Tự động hóa trồng trọt, chăn nuôi

Phan Thanh Phong (phải) và Lê Hoàng Tuấn thử nghiệm sản phẩm IFF.
Phan Thanh Phong (phải) và Lê Hoàng Tuấn thử nghiệm sản phẩm IFF.
TP - Với “Giải pháp nông nghiệp công nghệ cao - IFF”, Phan Thanh Phong, sinh viên năm 4, ĐH Văn Hiến (TPHCM),  kỳ vọng sẽ thay đổi hình thái nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản. Bộ sản phẩm vừa đạt giải Ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên” (Start-up Student Ideas) lần thứ nhất, năm 2016 do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức.

Vượt qua thất bại

Phan Thanh Phong làm thêm nhiều nghề khác nhau để kiếm thêm thu nhập và trải nghiệm: Nhân viên phục vụ cafe, quán ăn, trực tổng đài, môi giới bất động sản, gia sư, bán hàng online… Phong còn mở một quán cà phê nhỏ. Với số vốn tích cóp được từ việc làm thêm, tháng 6/2015, Phong thành lập doanh nghiệp tư nhân Dê Cừu Phan Rang. Nhưng hơn 1 năm sau đó thì giải thể. “Khi giải thể doanh nghiệp, em rất buồn và thất vọng về bản thân mình. Một tháng trời em chỉ đến trường học xong rồi về giam mình trong nhà, suy nghĩ lại mọi chuyện”, Phong nhớ lại.

“Từ việc trăn trở, tìm ra nguyên nhân thất bại em nhận thấy khởi nghiệp với nông nghiệp là một tiềm năng nhưng phải có hướng đi độc đáo”, Phong chia sẻ. Không để bản thân vùi mình trong thất bại, Phong rủ thêm bạn Lê Hoàng Tuấn, sinh viên năm cuối, trường Cao đẳng Cao Thắng bắt tay vào nghiên cứu, sáng tạo ra bộ sản phẩm công nghệ cao áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. “Em sinh ra trong gia đình làm nông nên thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc của người nông dân, cũng như có sự am hiểu nhất định đối với quá trình sinh trưởng, phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Đó là lợi thế khá lớn của em bên cạnh niềm đam mê khởi nghiệp, làm chủ bản thân”, Phong bộc bạch. Để cho ra đời bộ sản phẩm IFF, chàng sinh viên ĐH Văn Hiến đã đến tận những vùng sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao ở Đà Lạt, Cần Thơ, Nha Trang để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm.

Giải quyết vấn đề vốn phát triển dự án trong điều kiện eo hẹp của một sinh viên khởi nghiệp, Phong chọn giải pháp: Không bỏ một lượng vốn lớn để triển khai mà sử dụng hình thức xoay vòng tài chính, dùng lợi nhuận để đầu tư; có lộ trình tăng và giảm giá bán của sản phẩm ra sao để phù hợp với quy mô.

Đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Điều đặc biệt, bộ sản phẩm của Phan Thanh Phong và Lê Hoàng Tuấn không bị “đụng hàng” bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường. “Nếu như các sản phẩm đã có mặt trên thị trường chỉ hướng đến một nhánh trong sản xuất nông nghiệp, bọn em đưa ra một bộ giải pháp tổng thể, toàn diện từ cây trồng, vật nuôi, với các quy mô khác nhau. Toàn bộ thông tin về cây trồng, vật nuôi được cập nhật trực tuyến đồng bộ trên cả 4 thiết bị phần cứng, phần mềm, điện thoại và website”, Phong nói.

Bộ sản phẩm thay con người tự động làm tất cả mọi việc trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, với tính toán khoa học chuẩn xác. Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, hệ thống cho ăn, uống, tắm rửa tự động được hẹn giờ sẵn, máy đếm bước đi nhằm kiểm tra tình trạng sức khỏe vật nuôi. Với gà, còn áp dụng thêm máy kiểm tra nhiệt độ, ánh sáng tạo điều kiện để gà cho nhiều trứng nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe. Đặc biệt, trong trồng trọt quy mô lớn, sản phẩm điều khiển, giám sát tất cả loại cây, tình trạng từng loại cây, dữ liệu môi trường trồng, quản lý luôn tồn kho thông qua truy xuất nguồn gốc. Từ đó, gợi ý trồng cây gì, thời điểm nào cho phù hợp.

Với những tính năng ưu việt đó, sản phẩm của hai sinh viên ĐH Văn Hiến và Cao đẳng Cao Thắng đã nhanh chóng chinh phục được các nhà đầu tư. Hiện có 3 doanh nghiệp thỏa thuận đầu tư vốn, phân phối phát triển sản phẩm ra thị trường. Dù nhận được sự săn đón của các nhà đầu tư nhưng Phong và Tuấn không vội vàng, không bán sản phẩm. Mục tiêu của hai bạn trẻ là làm chủ sản phẩm, nhanh chóng mở rộng thị trường đến với đông đảo bà con nông dân.

Dù dành nhiều đam mê, tâm huyết cho sản phẩm IFF, Phong vẫn năng nổ tham gia hoạt động Đoàn ở trường và đang tập trung làm khóa luận tốt nghiệp để có kết quả học tập tốt nhất sau khi ra trường.

Phan Thanh Phong giành được nhiều thành tích ấn tượng liên quan đến khởi nghiệp: Giải Nhì cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp lần 1” do trường Đại Học Văn Hiến tổ chức (không có giải Nhất); Giải nhất và giải ấn tượng  cuộc thi “Tôi khởi nghiệp” do CLB FIC tổ chức tại Đại học Ngân hàng; Top 60 dự án xuất sắc nhất cuộc thi “Start up whell 2016”; Huy chương Bạc cuộc thi “Sáng tạo ứng dụng trẻ 2016” do Thành Đoàn TPHCM tổ chức; Giải Ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên (Start-up Student Ideas) lần thứ nhất, năm 2016 do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.