Từ bục giảng đường vào cuộc sống

Anh Nguyễn Đắc Vinh (trái) tiếp xúc cử tri tại Đắk Nông Ảnh: Lê Kiến
Anh Nguyễn Đắc Vinh (trái) tiếp xúc cử tri tại Đắk Nông Ảnh: Lê Kiến
TP - Từ bục giảng đường bước vào cuộc sống, trưởng thành trong thực tế sôi động của công tác thanh niên. Đó là con đường của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh. Nhân chuyến công tác “Hành trình nhân ái” về huyện vùng sâu Krông Bông, Đăk Lăk, anh trò chuyện cùng phóng viên Tiền Phong...

> T.Ư Đoàn với nhiều hoạt động mừng sinh nhật Bác

Anh Nguyễn Đắc Vinh (trái) tiếp xúc cử tri tại Đắk Nông Ảnh: Lê Kiến
Anh Nguyễn Đắc Vinh (trái) tiếp xúc cử tri tại Đắk Nông. Ảnh: Lê Kiến.
 

Thưa anh, nhiều bạn trẻ tò mò vì sao đang là phó giáo sư-tiến sĩ, giảng viên khoa Hoá thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, anh lại rời giảng đường để chuyển qua làm cán bộ Đoàn chuyên trách?

Tôi đã được môi trường của Đoàn rèn luyện, nhờ đó đã có những sự trưởng thành. Khi về nước giảng dạy tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG HN, tôi một lần nữa lại được đắm mình trong môi trường của Đoàn, trưởng thành từ cán bộ cấp chi đoàn, liên chi đoàn, đoàn trường, rồi Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội.

Được tổ chức Đoàn tín nhiệm bầu vào Ban bí thư Trung ương Đoàn, tôi thực sự rất lo lắng, nhưng đã nhận nhiệm vụ, tôi tự thấy mình phải học hỏi, phấn đấu hết mình với tinh thần cầu thị để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiều cán bộ Đoàn cho rằng trong thời đại thông tin đa chiều, quá nhiều phương tiện giải trí hiện nay, việc thu hút tập hợp thanh niên thật khó, có đúng vậy không?

Tôi nghĩ rằng người làm công tác phong trào mỗi thời kỳ đều gặp những thách thức khác nhau. Thanh niên bây giờ có nhiều điều kiện để học hành rèn luyện, cũng có điều kiện để giải trí, hưởng thụ, nhiều thứ để đam mê, nhiều sức cuốn hút khác chứ không phải chỉ có Đoàn để tự nguyện tham gia hoạt động. Điều đó thật khó khăn, nhất là với những cán bộ Đoàn trẻ tuổi, chưa được trang bị nhiều kỹ năng.

Tôi cũng từng trải qua giai đoạn đó. Những vấp váp, thử thách từ lúc làm công tác Đoàn ở cơ sở đã giúp tôi nhận thấy cần phải hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên, tạo ra những hoạt động phù hợp, hấp dẫn giới trẻ, thu hút các bạn vào các phong trào của Đoàn, thông qua đó định hướng các bạn trẻ tới những giá trị cao đẹp, tới lý tưởng của dân tộc.

Thưa Bí thư, khi trao đổi với cán bộ Đoàn các tỉnh, anh vẫn lưu ý về việc nên luôn tự vấn xem cách tổ chức hoạt động Đoàn đã đủ hấp dẫn để lôi cuốn thanh niên hay chưa. Nhưng không ít cán bộ Đoàn cho rằng còn thiếu nhiều thứ, ví dụ kỹ năng, nghiệp vụ, kinh phí... nếu muốn làm được như vậy?

Cần thay đổi tư duy về vấn đề này. Dù nguồn lực dồi dào mà phong cách vẫn xơ cứng, thụ động đi theo lối áp đặt thì vẫn sẽ khó thuyết phục được thanh niên. Giờ đây, trong thời đại thông tin, muốn giáo dục họ không thể giáo điều như cầm sách đọc cho họ nghe. Nếu biết đưa những thông điệp cần chuyển tải vào chương trình, hoạt động một cách khéo léo, giới trẻ sẽ đón nhận tích cực hơn.

Ở cương vị Bí thư Trung ương Đoàn, điều gì khiến anh trăn trở, băn khoăn?

Nhu cầu, điều kiện, trình độ, hoàn cảnh có thể rất khác biệt của mỗi đối tượng thanh niên buộc người cán bộ Đoàn phải liên tục tư duy tìm cách đáp ứng sao cho thiết thực, hiệu quả. Cán bộ Đoàn cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu mỗi tế bào cơ sở không vững mạnh thì không thể thổi bùng nhiệt huyết, tạo ra phong trào rộng khắp.

Mỗi ngày làm việc của Bí thư Trung ương Đoàn, ứng cử viên Đại biểu Quốc hội có gì khác với thời anh đứng trên bục giảng?

Trong 8 năm làm công tác khoa học, tôi dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu, tích lũy kiến thức. Làm việc tại Trung ương Đoàn, tiếp cận với một lĩnh vực mới, tôi phải đi cơ sở nhiều hơn, phải tìm hiểu cập nhật về chủ trương chính sách, về công tác Đoàn, về các vấn đề xã hội.

Gần đây, được tham gia các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, tôi đã nghe được nhiều ý kiến của nhân dân Tây nguyên, cảm thấy còn rất nhiều việc phải làm, phải phấn đấu không ngừng mới có thể phục vụ nhân dân và xã hội ngày một tốt hơn.

Anh Nguyễn Đắc Vinh sinh năm 1972. Tốt nghiệp trường cấp III Yên Hoà, Hà Nội, anh thi đại học đạt điểm cao, được cử đi du học đại học và sau đại học tại trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Bratislava, Slovakia từ 1990 - 2000. Sau khi bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ hoá học, anh trở về Việt Nam, làm giảng viên khoa Hoá học thuộc Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội, tham gia nghiên cứu, giảng dạy.

Anh từng nhận danh hiệu thanh niên tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, giải thưởng 26-3 của T.Ư Đoàn, một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2006, được Hội đồng chức danh Nhà nước phong tặng chức danh Phó giáo sư năm 2007.

Tại hội nghị BCH T.Ư Đoàn lần 3, khóa 9 tháng 7-2008, anh được bầu giữ chức bí thư T.Ư Đoàn, đắc cử chức Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, kiêm nhiệm Giám đốc Học viên Thanh Thiếu niên Việt Nam.

Tại Đại hội Đảng khóa XI, anh được bầu Ủy viên Dự khuyết BCH T.Ư Đảng. Anh đang là ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

 

Hoàng Thiên Nga (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG