Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI

TS Lê Đức Tùng: Hãy sáng tạo thay vì chạy xe ôm Grab

Sinh viên chạy xe ôm Grab giống như tham gia nấc dưới của nền công nghiệp 4.0. Ảnh: Như Ý.
Sinh viên chạy xe ôm Grab giống như tham gia nấc dưới của nền công nghiệp 4.0. Ảnh: Như Ý.
TP - TS Lê Đức Tùng, Bí thư Đoàn ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, tổ chức Đoàn cần phối hợp định hướng thanh niên, sinh viên sớm tận dụng được nền tảng công  nghệ, thay vì chạy xe ôm Grab hãy tham gia vào nấc thang giá  trị cao hơn của nền kinh tế tri thức trong thời cách mạng công nghiệp 4.0.

Khuyến khích đi làm thêm

Thực tế hiện nay, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm đúng với chuyên môn, thậm chí thất nghiệp, đi làm những việc khác rất nhiều. Theo anh, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Hiện một bộ phận sinh viên làm việc khác chuyên ngành hoặc thất nghiệp là tuân theo cơ chế thị trường, không như ngày xưa đào tạo ra bao nhiêu đều được phân công công việc cụ thể. Phần lớn sinh viên mới vào trường chưa nắm được thông tin ngành học của mình công việc sẽ như thế nào, thích là đăng ký, nhưng hỏi cụ thể làm việc gì, như thế nào lại không biết. Do đó, việc định hướng, hướng nghiệp nên bắt đầu từ THCS, THPT để có sự lựa chọn phù hợp. Hiện chủ yếu là sự định hướng của gia đình, tuy nhiên cũng cần có sự vào cuộc của các tổ chức, và vai trò của Đoàn rất quan trọng.

ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức chương trình “Một ngày là sinh viên Bách khoa” cho học sinh THPT được trải nghiệm như sinh viên Bách khoa, từ học tập, tham gia các phòng nghiên cứu, thí nghiệm... Sau khi sinh viên vào trường, sẽ có các môn học nhập môn, giúp các em hiểu được ngành học và công việc tương lai của mình. Cùng với đó, phối hợp đưa sinh viên đi tham quan nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp để sinh viên tìm hiểu. Bên cạnh kiến thức học ở trường thì kỹ năng mềm, nhất là làm việc nhóm, thuyết trình, xử lý các vấn đề... cũng rất cần thiết khi đi xin việc. Tổ chức Đoàn, Hội trong các trường ĐH nên nâng cao vai trò của mình, tổ chức nhiều hoạt động, kết nối sinh viên để sinh viên có cơ hội học hỏi, phát huy khả năng của mình và hoàn thiện kỹ năng mềm.

Như anh nói, việc học thêm kỹ năng ngoài xã hội là cần thiết, tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều sinh viên đi chạy xe ôm công nghệ. Có ý kiến cho rằng, chạy xe ôm như thế là lười biếng, không cố gắng..., anh nghĩ sao?

Sinh viên có xe máy, điện thoại thông minh, có thời gian rảnh là có thể chạy xe ôm công nghệ được. Việc nói rằng đó là lười biếng, không sáng tạo là cách nhìn một phía. Quan điểm của tôi là sinh viên nên đi làm thêm, miễn công việc đó tuân thủ pháp luật. Có thêm thu nhập phục vụ sinh hoạt, học tập thì rất tốt. Ngay như sinh viên nước ngoài vẫn đi làm thêm như rửa bát, phục vụ nhà hàng. Cái đó không xấu. Tuy nhiên, quan điểm của Đoàn trường ĐH Bách khoa Hà Nội là không ngăn cấm nhưng cũng không ủng hộ việc chạy xe ôm công nghệ. Không ngăn cấm vì đó là quyền của sinh viên, nhưng nếu các đơn vị như Uber, Grab liên hệ vào tuyển dụng thì Đoàn trường không ủng hộ, vì khó kiểm soát, giám sát được sinh viên. Đoàn trường đang xây dựng cổng thông tin việc làm thêm cho sinh viên, hướng tới các công việc phù hợp như gia sư. Tổ chức Đoàn, Hội sẽ kiểm soát được thông qua tiêu chuẩn về trình độ học lực, giới hạn lượng giờ lao động trong tuần. Từ các công việc phù hợp sau đó sẽ mở rộng ra các lĩnh vực khác.

Đào tạo đón đầu

Dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn lần thứ XI có nhận định, trong thời gian tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khởi nghiệp sáng tạo là một xu thế lớn. Theo anh, các đơn vị đào tạo như ĐH Bách khoa Hà Nội cần làm gì để theo kịp xu hướng này và hỗ trợ sinh viên trong việc nắm bắt cơ hội ra sao?

Văn kiện có viết “trong thời gian tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khởi nghiệp sáng tạo là một xu thế lớn”, nhưng chưa có những giải thích rõ ràng, cụ thể. Tìm kiếm thông tin về Cách mạng công nghiệp 4.0 có hàng triệu kết quả nhưng rất ít thông tin có chất lượng. Vậy sinh viên, thanh niên có hiểu được không? Ngay cả một phần cán bộ, trí thức cũng không hiểu được và tác động cụ thể thế nào? Tôi muốn Đại hội Đoàn toàn quốc sắp tới thảo luận làm rõ hơn vấn đề này. Còn đối với các cơ sở đào tạo như ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã chuyển mình. Từ năm học 2017-2018, trường mở chương trình đào tạo tinh hoa, tổ chức đào tạo theo các lớp nhỏ, giảng viên giỏi, nội dung đào tạo chuyên sâu, chú trọng việc nâng cao trình độ ngoại ngữ. Sinh viên được tuyển chọn sẽ có điều kiện tham gia nghiên cứu từ sớm, làm việc trong các nhóm nghiên cứu liên ngành để nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển hệ thống/sản phẩm, đề xuất các giải pháp kỹ thuật với các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp, sẵn sàng hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0.

Còn khởi nghiệp sáng tạo như thế nào, thực hiện ra sao và khác với khởi nghiệp thông thường thế nào? Bây giờ là thời đại công nghệ, hội nhập, có thể tận dụng nền tảng công nghệ, cơ sở vật chất của người khác, của đất nước khác để làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước mình. Nếu không có sự chủ động, chúng ta vẫn tham gia vào xu thế chung, nhưng lại giống sinh viên chạy xe Uber, Grab, tức là tham gia ở nấc dưới của nền công nghiệp 4.0. Mình có lợi nhưng không được nhiều. Chúng ta phải hướng người trẻ tham gia vào nấc cao hơn của kinh tế tri thức. Tôi mong muốn tổ chức Đoàn phát huy được vai trò, để cho thanh niên, sinh viên hiểu được như vậy. Tôi nghĩ, sinh viên nghiên cứu khoa học tại các trường cũng là cái nôi của sáng tạo, khởi nghiệp. Tổ chức Đoàn nên là đơn vị kết nối các doanh nghiệp, các tổ chức bên ngoài, các nhà đầu tư để hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo từ chính các công trình nghiên cứu khoa học này.

Xin cảm ơn anh.

TS Lê Đức Tùng: Hãy sáng tạo thay vì chạy xe ôm Grab ảnh 1

TS Lê Đức Tùng, Bí thư Đoàn ĐH Bách khoa Hà Nội bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ tại Pháp tháng 9/2011. Anh từng đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả Cầu Vàng năm 2016 với công trình nghiên cứu các mô hình mô phỏng thiết bị điện – điện tử ứng dụng trong tối ưu hóa thiết kế, phân tích ổn định hệ thống điện. Anh cũng được T.Ư Đoàn, Thành Đoàn Hà Nội trao tặng nhiều bằng khen vì có thành tích trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

 

Giáo dục qua tình nguyện

Hiện mặt trái của xã hội tác động nhiều đến giới trẻ, đặc biệt là sinh viên. Theo anh tổ chức Đoàn cần làm gì để hướng sinh viên đến lối sống tích cực?

Đúng là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, sinh viên bị nhiều tác động và không khó để nhận ra các ảnh hưởng tiêu cực. Tôi nghĩ, Đoàn cần phải thay đổi nhanh, xây dựng các cách thức tổ chức, quản lý mới. Đoàn nên chủ động giao việc tổ chức các hoạt động cho sinh viên vì chỉ sinh viên mới biết họ cần gì, thích gì, muốn gì. Thầy cô là cán bộ Đoàn sẽ hỗ trợ, hướng dẫn.

Một trong các hoạt động thu hút sinh viên là tình nguyện, vừa giúp sinh viên trải nghiệm, giáo dục lý tưởng sống, lại vừa quảng bá được hình ảnh của trường. Hằng năm, Đoàn trường ĐH Bách khoa đều mời chuyên gia về đào tạo các kỹ năng tình nguyện, sơ cứu, cứu thương, hỗ trợ khi đuối nước, bị thương. Năm năm nay, trường đều thực hiện tình nguyện tập trung, mỗi mùa có khoảng 500 - 600 sinh viên tham gia.

MỚI - NÓNG