Tuổi teen, 'tiên nâu' đánh cắp

Tuổi teen, 'tiên nâu' đánh cắp
TP - Ngày nào tuổi 15, trong tay có tất cả: tình yêu, gia đình hạnh phúc, sự giàu có nhưng giờ chị chỉ là một con nghiện cô đơn.

>> Kỳ I: Thuyền em rách nát vì... nghiện
>> Kỳ II : 15 tuổi cướp chồng người

Tuổi teen, 'tiên nâu' đánh cắp ảnh 1
Nguyễn Thanh Tâm lao động ở Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số II

Nước mắt mẹ

Đêm, trong căn phòng tổ I (Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số II - Hà Nội), chị chong đèn nắn nót từng nét chữ bên tấm thiếp do tự tay mình làm:

“Miu yêu thương của mẹ! Con là báu vật vô giá mà ông trời dành tặng cho mẹ. Niềm vui, niềm hạnh phúc của mẹ là con. Mẹ đang có việc phải đi xa không thể về tổ chức sinh nhật cho con được, mẹ chúc con gái của mẹ chăm ngoan, học giỏi. Mẹ yêu con”.

Đó là những lời yêu thương mà học viên Nguyễn Thanh Tâm viết gửi con gái nhân sinh nhật lần thứ 12 (ngày 27/5). Ấn tượng của tôi về chị: dáng người gầy nhỏ, môi thâm đen vì dùng ma túy quá lâu, khuôn mặt câng câng bất cần.

Nói về dự định sau khi ra trại, Tâm quyết tâm: “Tôi tái nghiện toàn do những lý do không đâu, giờ đủ tủi nhục rồi. Con gái đã lớn, tôi không muốn con cúi mặt khi người khác hỏi về mẹ nó”. Nói đoạn, chị cúi mặt, hai hàng nước mắt rơi.

Khi mới gặp hỏi chuyện, chị nhát gừng: “Tôi tuổi nghiện nhiều hơn tuổi đời, có gì mà hỏi”. Thế nhưng, khi được hỏi chuyện về con gái, chị trở nên vui vẻ, ánh mắt lấp lánh, hồ hởi khoe con gái vừa đạt thủ khoa tí hon, một cuộc thi về văn hay, chữ tốt ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám.

Chị kể, vì nghiện, suýt nữa chị hại chết con. Bởi khi chích thuốc, chị không có cảm giác đau đẻ. Đến lúc chị vỡ ối, cả nhà mới cuống cuồng đưa đi cấp cứu.

Đứa bé sinh ra, ông bà nội đưa về nuôi vì sợ bị ảnh hưởng từ mẹ. Đến nay, nó vẫn được nuôi trong chế độ đặc biệt, tránh tiếp xúc với nhiều người lạ.

Nói đến đó, chị rơm rớm nước mắt. Con gái chị sinh năm 1997, là kết quả tình yêu đầu của chị, đến nay cháu đã 12 tuổi, sắp thành một thiếu nữ nhưng chị trăn trở chưa dạy con được một điều gì. Bố chị, sau một cơn tai biến, nằm liệt giường. Chị chưa một lần được về thăm bố vì đang trong thời gian cai nghiện.

Em buông mái chèo

Tâm sinh năm 1976, trong gia đình khá giả, bố là trưởng ban an ninh một sân bay, mẹ buôn chuyến Hà Nội – Trung Quốc. Nhà Tâm có đến mấy cửa hàng bán đồ điện tử ở chợ Trời, cửa hàng ăn ở phố cổ.

Theo lời Tâm: “Với gia sản ấy, cuộc đời ba chị em không cần học hành cũng đủ sống sung túc”.

Nhưng 15 tuổi, khi đang là học sinh lớp 9, Tâm đã nghiện. Tâm nghiện khi chưa hiểu ma túy là gì, có hại hay không. Một lần chị bị tai nạn xe máy gãy chân, anh họ Tâm (dân nghiện) lén cho vài tép heroin hút để giảm đau.

Tâm thử, thấy hết đau thật. Từ đó, mỗi lần đau Tâm lại gọi xin anh cho vài tép. Đến khi chân khỏi, Tâm thành nghiện.

Để có tiền hút, Tâm tìm đủ mọi cách nói dối bố mẹ. Khi thì xin tiền học thêm, khi mua tài liệu, khi bị mất xe, khi trộm tiền bán hàng… Nghi ngờ, bố theo dõi cô gần một năm mới phát hiện ra.

