'Ứng xử phù hợp trên facbook với đoàn viên thanh niên'

'Ứng xử phù hợp trên facbook với đoàn viên thanh niên'
TPO - Facebook là kênh giao tiếp rất tốt, nhưng đằng sau câu chuyện giao tiếp này lại là vấn đề rất khó, đó là chuyện ứng xử. Ứng xử thế nào cho phù hợp là vấn đề không phải ai cũng làm được.

"Ứng xử phù hợp trên mạng xã hội Facebook đối với đoàn viên thanh niên" là chủ đề của tọa đàm dành cho đoàn viên thanh niên là những phóng viên trẻ diễn ra mới đây  do Đoàn cơ sở phía Nam cơ quan T.Ư Đoàn tổ chức. Khách mời là nhà báo Trần Ngọc Lâm-Phó Ban đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM và TS Huynh Văn Thông, nguyên trưởng khoa Báo chí và truyền thông, trường ĐHKHXH&NV- ĐHQG HCM cùng các đoàn viên, phóng viên trẻ thuộc cơ quan T.Ư Đoàn.

Mở đầu tọa đàm, nhà báo Trần Ngọc Lâm cho biết, hiện tại người dùng facebook ở Việt Nam luôn đối diện với nguy cơ tiếp nhận những luồng thông tin không đúng sự thật. Do đó, mỗi người dùng cần phải tỉnh táo cũng như có nhận thức và đánh giá đúng về thông tin mà mình đang tiếp cận.

'Ứng xử phù hợp trên facbook với đoàn viên thanh niên' ảnh 1

Nhà báo Trần Ngọc Lâm chia sẻ với các đoàn viên, phóng viên trẻ về tác nghiệp trên facbook

“Theo nghiên cứu mới đây của Trung tâm an ninh mạng Bkav, 63% người dùng internet ở Việt Nam thường xuyên phải đọc Fake news (tin giả) mỗi ngày từ mạng xã hội. Loại thông tin này Không chỉ khiến người đọc hoang mang, nó còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước. Do đó, việc làm sao để phân biệt tin giả trên facebook đòi hỏi nhãn quan cũng như trình độ nghiệp vụ của từng người. Đối với những phóng viên trẻ, chưa dày dạn kinh nghiệm, nếu không thẩm định kỹ khi chia sẻ thông tin sẽ dễ dàng vấp phải sự cố đáng tiếc”, nhà báo Ngọc Lâm nhấn mạnh.

Lấy ví dụ sự cố truyền thông cách đây khoảng 1 năm khi trên mạng xã hội Facbook xuất hiện thông tin máy bay rơi ở Cảng hàng không Nội Bài, nhà báo Ngọc Lâm cho rằng khi thông tin nhanh chóng lan truyền và nhiều trang tin điện tử vì chạy đua với mạng xã hội đã vội đưa tin mà thiếu sự thẩm định từ nhiều phía dẫn tới hậu quả là "góp phần" nhân rộng tin giả ra cộng đồng, đồng thời bị cơ quan chức năng  xử phạt.

Trong khi đó, TS Huỳnh Văn Thông cho rằng, mạng xã hội sẽ trở thành một "nhân tai" nếu con người mất kiểm soát. Facebook là kênh giao tiếp rất tốt, nhưng đằng sau câu chuyện giao tiếp này lại là vấn đề rất khó, đó là chuyện ứng xử.

'Ứng xử phù hợp trên facbook với đoàn viên thanh niên' ảnh 2

Phóng viên chia sẻ việc tác nghiệp trên mạng xã hội tại buổi tọa đàm

Theo TS Thông, nhiều người dùng dễ bị ảnh hưởng cũng như có ấn tượng mạnh với những thông tin tiêu cực hơn là những điều tích cực. “Những cái tít giật gân, những video clip tiêu cực lại khiến nhiều người sử dụng facebook thích thú hơn những điều tích cực. Tôi gọi đó là vết hằn trong suy nghĩ, 5- 6 điều tích cực chưa chắc đã tạo ra được vết hằn trong suy nghĩ bằng 1 điều tiêu cực mà người dùng tiếp nhận, Từ đó, tiếp cận vấn đề không thấu đáo dẫn đến việc ứng xử của chúng ta trên mạng xã hội”, TS Thông nhấn mạnh.

Cũng theo TS Thông, ứng xử trên facbook là một vấn đề rất khó, khó hơn nhiều so với việc giao tiếp. “Chúng ta phải cân nhắc like gì, share gì chứ không phải là like dạo, share bậy, vô hình chung sẽ dung dưỡng cái xấu, các ác” TS Thông nói. Theo TS Thông nếu mỗi ngày mở mạng xã hội ra chỉ toàn những tin xấu thì cho dù bạn không tham gia nhưng bao nhiêu tin xấu ập tới khiến chúng ta mất niềm tin, dẫn đến vấn đề khủng hoảng hậu sự thật. Tức khi mất niềm tin thì chúng ta có xu hướng nhận định vấn đề bằng cảm xúc, từ đó tiếp cận vấn đề không thấu đáo dẫn đến việc ứng xử của chúng ta trên mạng xã hội.

“Thời gian qua, nhiều bạn trẻ hô hào khẩu hiệu “Việt Nam nói là làm”, có bạn trẻ đăng status kêu gọi đủ 500 like nhảy cầu. Có thể bạn trẻ đó bồng bột khi đăng status đó nhưng nếu chúng ta like, share thì có phải chúng ta đang đẩy bạn trẻ đó vào cái chết”, TS Thông lấy ví dụ.

MỚI - NÓNG