Trò chuyện với Phó chủ tịch quận trẻ nhất nước

Trò chuyện với Phó chủ tịch quận trẻ nhất nước
Giữ chức Phó chủ tịch quận 3 từ năm 2005, khi mới 29 tuổi, Hà Phước Thắng từng là phó chủ tịch quận - huyện trẻ nhất cả nước. Anh là một trong những cán bộ trẻ tiêu biểu của TPHCM.
Trò chuyện với Phó chủ tịch quận trẻ nhất nước ảnh 1
Hà Phước Thắng. Ảnh: VNN

Hà Phước Thắng từng tham gia hoạt động Đoàn ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, thay vì đi học đại học chính quy. Anh từng là Chủ tịch phường và Bí thư quận Đoàn khi còn rất trẻ. 

Tuổi trẻ có là một hạn chế?

Tuổi đời còn rất trẻ mà được giao một chức vụ khá quan trọng của TPHCM, anh gặp khó khăn gì?

Có một số khó khăn nhất định. Trước đây, tôi chỉ tham gia những hoạt động phong trào của Đoàn thanh niên, nay lại được giao phụ trách một mảng chính sách cụ thể liên quan đến phát triển kinh tế, thì kinh nghiệm là cái thiếu đầu tiên.

Trước đây chỉ hoạt động phong trào, bây giờ đi vào một lĩnh vực trên một địa bàn, thì phải nắm vững hơn, gắn bó nhiều hơn với cơ sở, để tham mưu cho lãnh đạo UBND quận định hướng phù hợp.

Trước đó, anh đã chuẩn bị kiến thức gì cho công tác quản lý bây giờ?

Qua nhiều năm hoạt động Đoàn cũng giúp tôi nâng cao được nhận thức chính trị, thông qua những lớp chính trị sơ cấp, trung cấp và cao cấp.

Hoạt động xã hội, tiếp xúc với mọi tầng lớp nhân dân giúp tự tin hơn, muốn sống vì cộng đồng hơn, hiểu nhiều hơn về truyền thống, hoạt bát hơn trong công việc.

Ngoài ra, chứng kiến nhiều cảnh sống khó khăn thì thấy mình cần có thêm trách nhiệm.

Tuy nhiên, hành trang của một cán bộ trẻ không chỉ là nhận thức chính trị, sự nhiệt tình, mà cần có kiến thức chuyên sâu, nhất là với yêu cầu thời cuộc hiện nay, đặc biệt là khi TPHCM được giao thí điểm xây dựng chính quyền đô thị?

Đúng thế. Cán bộ trẻ chắc chắn còn thiếu kinh nghiệm cũng như kiến thức chuyên sâu.

Vậy tuổi trẻ có phải là hạn chế nhất của anh?

Từ lúc nhận chức đến nay đã được hơn 1 năm. Đúng là vì còn trẻ nên lúc đầu có nhiều bỡ ngỡ, vì mới chỉ có một ít kinh nghiệm trong công tác phường.

Muốn quản lý khối thì phải nắm được cơ sở. Tôi phải bù đắp lại thiếu hụt của mình bằng cách xuống thực tế tại các DN, hợp tác xã trên địa bàn cùng phòng kinh tế của quận, để nghe các khó khăn, kiến nghị.

Tất nhiên là còn phải nỗ lực học hỏi từ lãnh đạo, đồng nghiệp và những người đi trước trong lĩnh vực này.

Phụ trách quản lý về kinh tế có phải là một công việc quá khó đối với một cán bộ Đoàn trẻ như anh?

Chức năng của quận - huyện là quản lý các đơn vị kinh tế về hành chính nhà nước, theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, trong thời hội nhập, để các DN đầu tư vào thì người quản lý phải hiểu DN cần gì, DN hoạt động như thế nào?

Cũng phải biết dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng hoạt động như thế nào, cần gì? Ngoài ra, phải gắn bó với DN để huy động các hoạt động từ thiện.

Chính vì những đòi hòi như vậy, vừa rồi, tôi cũng đăng ký theo học các lớp kinh tế do trường ĐH kinh tế TPHCM hoặc hội DN tổ chức về một số luật liên quan đến DN. Thời gian tới tôi sẽ còn phải bồi dưỡng nhiều về kiến thức chuyên môn.

