Ước mơ của cô bé 'buôn' gà

Ước mơ của cô bé 'buôn' gà
4g sáng, Nguyễn Thị Thúy Duyên (17 tuổi, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Chợ Lách A, tỉnh Bến Tre) đặt cây đèn dầu lên chiếc cân lò xo. Dưới ánh sáng leo lét bên lề đường, cô tranh thủ lấy sách vở ra ôn bài trong lúc chờ mua gà, vịt của người qua lại.

"Ò... ó...o...o...", chú gà quạt cánh, rướn cổ gáy. Đèn tắt phụt. Duyên lại mồi lửa. Ánh sáng từ ngọn đèn chong dần để lộ một quyển tập học trò và khuôn mặt cô gái độ tuổi trăng tròn. Chiếc bóng nhỏ co ro, đổ dài xuống đường trong làn sương sớm.

Khi tiếng lọc cọc, kẽo cà của chiếc xe đạp nào đó đến gần, bài học lại bị ngắt quãng. "Bán gà, vịt gì không chị?"- cô bé ngước chào người đi đường bằng câu hỏi quen thuộc. Nhiều năm nay, người dân đi chợ sớm vào thị trấn Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đều bắt gặp hình ảnh ấy...  

Một người phụ nữ trung niên ngừng xe, bán một con gà trống. Duyên đặt chú gà lên chiếc cân: "2,05kg chị ơi!". "Sao kỳ cục vậy? Ở nhà tui cân 2,1kg lận mà!" - người phụ nữ nhăn nhó. Mắt cô bé rươm rướm nhưng cố giải thích: "Chắc hôm qua chị cân lúc gà ăn no. Sáng nay chưa kịp ăn nên nó nhẹ hơn tí xíu đó mà”.

Sau gần năm phút thuyết phục, người phụ nữ kia mới chịu bán chú gà với cân nặng 2,05kg.

Cuộc mua bán này vẫn được coi như khá nhanh chứ một số khách còn bắt cô xách gà vịt đi cân nhờ những người bán hàng trong chợ cách đó 300 -400m, vì nghi cân của cô "non".

Những ngày bão, cô cũng đội áo mưa ngồi bên đường. Đến khuya, may lắm cô bé mới mua được 5 - 7 con. Với mỗi chú gà, vịt như thế, khi bán lại, Duyên được tiền lời khoảng 1.000 - 2.000 đồng.

6 giờ, Duyên hối hả đạp xe về bờ sông Chợ Lách. Ở đó, Nguyễn Quốc Thành - anh trai Duyên - đã chờ sẵn với nồi nước đang sôi ùng ục. Dựng chiếc xe đạp, buộc túm hai vạt áo, cô học trò cùng anh bắt đầu các công đoạn nhổ lông gà, vịt. Cứ làm sạch một con gà, vịt, hai anh em được trả công 3.000 đồng.

Bên kia bờ sông, từng nhóm học sinh đang tung tăng đến trường trong những bộ đồng phục trắng muốt. Còn Duyên vẫn cúi mặt, gạt vội mồ hôi rồi thoăn thoắt, thoăn thoắt bàn tay.

6 giờ 45, cô mới ngưng làm. Vốc nước sông rửa mặt, Duyên lại tất tả đạp xe đến nhà vệ sinh công cộng để thay bộ áo dài. Cô ghé tiệm mua một ổ bánh mì không giá 500 đồng. Rồi lại tất tả đạp xe đến trường...

Gánh nặng gia đình

Bác Nguyễn Thị Yến, người dân ở thị trấn Chợ Lách, kể: Có lần Duyên ngồi co ro bên đường, người ướt sũng. Hỏi tại sao, cô bé ôm mặt khóc. Hóa ra trên đường đến trường, em bị té lấm hết bộ đồng phục. Khi bước xuống sông để rửa vết dơ, em lại bị trượt chân té ướt cả người.

Cô học trò này chỉ có một bộ quần áo để đến trường trong nhiều năm trời. Khóc mãi, cô bé đành mặc quần áo ướt vào lớp học.

Câu chuyện ấy thôi thúc tôi đến nhà Duyên. Đó là căn nhà nhỏ hun hút sau những khu vườn rộng. Năm tháng trước, nó vốn là một căn lều che tạm bằng nilông. Các cán bộ địa phương đã xin cho gia đình được một suất nhà tình thương trị giá 10 triệu đồng. Chưa đủ làm cánh cửa thì số tiền đã hết.

