Nguyễn Thị Hoàng Yến (Đại học Kinh tế Quốc dân):

Tường trình của Đội trưởng tình nguyện tại Hương Ngải

Tường trình của Đội trưởng tình nguyện tại Hương Ngải
TP- Tiền phong hôm qua, 18/10 đăng bài: “Sinh viên tình nguyện giải quyết sự cố - góc nhìn từ cơ sở”, nêu một số sự cố và ý kiến của lãnh đạo địa phương, nơi sinh viên tình nguyện đến công tác.

Để thông tin đa chiều, giúp bạn đọc hiểu sâu hơn câu chuyện “sự cố trong tình nguyện và cách xử lý”, chúng tôi trích tường trình của nữ sinh Nguyễn Thị Thu Nhung (lớp K51- Khoa Quản lý) - Đội trưởng sinh viên tình nguyện khoa Khoa học Quản lý tại xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội, trong mùa hè vừa qua.

Tường trình của Đội trưởng tình nguyện tại Hương Ngải ảnh 1
Nguyễn Thị Thu Nhung

Từ chuyện nữ tình nguyện bị xước trán

Hôm đó, chúng tôi đang sinh hoạt với các em nhỏ ở Nhà văn hóa thôn 3. Khi cả lớp đang hát thì có một người đàn ông xuất hiện. Người này đang say rượu, chửi bới các anh chị thanh niên ở địa phương.

Một người đến khuyên người này ra khỏi phòng để các em nhỏ và sinh viên tình nguyện tiếp tục sinh hoạt thì người này lấy ghế băng đập xuống bàn, chiếc ghế hất ngược, chân ghế va vào đầu bạn Đào Thị Thỏa (sinh viên K51, Khoa Khoa học Quản lý). Bạn Thỏa bị chảy máu ở trán, vết thương không nặng nhưng chúng tôi rất sợ hãi. Sau đó chúng tôi lấy xe máy chở bạn ấy đến trạm y tế.

Được biết, người đàn ông kia thần kinh không ổn định, lại say rượu, bị kích thích nên mới gây chuyện. Hành động của người đàn ông này chỉ là quăng (không cố ý), nhưng mạnh quá nên trúng vào đầu bạn Thỏa. Thời điểm đó, tâm lý chúng tôi hoang mang vì những ngày đầu đã bị sự cố như thế này.

Một số bạn muốn bỏ về vì sợ ở đây không an toàn. Một số bạn tâm lý ổn định hơn thì coi đó là tai nạn nhỏ, không phải họ cố ý, hơn nữa đó là người bị bệnh tâm thần. Bạn Thỏa cũng nói: “Tớ không sao đâu. Đừng vì thế mà mọi người nhụt chí”.

Sau sự cố này tôi tổ chức họp Đội và tôi đã hỏi các bạn là có ở lại tiếp tục công việc của mình hay không. Tất cả đều giờ tay đồng ý ở lại.

Riêng bạn Thỏa, sau khi bị thương, được các cô ở trạm y tế chăm sóc tận tình. Ngay hôm sau, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đoàn xã và bố của người bị bệnh tâm thần kia đến thăm hỏi, động viên...

Tuy nhiên, không may cho bạn Thỏa vốn hay bị đau đầu, lại nghe mọi người trong Đội lo bị chấn thương sọ não nên đã rất sợ. Mấy hôm sau đó bạn ấy đau thắt ở bụng, buồn nôn. Trong đội, một bạn có mẹ là bác sỹ, sau khi kể những dấu hiệu như thế thì bảo là nguy hiểm và khuyên nên đi chụp não.

Chúng tôi đã đề nghị với các chú bên lãnh đạo xã, giúp chuyển lên Bệnh viện Việt Đức. Các chú ấy nói là các cháu đi thì xã sẽ bố trí ôtô bất kỳ lúc nào. Nhưng để yên tâm hơn, xã đã nhờ một người ở bệnh viện Sơn Tây khám cho bạn Thỏa. Khám xong, bác sỹ nói: “Thề danh dự rằng, cháu không bị làm sao cả”. Từ hôm đó toàn Đội được trấn tĩnh lại.

Có hay không Đội tình nguyện bỏ việc để phản đối?

Việc không đi làm vệ sinh tại nhà bia tưởng niệm không phải do sự cố bạn Thỏa bị thương khiến cả Đội phản ứng. Buổi chiều trước đó, chúng tôi đã bàn kế hoạch với Đoàn xã phối hợp để làm việc. Nhưng liền buổi tối hôm đó xảy ra mất điện và có khoảng 20 nam thanh niên, cởi trần, tay cầm áo quay, đứng ở dưới sân trạm y tế xã trêu sinh viên tình nguyện.

Thời điểm đó, trong làng có hai đám cưới, lại xảy ra một vụ va quyệt xe được đưa lên trụ sở UBND xã giải quyết nên thanh niên kéo đến rất đông. Họ biết có sinh viên tình nguyện ở trạm y tế xã nên đã đến trêu. Khi bị trêu chọc, tinh thần lo sợ đã ảnh hưởng dây chuyền đến cả Đội.

Một số bạn òa khóc và cương quyết đòi về. Nhiều bạn trong Đội chưa bao giờ va vấp, xảy ra trường hợp như thế làm các bạn lo lắng, sợ hãi. Thực tế là đội tình nguyện chúng tôi chủ yếu là năm thứ nhất. Trong 25 người (trong đó có 17 nữ) thì chỉ có 4 người đã từng đi tình nguyện năm thứ hai. Một số bạn sợ quá đòi về, tôi cũng sợ. Toàn bộ con gái ở trong phòng, còn con trai đứng ngoài.

