Từ cô bé mồ côi đến Giám đốc tuổi 23

Từ cô bé mồ côi đến Giám đốc tuổi 23
TP- Từ cô bé mồ côi, bằng nghị lực và tinh thần ham học hỏi, 23 tuổi trở thành Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngữ âm - Văn hóa giao tiếp (PSC) thuộc Trung tâm hợp tác chuyên gia và kỹ thuật với nước ngoài - Bộ GD&ĐT.

Sau một năm kể từ khi thành lập, PSC đã trao tặng hàng nghìn suất học bổng với trị giá hàng triệu đô la. Nữ Giám đốc ấy là Đỗ Ngọc Thiên Hương.

Từ cô bé mồ côi...

Sinh ra trong gia đình công chức tại tỉnh Tuyên Quang, nhưng tuổi thơ của cô bé Đỗ Ngọc Thiên Hương lại không yên bình như bè bạn. Bố mẹ mất sớm trong một vụ tai nạn giao thông, hai chị em cô phải sống trong sự bao bọc, tình thương yêu và sự che chở của bà con lối xóm. Cuộc sống phải bươn chải vất vả, rau cháo nuôi nhau.

Vượt lên mất mát, khổ đau, Thiên Hương luôn học giỏi và có nhiều thành tích các hoạt động của lớp, của chi Đoàn. Hương cũng từng đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia.

Tốt nghiệp THPT, cô học trò xứ Tuyên đã thi đỗ và theo học cả hai trường: Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh - Mỹ, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) và Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Từ năm thứ nhất, Thiên Hương đã ham mê nghiên cứu khoa học. Cùng với việc học Sử, Thiên Hương còn theo học ngành Tiếng Anh ở Đại học Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội).

Với chuyên ngành Tiếng Anh, Thiên Hương cũng lao vào nhận các đề tài nghiên cứu khoa học. Cô là học trò của thầy Phạm Mạnh Cường, người mà Thiên Hương khẳng định: “Là một trong hai người Việt Nam được đào tạo bài bản về ngữ âm trong chuyên ngành Ngoại ngữ”.

Năm 2003, Hương hoàn thành đề tài khoa học về Học ngữ âm qua văn hóa. Đây là đề tài gợi cho Hương ý tưởng mở ra trung tâm ngữ âm và giao tiếp văn hóa cho người đã và đang học ngoại ngữ.

Theo Thiên Hương, “ngữ âm” là gốc còn “văn hóa giao tiếp” là ngọn. Trong khi ở Việt Nam, học Ngoại ngữ bắt đầu từ việc giảng dạy kỹ về ngữ âm hầu như rất hiếm.

Ngữ âm không phải là “phát âm” mà là học phiên âm, ráp vần, nhạc điệu. Nhiều người Việt đọc tiếng Anh chỉ theo cảm tính, tư duy chủ quan nên bao giờ cũng có “độ chênh” so với phát âm chuẩn.

Ý tưởng là vậy nhưng phải đến khi tốt nghiệp cả hai trường đại học (2006), Hương bắt tay vào công việc “biến ý tưởng thành hiện thực”. Về làm việc tại Trung tâm hợp tác chuyên gia và kỹ thuật với nước ngoài, Bộ GD-ĐT, cơ hội mở ra với cô khi trung tâm này thực hiện thêm chức năng tư vấn, đào tạo tiếng nước ngoài.

Với vốn kiến thức đã trau dồi từ hai trường đại học cộng thêm kinh nghiệm sau nhiều lần đi nước ngoài, Hương được lựa chọn vào vị trí giám đốc. Tuy nhiên, làm thế nào để đáp ứng được những mục đích, tôn chỉ mà Bộ GD-ĐT đã đề ra là điều không dễ.

Đến Giám đốc tuổi 23

Từ cô bé mồ côi đến Giám đốc tuổi 23 ảnh 1
Đỗ Ngọc Thiên Hương (giữa) bên các giảng viên nước ngoài

Mặc dù mới thành lập, nhưng Trung tâm đào tạo Ngữ âm – Văn hoá giao tiếp PSC do Đỗ Ngọc Thiên Hương làm Giám đốc đã nhanh chóng tạo dựng được “thương hiệu” tại Hà Nội.

Từ khi thành lập đến nay, tập thể cán bộ, công nhân viên ở đây luôn phải hoạt động hết công suất. Điểm khác biệt ở đây, từ giám đốc đến nhân viên đều thuộc thế hệ 8X. Người có trình độ thấp nhất cũng đã tốt nghiệp hai trường đại học.

Đỗ Ngọc Thiên Hương cho biết, học viên ở đây đa phần có học lực loại khá, giỏi trở lên, trong đó có không ít người là thủ khoa đầu vào, tốt nghiệp của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.

Tại các khoá học mới, PSC luôn có nhiều suất học bổng có giá trị cho học viên. Để giành được học bổng, học sinh, sinh viên phải có học lực khá, giỏi và được phải được nhà trường để cử.

Do vậy, có thể thấy không khí học ngoại ngữ PSC luôn có tinh thần sôi nổi. Hiện, PSC đang đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng quy mô.

Hỏi về bí quyết thành công, Hương cho biết: “Tri thức và sức trẻ là hai yếu tố đã làm nên sự thành công. Hiện nay, ngoài việc sở hữu sản phẩm đào tạo chuyên biệt là ngữ âm và văn hoá giao tiếp, chúng tôi xác định yếu tố quyết định của PSC đó là chất lượng.

Đội ngũ giảng viên ở đây đều là các chuyên gia về ngôn ngữ, trình độ tối thiểu là thạc sỹ và có chứng chỉ hành nghề sư phạm.

Thông qua hợp tác quốc tế từ chức năng của Trung tâm hợp tác chuyên gia và kỹ thuật với nước ngoài, PSC đã thu hút được nhiều giảng viên bản ngữ có trình độ và kinh nghiệm”.

Điều đặc biệt trong phương pháp dạy và học ngoại ngữ ở đây là đưa công nghệ tham gia vào quá trình giảng dạy. Tại PSC có khá nhiều loại máy móc, phần mềm dạy ngoại ngữ hiện đại.

Học viên rất hào hứng khi được tiếp cận với phim, hình vẽ về chuyện động của miệng, lưỡi để phân biệt phiên âm quốc tế hay các phần mềm từ điển hình, các mẫu bài khóa có minh họa sinh động.

Bên cạnh đó, xu hướng đào tạo ngoại ngữ online cũng đã được PSC tập trung với việc khai thác nhiều chương trình đào tạo ngoại ngữ ở nước ngoài có bản quyền và hướng học viên vào nhiều trang web hữu ích, tạo cơ hội cho học viên tiếp cận với những mô hình đào tạo tiên tiến.

MỚI - NÓNG