Thôi thì cứ sống trong ngôi nhà không có cửa. Bởi vì, ngôi nhà ấy cũng đâu có thứ vật chất gì đáng giá để mất ngoài cái giường nhiều năm tuổi, một bàn học cũ mốc, hai cái ghế nhựa, một số nồi niêu chén bát cũ và ba bệnh nhân!

Tôi đến nhà Duyên, ba của Duyên - người đàn ông gầy, xanh như tàu lá đón khách bằng đôi mắt thao láo của người bệnh tâm thần kinh niên. 10 năm trước, ông đột nhiên nói lảm nhảm rồi uống thuốc rầy tự tử. Khi được cứu sống, ông "tạm trú dài hạn" ở Bệnh viện tâm thần Biên Hòa.

Trái ngược với vẻ bề ngoài của ba, mẹ của Duyên đã không còn đi nổi với thân hình mập phù quá khổ do thuốc và hóa chất. Chị tên Võ Thị Vui nhưng cuộc sống cho chị quá nhiều nỗi buồn. Chị bị ung thư cắt đi một bên vú. Giờ đây bệnh ung thư của chị di căn vào xương, phổi. Dù đã bán hết nhà cửa, vườn tược để chạy chữa, nhưng bác sĩ lắc đầu trả chị về quê...

"Bà ngoại đã dọn bàn thờ cho mẹ rồi. Bác sĩ nói mẹ sống không hết năm nay...." , Thành - anh trai Duyên - nói trong nước mắt. Năm ngoái Thành tự dưng nhức đầu, mắt mờ dần, mắt trái gần như không thấy. Gần đây, mắt phải cũng bắt đầu có dấu hiệu tương tự.

Bác sĩ bảo mắt Thành bị đục pha lê thể kéo gai hoàng thị điểm, bong giác mạc. Dù đã trải qua một lần mổ nhưng mắt trái của Thành chỉ nhìn được vật ở gần dưới nửa mét. Thành cũng không thể thức khuya, không thể làm việc nhiều. Vì vậy, gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của Duyên - cô em song sinh.

Ước mơ mong manh

Suốt quãng đời tuổi thơ cho đến bây giờ, giấc ngủ của hai anh em luôn bị ám ảnh bởi những cơn điên loạn của ba. Có khi ông dựng cả nhà dậy, rượt đánh. Khi ấy, mấy mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Sau đó chất sách vở, quần áo lên xe đạp, dắt díu nhau về tá túc ở nhà ngoại.

Có lần, mấy đứa bạn nghịch ngợm: "Ê! Con ông khùng!". Duyên và Thành đã khóc hết nước mắt. Nhưng nghe lời mẹ, hai anh em quyết không bỏ học. Hơn 11 năm liền, mỗi đêm hai anh em chỉ học dưới ngọn đèn dầu tù mù. Hơn 11 năm liền, mỗi năm hai anh em đều chỉ dùng chung một bộ sách. Nhưng cũng từng ấy năm, hai anh em đều là học sinh giỏi.

Đặc biệt, cả hai anh em say mê và có khiếu học ngoại ngữ. Dù chỉ tự học thêm bằng sách mượn của thư viện và chương trình dạy tiếng Anh trên đài phát thanh Vĩnh Long, nhưng trung bình cả năm môn Anh văn của Duyên luôn đạt 10 điểm.

Năm học lớp 11, hai anh em được chọn vào đội thi học sinh giỏi môn Anh văn để "so tài" cùng nhiều học sinh lớp 12. Năm nay, hai anh em lại được chọn vào đội học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh.

17 tuổi tràn ngập ước mơ. Thành thích làm một cảnh sát. Duyên mong trở thành cử nhân ngành kinh tế. Thế nhưng...

Chia tay gia đình, tôi nhớ mãi hình ảnh trên 60 tờ giấy khen các loại của hai anh em được dán trên vách. Và day dứt hơn khi tôi nhớ về tô mắm là thức ăn trong bữa cơm của gia đình nhiều ngày.

Khi cái nghèo còn trì níu những ước mơ, liệu các em còn sức gồng gánh gia đình, gồng gánh hoài bão về giảng đường đại học?

Theo Yến Trinh
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG