Trường Sa trong lòng Hà Nội

Nhiều bạn trẻ tham quan các tác phẩm trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Xuân Tùng.
Nhiều bạn trẻ tham quan các tác phẩm trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Trưng bày hình ảnh, hiện vật thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, triển lãm “Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội” mang những dấu ấn đặc biệt về thời gian, không gian và con người.

Dấu ấn kỷ lục

“Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội” diễn ra tại Trung tâm triển lãm 45 Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nơi có đông đảo người dân, giới trẻ bách bộ, tham quan. Triển lãm vắt từ năm 2016 sang năm 2017 (khai mạc từ 31/12/2016 đến 3/1/2017) như cây cầu kết nối năm cũ - mới. Đặc biệt, triển lãm còn là cầu nối Trường Sa thân yêu với đất liền
Tổ quốc.

100 bức ảnh trưng bày gồm 4 chủ đề Chủ quyền biển đảo, Thiên nhiên, Chân dung, Hà Nội - Trường Sa đã mang tới những lát cắt sinh động, trung thực về tình cảm, hoạt động đời sống, công tác của cán bộ chiến sỹ, nhân dân nơi đầu sóng ngọn gió. Triển lãm quy tụ hình ảnh đầy đủ của 21 đảo, 33 điểm đóng quân và dân, 9 ngọn hải đăng của Việt Nam ở Trường Sa. Triển lãm còn trưng bày một số hiện vật sống động của Trường Sa với hỗ trợ của Bảo tàng Hải quân (Bộ Tư lệnh Hải quân) như: Cây bàng vuông; cờ đỏ sao vàng đã hoàn thành nhiệm vụ tại Trường Sa Lớn, Sơn Ca...

Anh Trần Vũ Thành, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương cho biết, có được cái nhìn toàn cảnh, Ban tổ chức triển lãm đã chọn lọc từ hàng nghìn ảnh của 22 tác giả nhiếp ảnh chuyên và không chuyên. Tác phẩm “Diệu kỳ Trường Sa” (nữ nhà báo Mỹ Trà, Đài Tiếng nói Việt Nam) gây ấn tượng mạnh về khoảnh khắc, sắc màu trong nghệ thuật nhiếp ảnh, lay động niềm xúc cảm “ở hai đầu nỗi nhớ” đất liền - Trường Sa. Chị ghi lại cảnh cầu vồng bảy sắc vắt qua ngọn hải đăng Đá Tây, nối đảo dáng hình chiến sỹ Hải quân với tàu chở đại biểu ra thăm Trường Sa. Mỹ Trà cho biết, “Diệu kỳ Trường Sa” là một trong nhiều ảnh ghi lại hành trình 10 ngày thăm Trường Sa tháng 5/2016 của chị. Sau lần ra thăm đảo, Trà đã triển lãm riêng với chủ đề “Trường Sa - nơi ta đến”, trưng bày 70 bức ảnh.

Hơn một lần ra Trường Sa, nhà giàn DK1, hai phóng viên Tiền Phong có tác phẩm trưng bày tại triển lãm: “Trái tim của biển”, “Tình bạn”... (Mai Xuân Tùng), “Đêm trên đảo Song Tử Tây”, “Mang Tết ra Trường Sa”... (Trường Phong). Phóng viên Trường Phong đã 3 lần ra đảo vào mùa đi biển và những ngày biển động giáp Tết. Ấn tượng lần theo tàu mang quà Tết cho cán bộ chiến sỹ Trường Sa năm 2016, Trường Phong chia sẻ: “Năm đó, đoàn mang 2016 chiếc bánh chưng ra tặng cán bộ, chiến sỹ. Giữa trập trùng sóng gió, Tết Trường Sa vẫn giữ phong tục cổ truyền dân tộc như gói bánh chưng, tổ chức các trò chơi, văn nghệ… Cán bộ dạy chiến sỹ, người lớn tuổi dạy tân binh. Đặc biệt Tết Trường Sa là bánh chưng gói bằng lá bàng vuông. Lá bàng vuông to gần bằng lá dong. Lúc đó bánh chưng có vị mặn, chát được xem là một đặc sản của Trường Sa”. Gắn với ấn tượng này, Trường Phong có những khung hình về vận chuyển lá dong, gói bánh trên đảo Đá Tây B.

Tại triển lãm, Thiếu tướng Phạm Văn Sơn, Chuẩn đô đốc, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân cho biết, hình ảnh về Trường Sa được tái hiện sinh động cụ thể, từ hình ảnh cán bộ chiến sĩ, nhân dân hoạt động trên huyện đảo Trường Sa; các hoạt động kinh tế, bảo vệ chủ quyền, lãnh hải, lãnh thổ của Tổ quốc… đã giúp đồng bào cả nước nói chung và nhân dân Thủ đô nói riêng hiểu thêm về Trường Sa. Từ đó, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.  “Ngoài ảnh, triển lãm còn trưng bày nhiều mô hình, hình ảnh sinh động như tàu, giàn khoan DK... thể hiện hoạt động giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc, đồng thời cho thấy sự lớn mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam, nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi thực sự rất vui khi thấy đông đồng bào, nhất là các bạn trẻ, thanh niên đến tham quan, tìm hiểu”, Thiếu tướng Sơn chia sẻ.

Góp sức vì Trường Sa thân yêu

Triển lãm là lát cắt sinh động về Trường Sa, cầu nối để mọi người cùng sẻ chia với một phần máu thịt của đất nước. Anh Trần Vũ Thành, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, đồng thời là tác giả của nhiều tác phẩm đặc sắc cho biết: Sau trưng bày, chiều 3/1, “Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội” sẽ tổ chức bán đấu giá 3 bức ảnh xuất sắc nhất với giá khởi điểm 10 triệu đồng/bức. Các tác phẩm khác cũng sẽ được đấu giá, bán để gây quỹ “Trường Sa xanh” nhằm chế tạo các thiết bị, kỹ thuật hỗ trợ cán bộ chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, trong đó có chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt tặng đảo An Bang – một trong những đảo có địa hình khó khăn phức tạp nhất tại Trường Sa.

Triển lãm là dịp giao lưu của những người đã và đang nghiên cứu, sáng tạo những công trình khoa học hướng về Trường Sa. Tham quan tại triển lãm, Kỹ sư Bùi Công Khê rất xúc động, nhớ lại lần ra thăm các đảo ở Trường Sa những ngày tháng 5/2016 trong Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương. Lần vượt sóng đó, ông mang theo hai chế phẩm sinh học diệt khuẩn Medipag-20 và bột kích hoạt vi sinh Bioaktiv-eco để giúp khử mùi, diệt khuẩn tặng cán bộ chiến sỹ.

Kỹ sư Bùi Công Khê cho biết, ông từng nghe một người bạn ở Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội nói về vấn đề môi trường ở một số đảo. Mùa gió quẩn, mùi hôi thối từ chuồng lợn, chuồng gà không thoát ra ngoài, bốc mùi khó chịu. Ông tìm cách liên hệ để được ra đảo giúp khắc phục vấn đề này. “Sau lần thử nghiệm tại đảo Trường Sa Đông, Đá Tây, tôi được cán bộ phụ trách đảo gọi điện thông báo, môi trường được cải thiện rõ rệt, giảm gần hết mùi hôi thối của gia súc, xú uế của bãi rác”, Kỹ sư Khê nói. Kỹ sư Khê cho biết, ông đã xây dựng giải pháp tổng thể cho Trường Sa xanh và đang xin ý kiến thực hiện từ Ban Bí thư T.Ư Đoàn và Bộ Tư lệnh Hải quân. Nếu được, dự án sẽ triển khai tại các điểm đảo tại Trường Sa góp phần mang tới không gian xanh.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư T.Ư Đoàn chia sẻ: Nhiều bạn chưa đến Trường Sa, nhưng chúng tôi tin qua mỗi bức hình, hiện vật, câu chuyện, bài thơ được tiếp cận trong suốt thời gian diễn ra triển lãm, các bạn trẻ và người dân Thủ đô sẽ hiểu đầy đủ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn sự vất vả, gian khổ, hy sinh của chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung, các chiến sỹ đang công tác bảo vệ Trường Sa nói riêng.

“Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội” do CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia tổ chức. Hoạt động nằm trong chương trình “Trường Sa xanh”, cụ thể hóa cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo” do T.Ư Đoàn và Bộ Tư lệnh Hải quân phát động. Qua đó, kêu gọi, vận động nhân dân cả nước, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sỹ, các tổ chức xã hội tham gia đề xuất nội dung giải pháp tuyên truyền, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, quyên góp nguồn lực chế tạo các thiết bị, kỹ thuật hỗ trợ cán bộ chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Đồng thời, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

MỚI - NÓNG