Gương mặt Giải thưởng Lương Định Của năm 2007:

Tỷ phú nông dân tuổi ba mươi

Tỷ phú nông dân tuổi ba mươi
TP - Đã hơn mười năm qua, anh Nguyễn Văn Khánh (35 tuổi), người làng Chính Trung, xã Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) gắn buồn vui của mình với những đàn cá, với những ao nuôi ba ba giống mới.
Tỷ phú nông dân tuổi ba mươi ảnh 1
Anh Khánh giới thiệu cá quả thịt - Ảnh: Minh Tuấn

Tình yêu với ruộng đồng, với đàn cá, con tôm như thấm vào máu thịt của chàng trai trẻ vùng đất trũng ngoại thành.

Sinh ra trong gia đình nông dân ngoại thành, nhà đông anh em, bố mẹ nghèo nên anh Nguyễn Văn Khánh phải chịu dang dở học hành. Anh phải đi làm thuê, làm mướn, đóng gạch, làm mộc, thợ nề kiếm tiền sinh sống và giúp đỡ gia đình.

Sau nhiều năm lăn lộn đủ nghề, anh được nhận vào làm hợp đồng cho Trung tâm thực nghiệm của trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội.

Dần dà khi đã có chút kinh nghiệm đến năm 1996, anh thuê 2 ha đất ruộng trũng và vay mượn được 300.000 đồng nuôi 150 con vịt và trồng cây. Lấy ngắn nuôi dài, được đồng lãi nào anh Khánh lại đầu tư mở rộng sản xuất, mua thêm cây, con giống.

Diện tích nuôi trồng thuỷ sản của anh liên tục tăng, từ 2 ha ruộng trũng ban đầu, đến nay đã lên đến 15 ha. Bên cạnh các loại cá chính như: chép, cá quả, rô phi, trắm thì 3 năm trở lại đây anh đã bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư nuôi ba ba thịt.

Hiện, anh đang có 4.000 con ba ba thịt loại 1,3 kg và 20.000 con ba ba giống. Sản lượng cá do anh Khánh nuôi trung bình hiện cũng đã lên đến 150-170 tấn/1 năm.

“Mấy năm gần đây người nuôi thuỷ sản gặp nhiều khó khăn. Giá thức ăn, lương thực không ngừng tăng mà thị trường cá nước ngọt thì liên tục bị thu hẹp và chủ yếu vẫn là bán nội địa” - Anh Khánh cho biết.

Từ chỗ phải chịu lỗ 2.000 đồng/1 kg cá vào năm 2003-2004, anh Khánh đã chuyển sang nuôi các loại thuỷ sản giá trị cao đang được thị trường ưa chuộng như cá vược, cá quả và ba ba để bù lại.

Sản phẩm bán được với giá cao thì cũng là khi nguy cơ rủi ro thử thách nhà nông trẻ này. Giống ba ba nhập về từ Đài Loan đặc biệt nhạy cảm với thời tiết và rất dễ mắc bệnh, thời gian nuôi lại dài gấp 3 lần nuôi cá. Cá quả, cá lóc đưa ra từ miền Nam ra Bắc nuôi cũng không phải dễ.

Anh Khánh đi đến hàng chục tỉnh, thành phố khác nhau để học tập mô hình và cách làm mới. Cuốn nhật ký của anh về thuỷ sản vì thế cũng ngày càng dày thêm.

“Sau mỗi lần thành công hay thất bại, những sự việc mới mình đều ghi vào nhật ký để rút kinh nghiệm”- Anh Khánh thổ lộ.

Lập nghiệp từ vài trăm ngàn đồng vốn đến khi tài sản đã có khoảng trên 4 tỷ đồng; từ một người làm thuê trở thành ông chủ, tự học để lấy được tấm bằng cử nhân nông nghiệp, nên anh Khánh rất thấm thía nỗi khó khăn vất vả của những thanh niên nông thôn nghèo.

Ngoài công việc rất bận rộn tại trang trại, anh dành nhiều thời gian đón tiếp hàng trăm bạn trẻ từ nhiều tỉnh, thành phố từ Bắc chí Nam đến học tập mô hình nuôi trồng thuỷ sản, cách áp dụng kỹ thuật mới.

Anh cũng đã sẵn sàng đến các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An... để hướng dẫn các bạn trẻ xây dựng trang trại.

Ngoài hơn 40 lao động thường xuyên, anh Khánh còn tạo nhiều điều kiện cho hàng chục sinh viên học ngành nông nghiệp có việc làm thêm trong quá trình học  tập hoặc chưa tìm được công việc tốt hơn.

Trang trại của anh Khánh là địa chỉ thân thuộc của hàng trăm sinh viên ĐH Nông nghiệp I đến để tìm hiểu, thực hành, trao đổi.

Nhằm khắc phục tình trạng bí đầu ra trong xuất khẩu, anh Khánh cho biết, đang phối hợp với một số trang trại và doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho cá sạch nước ngọt chất lượng cao để phân phối tại các siêu thị trong nước.

“Nếu có lòng yêu nghề, say mê chăn nuôi, trồng trọt, có ý thức học hỏi, các bạn trẻ ở nông thôn đều có thể vươn lên làm giàu ngay tại quê hương”- Anh Khánh chia sẻ. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.