Trợ giúp thanh niên kiểu... Úc

Anh Jimon Wilson, giám đốc Oxigen giới thiệu với Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng (mặc áo khoác đen đứng hàng đầu bên trái) và các cán bộ làm công tác thanh niên của Việt Nam về những dịch vụ trợ giúp thanh niên.
Anh Jimon Wilson, giám đốc Oxigen giới thiệu với Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng (mặc áo khoác đen đứng hàng đầu bên trái) và các cán bộ làm công tác thanh niên của Việt Nam về những dịch vụ trợ giúp thanh niên.
TP - “Thế hệ Z” (Generation Z) là cách gọi của người Úc đối với thanh thiếu niên từ 14 đến dưới 25 tuổi. Trước việc nhiều thanh thiếu niên có nguy cơ bỏ học, sử dụng chất gây nghiện, vi phạm pháp luật khi gặp những khó khăn không tự giải quyết được, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội ở đây đã có nhiều cách làm hiệu quả để hỗ trợ, giúp đỡ các em vượt qua những thách thức trước ngưỡng cửa vào đời.

Dịch vụ “một cửa” trợ giúp thanh thiếu niên 

Quận Sunshine, bang Victoria là nơi tập trung nhiều người dân di cư, nhập cư sinh sống. Những khó khăn khi khả năng hội nhập kém, thất nghiệp tăng cao, vấn đề bạo lực, lạm dụng tình dục trong gia đình đã đẩy nhiều thanh thiếu niên ra đường, sống lang thang, bỏ học, bị dụ dỗ sử dụng chất gây nghiện như cần sa, ma túy đá, lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông... Có em phải chịu hình phạt  tù giam, nhẹ thì cũng bị lao động công ích, tịch thu phương tiện. Nếu không có sự trợ giúp kịp thời, tương lai tốt đẹp gần như khép lại trong khi các em còn quá trẻ, và từ đây, vòng xoáy tội phạm lại tiếp tục.

Trước vấn đề này, Công ty Youth Junction ra đời, với sự hỗ trợ rất lớn của các nhà hảo tâm và chính quyền địa phương, nhằm can thiệp và giúp đỡ kịp thời cho các em. Đặc biệt, tại công ty này, có nhiều dịch vụ trợ giúp thanh thiếu niên, từ cung cấp cơ sở vật chất hỗ trợ hoạt động, tư vấn chăm sóc sức khỏe tâm lý tình cảm, hỗ trợ tìm việc làm và mở cơ sở sản xuất kinh doanh, cách thức hòa nhập trong môi trường đa văn hóa dành cho người mới nhập cư, di cư, cho đến cung cấp thuốc cai nghiện, hỗ trợ pháp lý cho tội phạm là thanh thiếu niên…

“Từ kinh nghiệm và cách làm ở đây, chúng ta thấy rằng điều quan trọng tạo ra thành công là đừng đặt ra những mục tiêu quá to tát, dàn trải, chạy theo số lượng mà cần phải chú ý đến hiệu quả đạt được cho từng cá nhân, phải hiểu mỗi đối tượng mình cần giúp đỡ đang nghĩ gì, cần gì và có những năng lực gì để tìm giải pháp trợ giúp, phát huy năng lực cá nhân. Cách làm thì phải thật chi tiết, tỉ mỉ và kỳ công. Những dịch vụ hiệu quả như “một cửa” trợ giúp thanh niên, hỗ trợ ý tưởng sáng tạo cho doanh nhân trẻ đều có thể nghiên cứu vận dụng ở nước ta cho phù hợp”.

Chị Nguyễn Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

Chị Karen Hart, Giám đốc điều hành Youth Junction cho biết: “Để duy trì hoạt động, ngoài nguồn kinh phí do chính quyền liên bang, chính quyền bang và các nhà tài trợ cấp, công ty đã phải liên kết với 14 cơ sở cung ứng dịch vụ để tạo một chuỗi dịch vụ. Thanh thiếu niên chỉ cần ngồi một chỗ để truy cập những dịch vụ theo nhu cầu. Mọi nguồn lực được chia sẻ tại đây đã giúp tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc, nhưng điều quan trọng nhất là các em tự tin và thích thú khi đến đây vì nó rất thuận tiện. Ở đây chúng tôi gọi đó là dịch vụ “một cửa” trợ giúp thanh niên”.

