Trung Quốc : Thế hệ 8X thích cưới gấp hơn sống thử

Trung Quốc : Thế hệ 8X thích cưới gấp hơn sống thử
TP - “Chúng mình cưới đi! Mình yêu nhau gần 1 tháng rồi!” trở thành câu nói phổ biến của thanh niên thế hệ 8X các thành phố lớn ở Trung Quốc hiện nay.
Trung Quốc : Thế hệ 8X thích cưới gấp hơn sống thử ảnh 1

Theo điều tra của trang web Đại dương, hơn 6/10 tự nhận mình thuộc những người cưới gấp. Thống kê khác cho biết, 1/3 thuộc loại kết hôn gấp trong 1 tháng.

Trương Chí Cương làm việc trong một cơ quan nhà nước, thu nhập cao, có nhà và ô tô; được mệnh danh là “Tài tử 8X”, nhưng mọi người cũng giật mình khi anh quyết định kết hôn với một cô gái mới quen trước đó mấy ngày. “Vừa nhìn thấy cô ấy tôi đã có cảm giác trở về nhà”, Chí Cương tâm sự.

Tiểu Trương quyết định cưới cô gái vừa quen biết qua chuyến du lịch Hồng Công tháng trước. Tiểu Trương muốn dành cho bố mẹ niềm vui bất ngờ. Tuy nhiên, rắc rối đã xẩy ra với Tiểu Trương vì bố mẹ cho rằng cô dâu có tướng “khắc phu” nên phản đối gay gắt.

Quản trị mạng Giai duyên thế kỷ Long Hải Yến làm quen bạn trai qua mạng và cả hai tiến tới hôn nhân chỉ sau 2 tháng. Chuyện tình của họ được truyền tụng, ngợi ca trên mạng.

Có ý kiến cho rằng hôn nhân chớp nhoáng sẽ không hạnh phúc nhưng cũng có người cho rằng cưới trước yêu sau, cuộc sống vợ chồng sẽ làm cả hai già dặn hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến cưới gấp chính là “tiếng sét ái tình”.

Theo điều tra của Quảng Châu nhật báo, 62% cho rằng lần đầu tiên gặp mặt có ý nghĩa sẽ quyết định tiến tới hôn nhân; trong khi đó chưa đến 20% không tin tưởng “tiếng sét ái tình”.

Ở Trung Quốc hiện có nhiều đôi cưới gấp đều do quen biết qua mạng. Thông qua “tìm kiếm cao cấp”, thanh niên nhanh chóng xác định thông tin “đối phương” nên thời gian yêu đương cũng rút ngắn hơn.

Hơn nữa, “ở thành phố ngoài sức ép công việc, còn tính tới yêu ngắn để giảm chi phí”, Long Hải Yến nói. Luật sư Trần Chương Nghi, văn phòng luật sư Hồng Đỉnh (Quảng Châu) cho rằng, từ sau 2001, cùng với việc thực hiện Luật Hôn nhân mới, số người cưới gấp càng nhiều nhưng tỷ lệ ly hôn cũng theo đó tăng lên.

Viện phó Viện Nghiên cứu Xã hội (Viện Khoa học Xã hội Quảng Châu) Miêu Hưng Tráng nói: “Những năm 90 thế kỷ trước, ở Quảng Châu cũng đã từng dấy lên trào lưu cưới gấp gắn liền với chính sách phúc lợi phân nhà ở.

Xã hội cũng nên có cách nhìn thoáng với hiện tượng cưới gấp hiện nay. Tất nhiên, không phải ai cũng coi trọng vật chất. Ở mức độ nào đó, việc này có liên quan tới tính cách và thái độ sống”.

Đông đảo thanh niên 8X khẳng định: Cưới gấp còn cao thượng hơn nhiều chuyện sống thử. Không thể coi đây là biểu hiện của sống gấp, đáng lo ngại”.

Long Hải Yến cho rằng, phụ nữ cần phải thận trọng với kiểu kết hôn “chớp nhoáng”, bởi nếu xảy ra ly hôn sẽ gây tổn thương sâu sắc. Hơn nữa, những phụ nữ đã ly hôn tìm được đối tượng thích hợp không phải là dễ.  

Đào Lưu

(Theo Quảng Châu nhật báo)

MỚI - NÓNG