Ước mơ của chàng trai Raglai

Cao Phi Phàm (người đứng, bìa phải) trong chuyến đi thực tế tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Ảnh: N.T
Cao Phi Phàm (người đứng, bìa phải) trong chuyến đi thực tế tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Ảnh: N.T
TP - Dù không có được xuất phát điểm thuận lợi như các bạn cùng trang lứa, Phàm vẫn từng bước vươn lên để thực hiện ước mơ quảng bá những giá trị văn hóa của dân tộc mình đến với đông đảo người dân.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, Cao Phi Phàm (sinh năm 2001, ngụ xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) hiện là sinh viên ngành Quản lý Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa TPHCM, vốn sớm quen thuộc với hết thảy các việc đồng áng, nương rẫy. Phàm còn xem đó là niềm vui khi có thể đỡ đần cha mẹ.

Cũng vì hoàn cảnh gia đình, Phàm làm quen với con chữ muộn hơn so với chúng bạn. Nhưng không vì thế mà cậu bé Phàm cho phép mình thua sút các bạn. Phàm bảo, chính sự chăm chỉ cùng khả năng tiếp thu nhanh kiến thức đã giúp cậu tiến bộ. Cậu học trò quê nghèo muốn học tập thật giỏi giang để cha mẹ đỡ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Là người dân tộc Raglai, Cao Phi Phàm sớm ý thức và tự hào với những giá trị hồn cốt của đồng bào mình. Các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể riêng có của người Raglai như lễ bỏ mả, mừng lúa mới, lễ cầu mưa… dần trở thành nguồn cảm hứng trong chàng trai trẻ. Ý nghĩ trở thành một nhà nghiên cứu di sản văn hóa được Phàm nung nấu từ đấy.

“Chính vì nhận thấy các yếu tố đặc thù của dân tộc mình, tôi khao khát phát huy chúng để nhiều người biết đến, từ đó có thể thu hút khách du lịch, mang lại nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình mình nói riêng, đồng thời giúp cộng đồng của mình phát triển hơn. Mặt khác, điều này còn có thể nâng cao đời sống tinh thần, nâng tầm bản sắc văn hóa của người Raglai. Đó chính là động lực thôi thúc tôi cố gắng vươn lên trong học tập”, Phàm nói.

Khát vọng đẹp dành cho quê hương xứ sở dường như được nối dài hơn khi năm nay Phi Phàm là sinh viên đạt điểm đầu vào cao nhất ngành Quản lý Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa TPHCM, một khởi đầu đầy khích lệ để chàng trai Raglai có thêm cơ hội nâng cao nền tảng hiểu biết và thực hiện ước mơ trong tương lai không xa.

Vượt lên chính mình

Học hết cấp 1 cũng là lúc Phàm rời xa bàn tay bảo bọc của ông bà, bố mẹ để vào huyện, lên tỉnh học tiếp cấp 2, cấp 3. Đó cũng là quãng thời gian chứng tỏ tinh thần, ý chí vượt khó của cậu học trò khi nhiều lúc Phàm vừa tự lực cánh sinh ăn học, vừa sốt ruột, âu lo mỗi khi nghe tin những người thân yêu nhất của mình ốm đau phải nhập viện cấp cứu. Cũng một phần bị phân tâm bởi chuyện nhà, những năm học cấp 3 Phàm liên tục tụt giảm sức học.

Nhưng thật may, đúng thời điểm then chốt trước kỳ thi đại học, Phàm đã lấy lại tinh thần với suy nghĩ “chỉ có học lên mới thay đổi được tương lai, có học mới có cơ hội giúp đỡ gia đình tốt hơn sau này”. Cao Phi Phàm đã từng bước vượt lên chính mình bằng cách luôn nhắc nhớ về mục tiêu tốt đẹp mà mình đã chọn.


Hôm nay diễn ra chương trình “Nâng bước thủ khoa 2019”

Chương trình  “Nâng bước thủ khoa 2019” do Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam và báo Tiền Phong  sáng kiến và tổ chức sẽ diễn ra tại TPHCM trong 2 ngày 16,17/12 với một chuỗi sự kiện ý nghĩa. Đặc biệt, tại lễ vinh danh, mỗi sinh viên sẽ được tặng học bổng trị giá 17 triệu đồng/suất. BTC đã xét chọn ra 50 tân sinh viên thủ khoa từ Thừa Thiên - Huế trở vào Cà Mau đủ điều kiện được nhận học bổng “Nâng bước thủ khoa 2019”. 

MỚI - NÓNG