Ước nguyện của những người trẻ

TP - Trong những chuyến đi của mình, tôi tình cờ gặp một số bạn trẻ - lớp thanh niên thế hệ mới có kiến thức, giàu nhiệt huyết và khát vọng cống hiến. Tôi đã ghi lại ước nguyện của họ trong những chuyến đi đó...

Một lần, nhân nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, vợ chồng tôi ra Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) mua vé xe giường nằm về quê Hà Tĩnh. Đúng là thời buổi thị trường, nhiều hãng xe giường nằm được ghi là cao cấp chào đón khách ngay từ địa điểm bán vé.

 Ước nguyện của những người trẻ ảnh 1

Doanh nhân trẻ Trần Đình Thành

Trước khi đi, có người bạn bảo tôi nên đi xe Văn Minh. Nhắc đến hai từ “Văn minh” không hiểu sao tôi bị dị ứng. Thời buổi thật giả lẫn lộn, nhiều nơi được gắn biển “Văn minh” mà tôi đi qua thật chẳng văn minh chút nào!

Nhưng, khi nhìn thấy cửa bán vé hãng xe Văn Minh, người ta xếp hàng khá đông. Vợ tôi bảo, người Hà Nội tinh lắm, ở đâu, bán cái gì trong thời buổi thị trường này mà xếp hàng dài, có đông người mua là thứ đó chất lượng lắm. 

Nghe lời vợ, tôi mua vé xe giường nằm Văn Minh.

Khi chúng tôi lên xe và suốt cả chuyến hành trình tôi thực sự ngạc nhiên.

Xe Văn Minh chạy và dừng ở địa điểm cuối cùng đúng giờ. Không bắt khách dọc đường. Lên xe, người phục vụ lịch sự đưa cho hành khách một túi giấy bóng, cho giày dép vào rồi để gọn vào phía dưới giường nằm của mình. Mỗi giường nằm để sẵn cho khách một chai nước uống, một cái bánh mỳ, một tờ báo để đọc và một cái chăn mỏng để đắp khi cần.

Trên xe có máy điều hòa nhiệt độ, có ti vi, có DVD, hành khách có thể xem phim hay nghe nhạc. Người già, trẻ em được người phục vụ giúp đỡ và hướng dẫn tận tình. Cả lái xe và người phục vụ đều mặc đồng phục, thắt cà vạt rất lịch sự. Vợ chồng tôi có cảm tưởng như mình đang ở một căn phòng đủ tiện nghi trong một khách sạn di động.

Sau chuyến đi ấy, tôi có viết bài “Văn minh thật, văn minh giả” đăng trên một tờ báo điện tử. Trong bài viết, tôi có đặt ra một câu hỏi “Liệu hãng xe Văn Minh có thực hiện được văn minh như vậy mãi không hay như một số nơi khác, khai trương thì hay mà sau đó “đầu voi, đuôi chuột?”.

 Ước nguyện của những người trẻ ảnh 2 Nguyễn Đàm Văn - Chủ hãng xe Văn Minh

Bẵng đi một thời gian, tôi lại đi xe Văn Minh về quê. Rồi gần như thường xuyên, mỗi lần về quê vợ chồng tôi, rồi bạn bè đều ra bến Nước Ngầm mua vé xe Văn Minh. Tôi cảm thấy chất lượng xe giường nằm Văn Minh ngày càng được nâng cao. Thì ra, trong muôn vàn cái văn minh giả cũng có cái văn minh thật.

Mãi sau này, do một người quen giới thiệu, tôi gặp ông chủ của hãng xe Văn Minh, một người trẻ tuổi tên Nguyễn Đàm Văn, sinh năm 1976 ở vùng quê nghèo Nghệ An.

Trò chuyện mới biết doanh nhân trẻ Nguyễn Đàm Văn từng sống ở Đức 5 năm. Khi trở về Việt Nam, Nguyễn Đàm Văn đã mở hãng xe giường nằm lấy tên Văn Minh. Đàm Văn tâm sự, khi về Việt Nam điều mong muốn nhất là xây dựng một tuyến xe giường nằm thực sự văn minh. “Người ta cứ tưởng em mang tiền bạc kiếm được từ Đức về. 

Thật ra, khi thành lập công ty toàn bộ vốn đều đi vay ngân hàng. Cái mà em mang về là những kinh nghiệm quản lý, là văn hóa, nhất là văn hóa giao thông, điều mà ở Việt Nam còn rất yếu. 

Em muốn góp phần xây dựng văn hóa giao thông theo tiêu chuẩn các nước phát triển, theo nếp sống văn minh của người Đức, trước hết là ở quê mình, sau đó mở rộng ra nhiều nơi. Mục đích chính của em khi thành lập công ty không phải là để kiếm tiền bằng mọi cách, mà là muốn xây dựng một hãng xe văn minh thực sự, xây dựng văn hóa giao thông từ người lái xe, phục vụ đến hành khách đi xe…”.

Doanh nhân trẻ Nguyễn Đàm Văn nói, hiện nay đang chuẩn bị xin phép mở một trường dạy lái xe. Theo Nguyễn Đàm Văn lái xe là người quyết định sự an toàn trong hành trình, sự văn minh lịch thiệp, góp phần lớn vào việc hình thành văn hóa giao thông điều mà ở ta hiện nay còn yếu, hầu hết lái xe chỉ được học cách cầm vô lăng mà chưa được đào tạo toàn diện về văn hóa, về pháp luật, về đạo đức, về cách ứng xử hằng ngày…

Cuộc trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Đàm Văn làm tôi suy nghĩ rất nhiều về lớp người trẻ tuổi sinh ra và lớn lên sau năm 1975, khi nước nhà thống nhất. Một lớp trẻ có nghị lực, có văn hóa, có kiến thức, có khát vọng vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ đất nước, mong muốn đất nước sau khi giành độc lập, thống nhất phải tiến tới phồn vinh, tiến tới văn minh thực sự.

