Tỷ phú cây giống

Anh Lê Ngọc Khương bên cạnh vườn ươm chanh không hạt
Anh Lê Ngọc Khương bên cạnh vườn ươm chanh không hạt
TP - Từ một thanh niên nghèo khó, 13 năm kiên trì với niềm đam mê cây giống, anh Lê Ngọc Khương, 34 tuổi, Chi hội trưởng Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) ấp Đông Bình, xã Đông Phước A (Châu Thành, Hậu Giang) đã thành tỷ phú trên quê hương mình.

Đến Hậu Giang hỏi thăm cơ sở cây giống Sáu Quang (đặt tại thị xã Ngã Bảy) của chàng thanh niên Lê Ngọc Khương, người dân ai cũng biết. Các sản phẩm cây giống chất lượng không chỉ có tiếng khắp vùng mà còn luôn có mặt trong các kỳ hội chợ ở các tỉnh ĐBSCL trong suốt nhiều năm liền, được người dân ủng hộ. 

Khởi nghiệp từ 6 triệu vay mượn

Anh Khương là con út trong gia đình, do nghèo khó nên anh dừng việc học khi vừa hết lớp 9. Gia đình có 1,4 ha trồng lúa nhưng không hiệu quả, anh Khương quyết định tìm hướng đi mới cho mình. “Người ta có điều kiện được ăn học đến nơi đến chốn, còn tôi không tiền nên muốn làm theo đam mê của mình”, anh Khương tâm sự. 

Năm 2000, anh Khương được người quen giới thiệu gặp thạc sĩ Trần Thị Ba ở Khoa Nông nghiệp & Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ và được tư vấn trồng ổi không hạt. Anh Khương nói: “Tôi nghe trên đài quảng cáo có giống ổi không hạt nhưng lại lo lắng sợ bị lừa nên tìm kỹ sư tư vấn. Sau đó, chị Ba giới thiệu trên Bình Dương có chỗ bán giống nên tôi về nhà vay mượn được 6 triệu đồng để mua 300 nhánh ổi về trồng trên đất nhà mình”. 

Đặc tính của ổi không hạt là giòn, ngon, lâu hư hơn ổi bình thường. Trồng khoảng 1 năm là cho ra trái, chi phí khoảng 20 triệu đồng/ha. Anh Khương được tập huấn kỹ thuật nông nghiệp ở xã, nghiên cứu tài liệu trên sách, báo nên về kỹ thuật trồng không phải là vấn đề đáng lo. Điều quan trọng nhất là sản xuất ra được sản phẩm biết có chỗ đứng trên thị trường hay không.

Sau khi ổi cho trái, anh Khương đem đến từng siêu thị ở Cần Thơ và các sạp bán trái cây lẻ khắp các tỉnh trong vùng để mời chào hàng. Anh Khương kể: “Sau khi đem 5kg đến siêu thị Metro, Vinatex và Coopmart ở Cần Thơ ký gửi không lấy tiền, đợi khi nào họ bán được mới lấy nhưng cũng chỉ cầu may. 

Tuy nhiên, hôm sau thì 3 siêu thị đó gọi điện đến yêu cầu ký hợp đồng cung cấp mỗi tuần gần 1 tấn ổi/siêu thị, với giá 25.000 đồng/kg”. Cũng trong thời gian đó, nhiều người biết đến và đặt hàng mua ổi không hạt với số lượng hàng nghìn cây giống mỗi tháng. 

Đến năm 2004, ngoài việc vừa bán quả, chiết nhánh ổi bán cho người dân, anh còn mở rộng thêm nhiều giống mới như: Chanh không hạt, mít siêu sớm, cam sành, dừa dứa, dừa sáp…

Tỷ phú cây giống

Chị Phan Thị Thúy An (vợ anh Khương) nói: “Muốn sản phẩm của mình được người tiêu dùng chấp nhận thì trước hết phải đảm bảo chất lượng, từ đó, làm cơ sở để khách hàng tin tưởng, mua hàng sản phẩm về trồng”.

Mỗi năm, cả vùng có hơn 10 hội chợ thì cơ sở sản xuất cây giống của vợ chồng anh chị đều có mặt đầy đủ. Chị Thúy An cho biết: “Phí tham gia hội chợ cao, vì phải đóng thêm tiền thương hiệu sản phẩm của mình. Trung bình mỗi lần tham gia, cơ sở bán được hàng nghìn cây giống các loại với doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Gần đây nhất là tháng 6/2014, tham gia hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại TP Cần Thơ, gia đình bán được 1,9 tỷ đồng”. 

Anh Khương cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, nghiên cứu thêm nhiều giống cây trồng mới có giá trị, năng suất cao để cung cấp cho người dân.

Anh Nguyễn Quốc Việt, Bí thư xã Đoàn Đông Phước A, cho biết: “Anh Khương là thanh niên có bản lĩnh, đi đầu trong phát triển kinh tế. Ngoài việc nhiệt tình trong công tác Hội LHTN của ấp, anh còn tích cực giúp đỡ, hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho thanh niên địa phương. Tổ chức Đoàn đang đề nghị cho Khương được đứng vào hàng ngũ của Đảng”.

Vừa qua, anh Khương được Tỉnh Đoàn Hậu Giang giới thiệu Trung ương Đoàn xem xét để trao giải thưởng Lương Định Của năm 2014.

Hiện tại, ngoài 1,5 ha cam sành đang cho trái trị giá gần tỷ đồng, anh Khương còn có 3 cơ sở sản xuất cây giống ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), Giồng Riềng (Kiên Giang) và Ô Môn (TP Cần Thơ) để phục vụ cho người dân cả vùng. Mỗi năm xuất hơn 30.000 cây giống các loại với giá dao động từ 15.000 – 50.000 đồng/cây. Năm 2013, doanh thu từ bán cây giống trên 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng và giải quyết việc làm cho hơn 30 thanh niên nông thôn.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.