Trung Quốc: Sinh viên “bán” thời gian rảnh

Trung Quốc: Sinh viên “bán” thời gian rảnh
TPO- Sự xuống dốc của nền kinh tế cùng với áp lực tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp đã khiến nhiều sinh viên Trung Quốc tìm ra những cách thức mới để kiếm tiền.
Trung Quốc: Sinh viên “bán” thời gian rảnh ảnh 1
"Tôi bán thời gian rảnh"

Theo tờ báo Changjiang Times, Zhang Li- sinh viên năm thứ hai tại một trường dạy nghề ở tỉnh Hồ Bắc- đã mở “cửa hàng” trên Taobao.com- trang web mua sắm trực tuyến hàng đầu tại Trung Quốc- để bán “thời gian rảnh rỗi”.

Nếu bạn ghét xếp hàng, Li sẽ xếp hàng hộ bạn. Nếu bạn thấy mệt, Li sẽ đi mua sắm hộ bạn. Li có thể mua cà-phê hoặc vé tàu xe giúp bạn trong dịp cao điểm để bạn khỏi tốn năng lượng.

Li tâm sự:” Tôi chỉ muốn “bán” thời gian rảnh rỗi của tôi để làm những điều có ý nghĩa cho người khác. Tôi có thể kiếm vài khoản tiền tiêu vặt, hoặc thậm chí quan trọng hơn, tôi có thể tạo dựng công ty riêng”.

Việc làm cho sinh viên tốt nghiệp là một vấn đề “đau đầu” tại Trung Quốc. Sau khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu, mục tiêu giải quyết việc làm cho khoảng 6,1 triệu sinh viên vừa tốt nghiệp tháng 6 năm ngoái càng thêm nan giải. Năm ngoái, khoảng 1,5 triệu sinh viên tốt nghiệp đã không tìm được việc.

Kể từ khi bán thời gian rảnh rỗi qua mạng hồi đầu tháng 3, Li đã kiếm được 2 công việc với giá 10 nhân dân tệ/ 1 giờ và 100 nhân dân tệ/1 ngày.

Công việc đầu tiên đến với Li một tuần sau khi cô mở “cửa hàng trực tuyến”. Khách hàng của Li muốn có một chiếc thấu kính để tăng thị giác. Li đã mất 2 ngày lướt Internet để tìm ra loại thấu kính phù hợp. Đối với khách hàng đầu tiên này, Li đã không nhận tiền công và coi đó như một sự quảng cáo cho “cửa hàng”.

Sau đó, công việc bán thời gian rảnh rỗi qua mạng của Li đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Công việc thứ hai của Li là đi mua sắm hộ khách hàng. Li đã kiếm được 75 nhân dân tệ.

Cùng với “cửa hàng trực tuyến”, Li cũng sử dụng các phòng chat hoặc bảng thông báo trực tuyến để quảng cáo. Cách làm này nhận được sự hồi đáp nồng nhiệt.

Tuy nhiên, đôi lúc một số khách hàng, thường là các cậu trai, có những yêu cầu lạ lùng. Họ đề nghị Li cùng đi ăn tối hoặc xem phim, thậm chí là hẹn hò.

“ Tôi nói “Không” với họ. Tôi nghĩ đề nghị của họ thật vô nghĩa”- Li nói.

Một số công dân mạng có cách nghĩ khác về công việc của Li. Họ bình luận rằng sinh viên cần học hỏi những điều hữu ích trong thời gian ngồi ghế nhà trường thay vì lo kiếm tiền.

Tuy nhiên, Li cho rằng :” Tôi có thể cân bằng giữa việc học và việc kiếm tiền. Kiếm tiền giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm xã hội”.

Li không phải là trường hợp đầu tiên “bán” thời gian rảnh qua mạng.

Chen Xiao- một nữ sinh ở tỉnh Hồ Nam- là người đầu tiên mở “cửa hàng” trên trang Taobao.com tháng 12 năm ngoái. Chỉ trong vòng 2 tháng, Chen Xiao đã kiếm được 3.000 nhân dân tệ từ 50 công việc khác nhau.

Guan Mingyu- một sinh viên “bán” thời gian rảnh qua mạng- bày tỏ mối lo ngại về sự an toàn của bản thân. Mingyu cho biết chỉ kiếm tiền vào ban ngày và hiếm khi ra ngoài vào ban đêm.

Tan Fang- một giáo sư Đại học ở Trung Quốc- cho rằng, mọi người cần có suy nghĩ tích cực về xu hướng mới trên. Trong khi đó, cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ hoạt động này.

Huy Linh
Theo Tân Hoa Xã

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).