Phải đào tạo bài bản trước

Trò chuyện với Phó chủ tịch quận trẻ nhất nước ảnh 2
Cái hay của cán bộ trẻ là dám nghĩ, dám làm, dễ tạo được đột phá, lăn xả trong công việc". Ảnh: VNN

Anh có thể so sánh việc học từ thực tiễn, từ những người có kinh nghiệm xung quanh mình với việc học một cách bài bản, đặc biệt là được đào tạo từ nước ngoài? Hai việc học ấy, việc nào tốt hơn với cán bộ trước yêu cầu cao hiện nay?

Tôi nghĩ, việc đào tạo và sử dụng cán bộ chuẩn mực là phải đào tạo bài bản trước, sau đó kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn.

Nếu bố trí cán bộ đúng chuyên ngành thì càng tốt hơn. Nhưng trong điều kiện còn thiếu cán bộ thì phải linh động bố trí khi người chưa qua đào tạo bài bản. Sau đó cán bộ phải nỗ lực hơn.

Bên cạnh đó, công tác sử dụng cán bộ còn được xét về mặt chính trị, chứ không đơn thuần về năng lực.

Anh nhận xét thế nào về cách sử dụng cán bộ trẻ tại TPHCM?

TPHCM đã có sự chỉ đạo chung. Hiện đã có một số quận trong đó quận 3 được coi là có sự chú ý đến cán bộ trẻ. Quận 3 đã mạnh dạn phân công cho cán bộ trẻ một số nhiệm vụ quan trọng từ quận đến phường để từng bước thử thách.

Quận đang thí điểm tập hợp các các cán bộ trẻ có triển vọng thành câu lạc bộ tiến bước. Câu lạc bộ này có nhiệm vụ chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất đưa các thành viên còn yếu về chính trị, văn hóa, ngôn ngữ đi tập huấn.

Cán bộ trẻ ít sợ đụng "ông nọ, ông kia"?

Theo anh, cái hay của cán bộ trẻ là gì?

Đó là dám nghĩ, dám làm, dễ tạo được đột phá, lăn xả trong công việc. Cán bộ trẻ thường không ngại tiếp cận với người dân, nhất là trong trường hợp người dân có phản ứng gay gắt, vì về tuổi đời, cán bộ chỉ ngang với con cháu họ. Từ đó, dễ tạo được thông cảm, đồng tình từ phía người dân.

Với tính cách của tuổi trẻ, thường thì sẽ "liều", ít sợ đụng "ông nọ, ông kia"?

Nói chung cứ làm trên nguyên tắc bằng nhiệt huyết của mình, nhiều khi cũng "điếc không sợ súng", mạnh dạn thử nghiệm nếu thấy có lợi.

Kinh nghiệm trong việc dành sự tín nhiệm từ người dân của riêng anh là gì?

Tôi nghĩ cán bộ cần tự đặt mình vào hoàn cảnh của người dân. Từ đó sẽ hiểu người dân hơn.

Ví dụ, trong khi chỉ đạo di dời, phát hiện một hộ dân không chấp hành, thì tìm hiểu. Thấy hộ đó quá khó khăn, không có chỗ ở nào khác, thì giúp thành viên trẻ trong gia đình đó công ăn, việc làm. Vận động các "Mạnh Thường Quân", có thể ngay cả những người trong diện giải tỏa không bị thiệt hại nhiều, bù đắp cho những gia đình thuộc diện trên.

Đặt mình vào thế trong cuộc thì dễ thuyết phục người dân hơn, ngay cả khi không giúp được họ về mặt vật chất. Có lần, khi làm Chủ tịch phường, đi giải tỏa lòng lề đường, tôi nói với người dân: "Trước đây con từng bán cà phê vỉa hè, từng trốn tránh đội trật tự nên rất hiểu. Nhưng đây là chủ trương chung...". Và họ đã thông cảm với tôi...

Xin cảm ơn anh!

Theo Phạm Cường
Vietnamnet

MỚI - NÓNG