Bố nổi cơn điên, lôi xềnh xệch Tâm về cạo trọc đầu, nhốt trong nhà. Uất ức, Tâm bỏ bê học hành lao vào chơi bời, tụ tập nhóm bạn ăn chơi tiếp tục hút, chích cho đến lúc chỉ còn 37 kg.

Một ngày, bố chị cầm về nhà ba sợi dây xích, trói tay, chân chị vào cột nhà. Chị gào thét, vẫy vùng. Bố lạnh lùng: “Bao giờ hết nghiện thì tha”. Chị vật vã, khóc lóc, la hét suốt ngày đêm. Nhưng lần đó, Tâm cai nghiện được thật.

Cai nghiện được bốn tháng, Tâm lên 62kg. Soi gương thấy mình to béo, sồ sề quá, chị lén dùng lại thuốc để giảm cân. Bố chị bắt gặp, đánh một trận nhừ tử rồi nước mắt ông chảy vòng quanh, nhìn con bất lực.

Từ đó đến nay, chị hai lần bị công an bắt quả tang lúc đang dùng thuốc đưa vào Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số II – Hà Nội, gần chục lần chồng quyết tâm cai nghiện cho vợ vẫn không thành.

Cuộc đời ưu ái

Ba năm học cấp ba, trượt dài trong nghiện nhưng Nguyễn Thanh Tâm vẫn thi đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội, khoa Điện tử Viễn thông. Đến năm thứ ba, Tâm bỏ học, kết hôn với một sinh viên năm cuối Học viện Ngân hàng.

Ngày chồng chị sang nhà xin làm lễ cưới, bố mẹ chị thẳng thừng: “Lấy con nghiện chỉ có rước vạ vào thân”. Chồng chị tin, bằng tình yêu, có thể giúp chị cai nghiện.

Nhưng bốn năm sống với chồng, Tâm càng nghiện nặng, nói dối đủ mọi cách để có tiền hút, thậm chí trốn chồng khóa trái cửa phòng hít heroin. Con gái đành phải nhờ ông bà nội nuôi. Bất lực, chồng viết đơn ly dị.

Từng tham gia sinh hoạt trong nhóm “Hoa hướng dương”, “Hoa xương rồng”, ở đó, Tâm được trang bị nhiều kỹ năng nên, dù hút, chích nhiều, đến nay chị may mắn chưa nhiễm HIV.

25 tuổi chia tay chồng, chị càng trượt sâu hút, chích. Thời điểm đó, bố chị về hưu, bán căn nhà ở chợ Trời được 1.200 cây vàng, chị được chia phần 100 cây. Gửi ngân hàng 70 cây, 30 cây còn lại chị tự cho phép mình mua thuốc mời bạn bè về hút cho thỏa cơn khát thuốc.

Không thể nhắm mắt nhìn con trượt mãi, bố cho chị một cửa hàng ở phố Tống Duy Tân để mong con tu chí làm ăn. Vâng lời bố, chị quyết chí làm lại cuộc đời, nhưng cuối cùng nghiện vẫn hoàn nghiện.

Chị đi học trung cấp nấu ăn ở trường Trung cấp Thương mại – Du lịch, sau đó sang cả Trung Quốc, Thái Lan học nấu ăn. Sau hơn ba năm, chị về mở quán lẩu và làm ăn rất phát đạt. Vào những dịp lễ Noel, tết tây mỗi ngày chỉ cần bỏ ra ba triệu tiền vốn chị thu về cả chục triệu lãi.

Kiếm tiền quá dễ, chị càng nghiện nặng hơn, chị tự cho phép mình tận hưởng cuộc sống. Mỗi ngày chị bỏ ra hai triệu lãi mua thuốc về đóng cửa hút, còn lại gửi mẹ nuôi con.

Năm 2005, lần đầu tiên, Tâm bị công an bắt đưa lên Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số II. Sau hai năm lao động cải tạo, trở về nhà Tâm không những cai được nghiện mà còn có một mối tình đẹp với anh học viên trong trại. Hai người tổ chức lễ cưới ngay sau ngày trở về.

Anh là người Hà Nội, gia đình khá giả. Nhưng rồi, ngựa quen đường cũ, chị nghiện trở lại. Mấy tháng sau, công an đưa biên bản cho chồng chị ký đưa vợ đi cai lần hai.

Tôi ra về, chị Tâm đang chăm chỉ thêu thùa trong phòng lao động tập trung. Chị ngưng tay ngước lên đọc vội số điện thoại của mẹ dặn với theo: “Em nhắn giùm mẹ chị lên thăm chị nhé. Ba tháng rồi, mẹ chưa lên”.

(Còn nữa)

Tên nhân vật đã được thay đổi

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.