Chỉ trong 5 năm hoạt động, công ty của chị Karen Hart đã giúp được 460 thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng; tỷ lệ tái nghiện chỉ là 26%, mức rất thấp so với 40-45% ở Úc; có những thanh niên sau khi ra tù đã tình nguyện đến công ty làm việc, không nhận thù lao.

Hầu như mỗi quận, thành phố ở Úc đều có những trung tâm, công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh thiếu niên và mỗi nơi đều có những cách làm rất sáng tạo.

Với Trung tâm Oxigen ở quận Moreland, đối tượng chính là học sinh trung học. Nhân viên ở đây đến từng trường quan sát, phát hiện sớm những em đang gặp khó khăn, có nguy cơ cao để theo dõi, giúp đỡ trong suốt quá trình các em đang học, bằng các liệu pháp trò chuyện, tư vấn tâm lý, hàng tuần tập cho các em đá bóng, chơi nhạc cụ, học cách pha cà phê...

Công ty “Phát triển ý tưởng sáng tạo” tại thành phố Melbourne là nơi cùng làm việc cho những doanh nhân trẻ có tiềm năng cao trong lĩnh vực công nghệ. Có tới 48 buồng làm việc để những người trẻ có tài năng đến làm việc và giao dịch ý tưởng sáng tạo. “Bất cứ một ý tưởng sáng tạo nào đều được kết nối tới doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp đặt hàng để bán lại ý tưởng cho họ. Đây là nơi khởi nghiệp cho những tham  vọng lớn và quan trọng để thay đổi thế giới…” - anh Jason Cotton - phụ trách công ty giới thiệu.

Trợ giúp thanh niên kiểu... Úc ảnh 1

Chị Karen Hart - giám đốc điều hành Công ty Youth Junction  trò chuyện với thanh niên đến sinh hoạt.

Huy động cộng đồng, phát huy năng lực cá nhân

Mặc dù mỗi dịch vụ cho thanh thiếu niên có đối tượng và mục tiêu riêng, nhưng điểm chung nhất ở đây chính là việc huy động được chính quyền, các nhà tài trợ, tình nguyện viên cùng tham gia. Bộ máy làm việc cố định được tinh gọn tối đa, chủ yếu là mời gọi sự tự nguyện từ cộng đồng. Khi có một chương trình dự án thuyết phục, tùy thuộc từng chương trình, chính quyền liên bang, bang và địa phương sẽ cấp một nguồn tiền cùng các nhà hảo tâm (gia đình cũng đóng góp tiền của, vật dụng) và nhiều người khác sẵn sàng làm việc tự nguyện để dự án thành công.

Như ở Trung tâm Oxigen, một năm vận hành tới gần 20 chương trình khác nhau, nhưng chỉ 5 người làm việc có lương, kinh phí do chính quyền địa phương cấp 900.0000 đô la Úc (tương đương 15 tỷ đồng). Một điểm nữa tính quyết định đến hiệu quả của mỗi chương trình, dự án chính là việc tham gia phát hiện, can thiệp từ rất sớm để có giải pháp kịp thời, đồng thời tìm kiếm, phát hiện ra những khả năng nổi trội còn đang ẩn giấu trong mỗi thanh thiếu niên. Anh Jimon Wilson, giám đốc Oxigen khẳng định “Chìa khóa của thành công của chúng tôi là luôn đề cao giá trị cá nhân, đồng cảm, sẻ chia và kiên trì với đối tượng mình đang trợ giúp”.

Có thể nói, bất cứ quốc gia, dân tộc nào, những vấn đề về thanh niên và công tác chăm sóc giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên phát triển đều được chính quyền và cộng đồng, xã hội đặc biệt quan tâm, bởi sự phát triển của thế hệ trẻ chính là tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc đó.  Cách tổ chức và hoạt động của các dịch vụ hỗ trợ thanh thiếu niên ở Úc cũng là những gợi ý cần thiết cho hoạt động Đoàn, Hội và công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên ở nước ta hiện nay.

Melbourne, Australia, 10/2015

MỚI - NÓNG