Trong một chuyến đi thăm khu du lịch nổi tiếng Trí Nguyên (Nha Trang - Khánh Hòa), tôi gặp một thanh niên có gương mặt rắn rỏi, tự tin. Trò chuyện mới biết đó là tổng giám đốc khách sạn Viễn Đông nổi tiếng, doanh nhân trẻ Trần Đình Thành. 

Trần Đình Thành sinh năm 1982, tốt nghiệp Đại học Thương mại ở Việt Nam rồi qua Mỹ tu nghiệp. Thành có hai người anh trai hiện đang làm việc ở Mỹ. Nhưng Trần Đình Thành về Việt Nam với tâm nguyện xây dựng một hệ thống các cơ sở du lịch thực sự hiện đại và văn minh tại một vùng biển đẹp Nha Trang (Khánh Hòa). 

Tình cờ, một lần vào Sài Gòn, đi viếng mộ một người bạn cùng học thời phổ thông tại Bình Dương, tôi gặp kỹ sư xây dựng trẻ tuổi Nguyễn Hoa Bằng. Hoa Bằng cầm lái đưa chúng tôi lên Bình Dương. 

Khi chúng tôi đang thắp hương trên phần mộ của người bạn quá cố thì Hoa Bằng nhận được điện thoại từ công ty. Một vụ việc khá nghiêm trọng: không biết ai đã mang xác một người bị giết đặt vào trong công ty nơi Hoa Bằng đang làm việc.

Tôi thấy kỹ sư trẻ Nguyễn Hoa Bằng qua điện thoại bình tĩnh xử lý vụ việc rất hợp tình, hợp lý. Tôi bỗng muốn tìm hiểu về người trẻ tuổi này.  

Thì ra, Hoa Bằng sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, bố mẹ đều là giáo viên. Hoa Bằng đã phải vật lộn với những khó khăn từ ngày đi học. Sau khi tốt nghiệp đại học xây dựng, kỹ sư trẻ Nguyễn Hoa Bằng đã trải qua nhiều công việc, ở nhiều nơi, từ miền Trung (Phú Yên), đến miền Tây (Kiên Giang), rồi ra đảo Phú Quốc, trở về Sài Gòn…

Nguyễn Hoa Bằng trở thành một cán bộ chủ chốt, có tín nhiệm cao ở Công ty CDM.

Làm việc hăng say, quên mình và không đòi hỏi điều gì cả, đó là tâm sự của Hoa Bằng, với mong muốn góp sức để môi trường thành phố Hồ Chí Minh luôn sạch đẹp, để tiến tới một đô thị lớn văn minh thực sự.
Từ hai bàn tay trắng, giờ Nguyễn Hoa Bằng đã có nhà xây, có xe ô tô tự lái đi làm hằng ngày.

Trong một cuộc họp, tôi ngồi cạnh một thanh niên có cái tên rất hay Lê Quang Tự Do. Tôi tò mò hỏi, thì được biết Lê Quang Tự Do là UV BCH, hiện phụ trách ban Tuyên giáo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. “Chú không biết cháu, nhưng chắc là biết bố cháu, bác ruột cháu”, Lê Quang Tự Do bảo tôi. Thì ra Lê Quang Tự Do là con trai GS Lê Quang Vịnh và là cháu ruột nhà tư tưởng đã quá cố Trần Trọng Tân. 

Sinh ra và lớn lên sau khi nước nhà thống nhất, Lê Quang Tự Do sau khi tốt nghiệp đại học trong nước cũng đã sang Mỹ tu nghiệp. Lê Quang Tự Do nói rằng, thế hệ sau năm 1975 nhiều người trẻ tuổi luôn có ý thức sâu sắc về sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh trong công cuộc đấu tranh vì độc lập, thống nhất đất nước. Và, điều mà thế hệ trẻ bây giờ đang gánh lấy trọng trách là làm sao cho đất nước mình có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ.

GS Lê Quang Vịnh, người tù Côn Đảo kiên cường, người suốt cuộc đời đấu tranh cho độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc chắc hẳn khi đặt tên con là Lê Quang Tự Do ông muốn gửi gắm ý nguyện của mình: sau khi độc lập, thống nhất, đất nước Việt Nam phải vươn tới sự phồn vinh, dân chủ, tự do như ý nguyện của cha anh, những người đã không tiếc máu xương của mình cho non sông trọn vẹn hôm nay.
Nhà vườn Sóc Sơn 2014

Tôi nghĩ đến những con người trẻ tuổi, những doanh nhân như Nguyễn Đàm Văn, Trần Đình Thành, những trí thức như Nguyễn Hoa Bằng, Lê Quang Tự Do…

Một lớp trẻ được đào tạo cơ bản, có ngoại ngữ, có kiến thức nhiều mặt, có văn hóa và điều cơ bản nhất là có nhiệt huyết và khát vọng vươn lên góp phần đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, với mong muốn xây dựng một cuộc sống văn minh thực sự trên Tổ quốc thân yêu của mình.

MỚI - NÓNG