mồm long lóng. Có thời điểm đàn bò của Y Phùng phát triển được trên cả trăm con.

Năm 2004, Y Phùng bán bớt bò để đầu tư khai hoang tám hécta đất. Cán bộ Huyện Đoàn Lắk lại hướng dẫn Y Phùng tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, các buổi hội thảo đầu bờ về giống cây trồng mới.

Nhờ vốn kiến thức này, Y Phùng mạnh dạn sử dụng các loại giống cây trồng mới và chăm sóc tốt để cho năng suất cao. Mỗi năm, Y Phùng  thu được trên 40 tấn ngô lai, 10 tấn lúa. Tổng thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi của Y Phùng đạt trên 220 triệu đồng.

Đồng hành

Hàng năm, các cơ sở Đoàn phối hợp với các trung tâm dạy nghề và trung tâm khuyến nông để đào tạo và tập huấn kiến thức sản xuất cho đoàn viên, thanh niên.

Để nâng cao hiệu quả của việc đào tạo này, đầu năm 2009 Tỉnh Đoàn Đắk Lắk ký kết với Sở Lao động Thương binh & Xã hội Đắk Lắk chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động dạy nghề, tư vấn tạo việc làm cho thanh niên.

Theo đó, hàng năm, hai đơn vị này tổ chức 20 điểm tư vấn việc làm và tuyển dụng lao động, 20 lớp đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn gồm các nghề cơ bản như trồng trọt, sửa chữa nông cơ, dệt thổ cẩm, điêu khắc, chăn nuôi và tin học.

Để phổ biến kỹ thuật mới và cách làm mới đến với đoàn viên thanh niên một cách hiệu quả hơn, nhiều huyện Đoàn ở Đắk Lắk đứng ra lập dự án xây dựng mô hình sản xuất điểm, sau đó đề nghị UBND huyện hỗ trợ  vốn để thực hiện.

Tiêu biểu như Huyện Đoàn Krông Ana với các mô hình trồng nấm rơm, mô hình trồng rau sạch, mô hình trồng rau mầm với tổng  kinh phí được UBND huyện Kông Ana hỗ trợ là 166 triệu đồng.

Huyện Đoàn Krông Pắk với các mô hình nuôi ếch, nuôi thỏ, làm phân vi sinh từ vỏ cà phê với tổng kinh phí được UBND huyện Krông Pắk hỗ hợ là 65 triệu đồng v.v...

Cho thanh niên vay vốn lập nghiệp cũng là một chương trình mang lại hiệu quả cao. Ngân hàng Chính sách Xã hội Đắk Lắk ủy thác cho 385 tổ tiết kiệm vay vốn do các cơ sở Đoàn làm nòng cốt giải ngân được 126.460 triệu đồng cho 14.190 hộ vay.

Ngoài ra thanh niên tỉnh Đắk Lắk cũng được vay hơn 500 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương Đoàn để thực hiện 11 dự án phát triển kinh tế.

Cũng nhờ sự trợ giúp của Đoàn, Y Nhân Niê sinh năm 1985 ở buôn Ayun xã Ea Kuêh huyện Cư M’gar có thu nhập trên 300 triệu đồng; Nguyễn Văn Long Êban sinh năm 1983 ở buôn Kna xã Cư M’gar huyện Cư M’gar có thu nhập trên 100 triệu đồng; Nguyễn Văn Quân sinh năm 1985 ở xã Ea Phê huyện Krông Pắk có thu nhập trên 140 triệu đồng; Phan Văn Dũng sinh năm 1983 ở xã Ea Wel huyện Buôn Đôn có thu nhập trên 320 triệu đồng; Mai Văn Nhân sinh năm 1981 ở xã Ea Nam huyện Ea H’leo có thu nhập trên 300 triệu đồng; Phạm Tân sinh năm 1982 ở xã Khuê Ngọc Điền huyện Krông Bông thu nhập  trên 300 triệu đồng v.v...
MỚI - NÓNG