Từ bãi giữa sông Hồng lên phố... học chữ

Từ bãi giữa sông Hồng lên phố... học chữ
TPO - Tuần nào cũng vậy, vào các chiều thứ hai, tư, sáu, những trẻ em nghèo ở khu vực Phúc Xá, Phúc Tân, bãi giữa sông Hồng, Hà Nội, lại được đón về ngôi nhà 13, phố Ngô Văn Sở để học văn hóa.
Từ bãi giữa sông Hồng lên phố... học chữ ảnh 1

Những trẻ em nghèo tại mái ấm tình thường số 13, Ngô Văn Sở, Hà Nội. Ảnh : Lệ Xuân

Từ bãi giữa sông Hồng lên phố... học chữ ảnh 2
Cô Vũ Ngọc Oanh. Ảnh : Lệ Xuân

Nhờ tấm lòng nhân ái của cô Vũ Ngọc Oanh, nhiều trẻ nghèo ở xóm thuyền bãi giữa sông Hồng đã có được những con chữ làm hành trang vào đời…

Chúng tôi đến thăm lớp học tình thương vào buổi chiều cuối tuần. Gần 20 em học sinh ngồi chăm chú nghe giảng. Ngồi chung một phòng nhưng các em được chia thành nhiều trình độ khác nhau từ lớp 1 đến lớp 5.

Ở lớp học “Nhân ái” này, học sinh khác xa nhau về trình độ, có em mỗi năm một lớp, nhưng có em phải hai, ba năm.Tuy nhiên, với các em, được đi học là niềm vui, sự may mắn khó tin. Đây là lớp học tình thương do cô Vũ Thị Oanh tổ chức cho các em học sinh nghèo đến từ khu vực Phúc Tân, Phúc Xá, bãi giữa sông Hồng.

Tranh thủ tiếp chúng tôi vào giờ nghỉ giải lao cô Oanh cho biết: Cách đây 10 năm, một lần ra thăm xóm nghèo ở gầm cầu Long Biên, thấy cảnh nhiều gia đình nghèo không có điều kiện co con đến trường, khiến nhiều trẻ em phải chịu cảnh mù chữ.

Cô giáo Oanh đã lặn lội ra tận bãi giữa sông Hồng, các xóm ven sông ở Phúc Xá, Phúc Tân... dựng lán, thuê nhà mở lớp học xoá mù chữ. Sau này, khi đã nghỉ hưu, cô càng có điều kiện đầu tư công sức, trí tuệ cùng chồng chăm lo dạy dỗ các em.

Các em ở đây đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhiều em còn chưa được khai sinh. Nhiều gia đình, cả bố và mẹ đều đi nhặt rác, mới biết đi các em đã phải theo mẹ lang thang khắp các đầu đường xó chợ để kiếm sống, ăn còn chả có, nói chi đến chuyện đi học.

Từ bãi giữa sông Hồng lên phố... học chữ ảnh 3

Những bát cơm đầy ắp nghĩa tình. Ảnh : Lệ Xuân

Những năm đầu, cô phải nhờ trụ sở của Hợp tác xã thương binh phường Phúc Xá để dạy học. Từ khi chương trình “Xa mẹ” thành lập có trụ sở tại số 13 Ngô Văn Sở, hàng tuần xe ô tô của chương trình vẫn đều đặn ra đón các em về dạy một tuần 3 buổi

Chỉ tay về phía cuối phòng chỗ có hai em đang cặm cụi làm bài, cô Oanh cho tôi biết: đó là hai anh em ruột Nguyễn Văn Giang (15 tuổi), Nguyễn Thị Trang (10 tuổi) quê Văn Giang, Hưng Yên. Nhà ở tận bãi giữa sông Hồng, cả bố và mẹ đều làm nghề nhặt rác. Thế vẫn còn may mắn vì nhiều em học ở đây còn chưa được khai sinh vì cả bố mẹ đều bỏ quê lâu năm, sống với nhau không hề có hôn thú.

Những ngày mới đến đây, em nào cũng đã quá tuổi đến trường, không biết chữ, nói năng tục tĩu, nhưng rồi “mưa dầm thấm lâu” nhờ sự dạy bảo tận tình của cô Oanh, giờ đây em nào cũng đều biết đọc, biết viết. Dù những nét chữ còn run run, nguệch ngoạc nhưng để các em đến lớp đều đặn đã là cả một sự thành công.

Bé Hoàng Thị My kể, những ngày không đi học em vẫn theo mẹ đến chợ Long Biên để nhặt rác để kiếm tiền mua sách vở. Nói về ước mơ của mình My bảo: “Em muốn sau này sẽ lớn lên sẽ trở thành cô giáo như cô Oanh”.

Hơn mười năm qua, nhờ biết được cái chữ một số em đã trưởng thành được cô Oanh giới thiệu sang học tại trường dạy nghề lái xe, nấu ăn, có công ăn việc làm thoát khỏi cảnh sống lang thang.

Đã thành thông lệ, cứ vào dịp rằm Tháng Giêng hằng năm, những đứa con từ khắp các vùng, miền lại về gặp mặt tại "mái ấm xa mẹ", hoặc gửi hoa, bưu thiếp, gọi điện... cảm ơn, chúc mừng " mẹ Oanh".

MỚI - NÓNG