Tuổi thơ đi cấy lấy công của chàng thủ khoa Đại học Văn Hóa TPHCM

Hải (áo trắng) trả lời câu hỏi giao lưu của độc giả Tiền Phong.
Hải (áo trắng) trả lời câu hỏi giao lưu của độc giả Tiền Phong.
TPO - Lê Lương Hải, thủ khoa đại học Văn Hóa TPHCM sinh ra và lớn lên trong gia đình không yên ấm ở vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Thời thơ ấu gắn với hình ảnh người bố bê bết rượu chè, đánh đập vợ con khiến mẹ em phải bỏ quê đi vào nam kiếm sống khi Hải mới lên 8 tuổi.

Hết năm lớp 7, nhà quá nghèo nên Hải phải nghỉ học vào Bình Thuận đi làm cùng mẹ nhưng em luôn giữ trong mình ước mơ đến lớp. Xin mãi mẹ vẫn không đồng ý nên Hải giả điên để mẹ đưa về quê chữa bệnh, khi về đến nhà, em lại xin mẹ cho đi học nhưng các bạn đã nhập học được hơn 2 tháng, Hải vừa học theo chương trình vừa phải đi mượn sách vở của bạn để tự học ôn lại kiến thức.

Khi Hải đi học trở lại cũng là lúc mẹ Hải trở vào nam kiếm tiền, em ở nhà cùng bố nhưng phải tự tìm cách kiếm tiền để đóng học phí và nuôi bản thân. Những ngày vào mùa cấy, dù mùa đông rét cắt da cắt thịt, một cậu học trò lớp 8 phải đi cấy thuê lấy tiền ăn học. Hết mùa cấy, em lại đi làm cỏ lúa, rửa chén bát và phụ bán ngoài chợ. Dù vậy, suốt nhiều năm trời học cấp 2, cấp 3, Hải luôn cố gắng và đứng trong nhóm 5 học sinh có học lực tốt nhất của lớp.

Đến khi kết thúc cấp 3, Hải vẫn không được sự đồng ý của gia đình cho con đường học tập. Ngày đi thi, em phải trốn gia đình, nói dối mẹ là chỉ đi thi tốt nghiệp THPT. Khi kết quả thi có điểm cao, Hải phải nhiều lần thuyết phục mẹ rằng em muốn đi học để theo đuổi ước mơ với con đường nghệ thuật và muốn thay đổi cuộc sống, em muốn thoát nghèo.

Tuổi thơ đi cấy lấy công của chàng thủ khoa Đại học Văn Hóa TPHCM ảnh 1

Lê Lương Hải (thứ 2 bên trái) nhận hoa từ Phó ban tổ chức học bổng Nâng bước thủ khoa Trần Thanh Lâm.

Khi biết được thông tin báo Tiền Phong đã tổ chức trao học bổng nâng bước thủ khoa và đặc biệt hơn nữa em may mắn có tên trong danh sách 51 bạn được nhận học bổng em rất bất ngờ, sung sướng và hạnh phúc. Trong lúc em đang gặp rất nhiều khó về việc học thì được báo Tiền Phong trao cho em một suất học bổng thì rất mừng vì em biết những sự nỗ lực, quyết tâm của mình đã được xã hội quan tâm.

Học bổng giúp em bớt đi nỗi lo về gánh nặng kinh tế đang phải trải qua. Em cảm ơn các báo Tiền Phong, các đơn vị tài trợ đã quan tâm đến các số phận kém may mắn, đang cần sự hỗ trợ của cộng đồng như em và các bạn thủ khoa khác. Đây là món quà kịp thời động viên bọn em để bọn em quyết tâm hơn nữa để vươn tới ước mơ của mình. Em sẽ cố gắng học tập để đền đáp sự quan tâm của xã hội để có thể làm người xứng đáng nhận được những món quà như thế.

Em cũng xin gửi lời cảm ơn đến mẹ em vì cuộc đời của mẹ đã trải qua những bất hạnh lớn. Mẹ đã tần tảo, hy sinh bản thân để chăm gia đình, để nuôi con ăn học để có ngày hôm nay. Giờ đây, khi trở thành thủ khoa và tiếp tục được học tập, em rất vui và hứa với mẹ sẽ phấn đấu học tập để không phụ công lao nuôi dưỡng và sự hy sinh của mẹ.

MỚI - NÓNG