Ước mơ lăn theo trái bóng

Ước mơ lăn theo trái bóng
(TPO) Trở thành cầu thủ chuyên nghiệp với danh tiếng và mức lương hàng chục triệu đồng/tháng đang trở thành ước mơ lớn của những thanh, thiếu  niên.

Quyết tâm theo con đường chuyên nghiệp nhưng trong cuộc hành trình cùng với trái bóng còn nhiều lắm những chông gai.

Bóng đá + Văn hoá = Tương lai

U15 Thể Công chiều chiều tập trung đội tập luyện. Trong số đó có cả những em đến từ hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Kạn. Nguyễn Quang Tuấn SN 1990 ở Hải Phòng, nhà ngay gần sân bóng nên cậu bé đã bị mê hoặc bởi túc cầu giáo từ thủa lên ba. 10 tuổi Tuấn đã có mặt trong đội tuyển thiếu nhi Hải Phòng thi đấu các giải toàn quốc. Khi có bạn lên đội Thể Công xin tập luyện, Tuấn bàn với mẹ: “Mẹ cứ cho con lên Hà Nội thử sức, nếu được con sẽ ở lại, còn không thì cũng coi như một lần ra thủ đô chơi cho biết”.

Bà mẹ cũng qúa ham mê bóng đá, từng có những đêm thức trắng mấy mẹ con xem Wold Cup, EURO,…trước đề nghị của đứa con út đành tặc lưỡi chấp nhận. Tuấn lên Hà Nội và không quá khó khăn để em được vào đội U15 Thể Công. Ở nhờ nhà cô ruột, sáng sáng Tuấn lên xe buýt đi học tận Gia Lâm, chiều tới sân tập. Khi được hỏi về tương lai, Tuấn bảo: “Năm nay em 15 tuổi, điều lo lắng nhất là thể trạng quá nhỏ. Nếu không được lên đội 1, em sẽ thi ĐH Thể dục thể thao”.

Mục tiêu đã xác định, cậu ngày ngày miệt mài tập luyện, đêm đêm lại chong đèn học văn hóa.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, mẹ Tuấn tâm sự: “Đá bóng là niềm đam mê của em nó nên mình phải chiều, nhưng dù sao cũng vẫn động viên con học tập cho tốt, để vừa phát triển tư duy, vừa có cơ hội học cao hơn sau này”.

Với Nguyễn Công Thành, gia đình em ở Hà Nội nên  có điều kiện tốt hơn. Ngày ngày cậu đến sân tập, tối về học, lại có gia sư dạy kèm nên kết quả học tập luôn khả quan. Bố Thành khẳng định: “Tụi nó đam mê bóng đá thì cho đi tập, còn hơn là chơi bời rồi dính vào nghiện ngập còn khổ gấp vạn lần. Mê thể thao nhưng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, chúng nó còn trẻ, dù vất vả nhưng vẫn phải cố gắng để hoàn thành cả hai nhiệm vụ”.

Tuy nhiên, càng lên lớp cao, khối lượng kiến thức càng nhiều, khối lượng vận động trong sân tập cũng vô cùng lớn, chính vì vậy mà việc căng sức chiến đấu trên cả hai mặt trận là điều không hề đơn giản. Nghiêm Xuân Thành, quê Hải Phòng bảo: “Nhiều khi tập nặng xong mệt lử, học cũng không vào nữa, vì vậy tiếp thu bài ngay trên lớp là tốt nhất”.

Vòng cầu mạo hiểm

Với những cầu thủ U15 thì chuyện học hành dường như còn có thể mở ra con đường thứ hai, với những cầu thủ U17, 18, chuyện học đã gần kết thúc thì cánh cửa cuộc đời gần như đã mở ra theo đường bay của trái bóng. Có người gọi họ là những người đang cưỡi lên lưng hổ.

Ước mơ lăn theo trái bóng ảnh 1
nguy cơ bị loại vẫn luôn thường trực trên đầu mỗi cầu thủ

Khi chúng tôi đến sân vận động Đông Anh, các cầu thủ trẻ của Hoà Phát Hà Nội đang tập luyện. Cả đội hiện giờ còn 24 cầu thủ chính thức, trừ một số cầu thủ đã tốt nghiệp phổ thông, còn lại 2/3 thành viên trong đội tối tối cắp cặp đi học văn hoá ở Trung tâm giáo dục thường xuyên.

Nguyễn Hồng Huy đã nhận giấy báo đỗ cao đẳng Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa Hà Nội, nhưng khi biết tin mình đỗ vào đội trẻ của Hoà Phát, không do dự, cậu lên đường đi theo trái bóng.

Khi được hỏi, Huy có ân hận không, cậu cười: “Mình còn trẻ, được làm cái gì mình thích đã là hạnh phúc lắm rồi. Với lại ở đây, tụi mình cũng được Cty và ban huấn luyện quan tâm, ít nhất nhờ nội quy cấm hút thuốc, uống rượu, cờ bạc…mình cũng tránh xa được những cám dỗ, thấy có sức khoẻ tốt, vậy là cái được ban đầu đã”.

Quyết tâm đi theo bóng đá chuyên nghiệp cũng bởi một lẽ, cậu muốn theo anh trai, cầu thủ Nguyễn Hồng Nam ở đội 1 Hoà Phát. Hai anh em thỉnh thoảng cuối tuần lại gặp nhau, hoặc sau mỗi trận đấu, anh lại xoa đầu cậu em út bảo cố gắng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Tâng trái bóng như làm xiếc trên mu bàn chân, Hoàng Tú Tài bảo: “Cứ nghĩ đến cảm giác được đứng chào cờ trên sân trước hàng ngàn người lại thấy khát khao tập luyện hơn”.

Đã theo nghiệp cầu thủ thì chuyện chấp  nhận gian khổ là ai cũng tâm niệm trong đầu. Có những hôm mưa tầm tã thầy trò vẫn tập, trời rét cắt da, có những khi ngã, chấn thương trên sân là chuyện bình thường.

Huấn luyện viên phó Lê Việt Dũng đã trở thành người thầy, người cha của tất cả các cầu thủ. Anh nói: “Các em xa nhà, chuyện tập luyện chuyên môn, đặc biệt là kỷ luật và đạo đức cầu thủ luôn được ban huấn luyện, lãnh đạo công ty đặt lên hàng đầu. Cái mà chúng tôi cảm nhận được ở các em đó là lòng đam mê bóng đá, ở họ có một sự say mê đến cảm phục”.

Trên chặng đường đi cùng bóng đá, không phải ai cũng thành công, có những người đành ngậm ngùi chia tay trái bóng. N.L.T quê Nghệ An sau khi ra thử việc được vài tuần, cậu đành ra về khi huấn luyện viên thấy không có triển vọng, đó cũng như một lần thử sức trong cuộc đời.

Để vào được đội tuyển, họ đã phải vượt qua hơn 600 người từ vòng loại đầu tiên, rồi đến khi vào đội, nguy cơ mất vị trí cũng luôn thường trực nếu không cố gắng. Việt Dũng bảo: “Bây giờ thì hầu như mình chỉ còn một con đường, phải cố gắng thôi, chỉ cần vi phạm kỷ luật hoặc không chấp hành tốt nội quy của đội, có thể anh sẽ bị loại. Bây giờ mà bị loại chỉ có nước về quê đi cày”.

MỚI - NÓNG