Đội chúng tôi đã thống nhất với nhau, nếu có 2- 3 bạn đòi về, mà Đoàn trường thống nhất cho về thì tất cả cùng về chứ không để các bạn về lẻ tẻ. Có một nam, một nữ cương quyết đòi về. Bạn nam lo lắng sự an toàn, bạn nữ thì sợ hãi cho bản thân.

Tôi đã nói chuyện riêng với từng bạn rằng, nếu về thì tất cả cùng về chứ không để 2 người về như thế. Hơn nữa, chúng tôi em đã liên hệ với phía Chi ủy khoa. Thầy Phó Chủ nhiệm khoa đã gọi điện cho tôi sau khi liên hệ với Đoàn trường. Thầy rất lo lắng cho tình trạng sinh viên và đã khuyên vì phong trào các em nên ở lại.

Tôi cũng đã gọi điện về báo cáo tình hình cho các anh ở Đoàn trường về sự việc này. Đúng 7 giờ sáng hôm sau, các anh ở Đoàn trường đã xuống để làm việc với Đội. Mãi gần 12 giờ trưa mới xong. Vì làm việc với lãnh đạo Đoàn trường muộn quá nên lúc ra để đi làm việc tại nhà bia tưởng niệm liệt sỹ thì các anh chị Đoàn địa phương đã làm xong việc rồi, chứ không phải là Đội chống đối không đi làm.

Nguyễn Thị Hoàng Yến (Đại học Kinh tế Quốc dân):

Mỗi chuyến đi là một bài học

Tường trình của Đội trưởng tình nguyện tại Hương Ngải ảnh 2

Trước một chuyến tình nguyện xa, mỗi người cần phải được trang bị cho mình về mọi mặt, nhất là các bạn nữ.

Ngay như hè vừa rồi, chúng tôi về huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), trước khi đi khoảng một tháng, chiều nào các thành viên trong đội tình nguyện cũng vận động nhau chạy thể dục để rèn luyện thể lực.

Còn việc gặp những tình huống không mong muốn xảy ra trong những chuyến tình nguyện là điều khó tránh khỏi. Có chuyện trêu chọc của thanh niên địa phương với các bạn sinh viên nữ cũng là chuyện bình thường. Nếu đã có kỹ năng, sự hiểu biết về địa phương này, cùng sự giúp đỡ của các bạn trong đội, việc “thuần hóa” những chuyện như thế không khó.

Cần phải biết rằng, vùng mình cần đến là những vùng sâu, vùng xa, những vùng còn khó khăn về kinh tế, đời sống dân cư còn thấp. Sinh viên tình nguyện cần chia sẻ và biết cách thích ứng nhanh với hoàn cảnh đó. Ngoài những việc làm nhỏ, giúp bà con địa phương, phải nói thẳng ra là mình cũng đang đi học hỏi, tiếp xúc, va chạm với thực tế cuộc sống đời thường ở vùng khó khăn đó.

Phạm Thanh Hải (Học viện Ngân Hàng):

Muốn tinh nhuệ, phải chọn lọc

Tường trình của Đội trưởng tình nguyện tại Hương Ngải ảnh 3

Có được một đội tình nguyện “tinh nhuệ” và hiệu quả cần phải làm tốt khâu chọn lựa. Ngoài sự nhiệt tình với công tác xã hội, học tập tốt, cũng cần đề cao tính sáng tạo và sức khỏe tốt.

Nhiều bạn tham gia hoạt động Đoàn khá lâu nhưng không tạo được nét mới thì cũng bị loại khỏi đội tình nguyện “đường trường”.

Các bạn sinh viên nên bỏ ngay ý định xem chuyến đi tình nguyện là chuyến picnic, hay đi theo kiểu “có bầy có bạn” cho vui, cho thích. Hơn nữa, môi trường sinh hoạt tập thể trong những chuyến tình nguyện thường đặt nặng lên vai những người đứng đầu.

Thế nên, các thành viên trong đội cần đoàn kết, siết chặt kỷ luật về ăn, ngủ, nghỉ, vui chơi...theo châm ngôn “vui có chừng, dừng đúng lúc”, thực hiện điểm danh nghiêm túc, cụ thể ở các tổ, nhóm.

Nguyễn Thị Thùy (Đội trưởng sinh viên tình nguyện Khoa Sử, ĐH KHXH&NV Hà Nội)

Phải học kỹ năng giải quyết sự cố

Tường trình của Đội trưởng tình nguyện tại Hương Ngải ảnh 4
Tôi nghĩ, sinh viên tình nguyện trước hết là những người có lòng nhiệt huyết với công tác xã hội. Cần chọn ra những người đảm bảo sức khỏe, có kỹ năng giao tiếp, ứng xử và những kỹ năng về hoạt động xã hội khác phải được trang bị đầy đủ. Vì thực tế, với những bạn sinh viên chưa đi vùng xa bao giờ thì có thể sốc khi phải đi bộ vượt rừng hơn 20 km, hay cảnh sinh hoạt thiếu nước, điện...

Hơn nữa, khâu tiền trạm cũng phải coi trọng, tìm hiểu về kinh tế, xã hội, văn hóa vùng đất đó, và nhất là biết được những đặc trưng của thanh niên địa phương đó. Khi những trường hợp không mong muốn xảy ra, có thể là một vụ xích mích với thanh niên địa phương, hay chuyện mất cắp, mất trộm, cần bình tĩnh, hòa nhã phối hợp với chính quyền sở tại để giải quyết.

Không nên gay gắt, nôn nóng quá dễ hỏng chuyện. Chính lúc này mới cần một Đội trưởng có hiểu biết và kinh nghiệm. Khi tổng kết chiến dịch tình nguyện hè, cần phổ biến cho sinh viên khóa sau, những người còn ít kinh nghiệm học hỏi, chứ không nên tổng kết rồi để đó.

MỚI - NÓNG