Từ bán cám lợn trở thành ông chủ

Từ bán cám lợn trở thành ông chủ
TP - Từ bàn tay trắng, phải đi bán cám lợn kiếm sống, nhưng chỉ sau ba năm, Nguyễn Minh Tuấn, 26 tuổi, là chủ doanh nghiệp có lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở Võ Nhai, Thái Nguyên.
Từ bán cám lợn trở thành ông chủ ảnh 1
Nguyễn Minh Tuấn

Trong hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tư vấn, hướng nghiệp hỗ trợ thanh niên học nghề, lập nghiệp gần đây tại Thái Nguyên, Tuấn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm giàu chính trên quê hương mình.

"Bạn có dám nghĩ đến một ngành nghề khác làm ruộng hay không? Theo tôi, quan trọng là bạn dám nghĩ, dám làm một lĩnh vực mới. Kinh nghiệm không tự đến mà bạn phải học hỏi, tích lũy", Tuấn nói.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vùng cao huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, bố mẹ đều là nông dân nên cuộc sống thiếu thốn và Tuấn cũng mù tịt kiến thức kinh doanh. Chính sự nghèo đói, thiếu thốn trong suốt những năm đại học thôi thúc Tuấn làm giàu.

Năm 2007, tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Tuấn về quê với khát vọng làm giàu. Tuy nhiên, chàng sinh viên mới ra trường không có tiền, không kinh nghiệm đành rong ruổi các cửa hàng, nhà dân bán thức ăn cho lợn, gà để có tiền nuôi thân.

Suốt gần 1 năm trời, hàng ngày Tuấn cùng chiếc xe máy cà tàng rong ruổi khắp tỉnh Thái Nguyên để bán cám lợn. Tuy nhiên, lương hưởng theo số lượng cám bán được nên cuộc sống vẫn khó khăn.

Hồi đó, dự án 327 ở Thái Nguyên cho phép khai thác cây ở rừng trồng đến tuổi. Theo chân một người bạn đi vận chuyển gỗ về cho các xưởng chế biến, Tuấn nảy ra ý tưởng thành lập xưởng gỗ. Vận động gia đình, bạn bè vay được 40 triệu đồng, anh mua máy cưa, máy xẻ.

Tận dụng đất nhà làm xưởng, đầu năm 2008, anh quyết định thành lập Công ty TNHH Cao Sơn chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ với diện tích nhà xưởng 150m2, một lò sấy gỗ rộng 50m2, tổng giá trị máy móc thiết bị gần 200 triệu đồng. "Khi đó, mình trở thành con nợ", Tuấn kể.

Thời gian đầu, Cty của Tuấn gặp nhiều khó khăn vì thiếu tiền, thiếu kinh nghiệm sản xuất…Kiến thức anh học được trong trường không ứng dụng được nhiều vào thực tiễn, chỉ có sự chịu khó, nhanh nhạy giúp anh bắt nhịp quy luật cung cầu.

Quan điểm của Tuấn trong kinh doanh trong thời kỳ khó khăn là tìm mọi cách bán được hàng và quan trọng là tạo được uy tín. Khi khách yêu cầu sản phẩm cầu kỳ hay trong thời gian gấp rút cũng  phải giao hàng đúng hẹn.

Cty của Tuấn ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong tỉnh. Sản phẩm của Cty bắt đầu vươn tới Hải Phòng, Vĩnh Phúc... Lợi nhuận của Cty năm 2009 đạt hơn 200 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/ tháng.

Năm 2009, Minh Tuấn là một trong hai đại biểu của tỉnh Thái Nguyên vinh dự được T.Ư Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của cho thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
MỚI - NÓNG