Từ thợ phụ hồ trở thành Chủ tịch xã

Từ thợ phụ hồ trở thành Chủ tịch xã
Trúng cử chức Chủ tịch UBND xã Thụy Phương (huyện Từ Liêm) khi vừa tròn 29 tuổi, Nguyễn Ngọc Nam là một trong những vị lãnh đạo chính quyền cơ sở trẻ tuổi nhất hiện nay của thành phố Hà Nội.

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Nam.

Sinh năm 1975, Nam là con trai cả trong gia đình 4 anh em. Tốt nghiệp PTTH, cậu làm hồ sơ thi vào ba trường thì đỗ cao cả ba (ĐH Sư phạm, CĐ Sư phạm và ĐH Văn hóa).

Mẹ là giáo viên nên muốn hướng cho cậu theo nghề giáo để lúc ra trường dễ xin việc. Thế nhưng Nam lại thấy mình phù hợp với ngành văn hóa hơn và cậu đã quyết định chọn ngành “Bảo tồn bảo tàng” của trường ĐH Văn hóa để theo học.

Năm 1997, ra trường với tấm bằng ĐH “suýt” đạt loại giỏi, Nam là một trong 2 sinh viên của khoa được Bảo tàng dân tộc tỉnh Khách Hoà về tận trường xin.

Cậu háo hức chuẩn bị đi xa để lập nghiệp thế nhưng bố mẹ không đồng ý, phần vì trong đó không có họ hàng thân thích, phần vì cậu là con trai cả trong gia đình.

Sau cơ hội đó qua đi, Nam đã mang hồ sơ đi xin việc một số nơi nhưng loay hoay mãi mà cậu vẫn chưa tìm được việc. Trong khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cả ba đứa em đang ăn học mà tất cả chỉ dựa vào đồng lương hưu ít ỏi của bố mẹ.

“Lúc đó ở gần nhà có ông chú họ làm nghề thợ xây nên sang bảo với mình, chưa xin được việc làm thì cứ đi theo tao làm phụ hồ đã. Vui mà lại có tiền tiêu!”- Nam kể lại.

Vậy là cậu cử nhân văn hóa này đành tạm thời “xếp bút nghiên”, theo ông chú đi làm anh thợ phụ hồ. Hơn một năm trời làm anh thợ phụ hồ đầy vất vả, từ đánh vữa, đến khuân vác gạch, đá, ximăng….khắp nơi mà mỗi ngày chỉ kiếm được 20 nghìn đồng.

Cũng trong thời gian này, các bác bên Hội cựu chiến binh đã vận động anh tham gia vào BCH chi đoàn của xóm Đại Đồng.

Thế là ngày đi phụ hồ, tối về anh lại tham gia vào sinh hoạt ở chi đoàn. Khi ở xã thành lập “CLB thanh niên tình nguyện phòng chống tệ nạn xã hội”, Nam lại làm Chủ nhiệm CLB, đi tuyên truyền, giáo dục và cảm hóa những thanh niên nghiện hút.

Đến tháng 3/1999, Nam thôi xách vữa, bốc gạch vì ông chú không nhận được công trình gần mà phải đi xa, thế là anh cầm sổ đi thu tiền điện cho thôn với mức thù lao khoảng 200 nghìn đồng/ tháng.

Nhiệt huyết sức trẻ và sự tận tụy trong mọi công việc đã giúp Nam nhanh chóng có được sự cảm mến của mọi người.

 Anh được chi bộ giới thiệu đi học lớp cảm tình Đảng, được bầu vào BCH đoàn xã giữ chức Phó bí thư đoàn xã, rồi Trưởng Ban văn hóa thông tin của xã kiêm Phó bí thư đoàn.

Ngày 19/5/2001, Nam là một trong những người trẻ nhất của xã vinh dự được kết nạp vào Đảng.

Đầu năm 2004, sau khi trúng tuyển vào lớp nguồn công chức hành chính nhà nước do UBND thành phố mở, Nam được mọi người tín nhiệm giới thiệu ra ứng cử cấp xã, cấp huyện và trúng cử với số phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử HĐND các cấp.

Ngày 25/5/2004, Nam chính thức được bầu làm Chủ tịch xã Thụy Phương với nhiệm kỳ 5 năm (2004-2009) lúc mới 29 tuổi.

Nam nhớ lại: “Ngày nhậm chức tôi cảm thấy hãnh diện vô cùng nhưng đêm về mới bắt đầu thấy lo. Lo vì mình ít tuổi, kinh nghiệm chưa có, không biết có đảm đương nổi không? Cũng may là mình có được sự động viên của các bác lãnh đạo tiền nhiệm, của bà con và gia đình”.

Vấn đề đầu tiên mà anh làm ở cương vị Chủ tịch xã là tập trung vào việc củng cố và kiện toàn bộ máy UBND.

Đó là sắp xếp lại vị trí của các cán bộ xã sao cho hợp lý. Nhiều chức danh kiêm nhiệm trước đây thì nay được tách bạch, bổ sung những cán bộ chuyên trách có trình độ, rồi gửi cán bộ đi đào tạo ở các nơi.

Cho đến nay, hơn 1 năm kể từ ngày lên làm Chủ tịch xã, cái tên Nguyễn Ngọc Nam đã trở nên quen thuộc với người dân Thụy Phương bởi cách làm việc năng nổ, xông xáo và những kế hoạch ấp ủ  phát triển kinh tế quê mình.

Người dân nơi đây trìu mến gọi Nam là “anh” Chủ tịch, đồng chí chứ không phải là “ông” chủ tịch. Theo Nam, anh đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể cư xử đúng mực vai trò của người cháu, người con mà vẫn giữ được sự công bằng đối với mọi người.

Nam kể, trước đây do mình ít tuổi mang chức “to” nên đã bao lần làm cho anh phải khó xử. Có lần đi họp lớp, đi ăn cưới bạn bè trong xã khi mọi người nâng cốc cứ mời đồng chí Chủ tịch “ta cụng ly”.

Anh đứng dậy nói ngay: “Khi tôi ngồi ở công sở lúc đó tôi với tư cách là Chủ tịch để tiếp các bạn, nhưng ngoài đời tôi vẫn là Nam của các bạn thôi”.  

MỚI - NÓNG