Ươm mầm trên đỉnh Hải Vân

Ươm mầm trên đỉnh Hải Vân
TP - Nắng trưa thiêu đốt, trên đèo Hải Vân quanh co thấp thoáng xe xuôi ngược. Nhưng ít ai biết ở đó còn có những người cặm cụi ươm mầm xanh bạt ngàn  cho núi rừng.
Ươm mầm trên đỉnh Hải Vân ảnh 1
Hăng say ươm mầm xanh cho núi rừng Hải Vân

Để xe lại trạm kiểm lâm Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Bắc Hải Vân, theo chân kiểm lâm viên Phan Thanh Thắng, men theo con đường rừng dốc tên là Ba Tầng quanh co chẳng khác nào địa hình đường đèo Hải Vân thu nhỏ gần hai tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được nơi làm việc của nhóm trồng rừng.

Càng nhớ nhà, càng gắng

Phạm Thái Hưng, năm nay 25 tuổi, dân tộc Mường, quê ở Ngọc Lặc (Thanh Hóa) là người đầu tiên đến đây trồng rừng kể từ sau cơn bão tàn khốc Xangsane năm 2006. Nhà nghèo, phải bỏ học từ lớp 10 đi làm thuê kiếm sống đó đây, Hưng thấm cảnh không được học hành, không được đào tạo  một nghề cho chín. Năm 2006, cơn bão Xangsane quét qua, cả vùng miền Trung tan hoang với các công trình, nhà cửa, vườn tược. Khu rừng phòng hộ Bắc Hải Vân địa hình cao thoáng nên bị tàn phá nghiêm trọng.

Thương cánh rừng, lại nghĩ đây là lúc có thể lập nghiệp, Hưng quyết lặn lội tìm đến Ban Quản lý. Lúc đó, kiểm lâm Phan Thanh Thắng và anh em trong Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Bắc Hải Vân được giao nhiệm vụ phục hồi màu xanh cho núi rừng. “Tui tình cờ gặp Hưng trên đỉnh đèo, nghe cậu kể về hoàn cảnh gia đình và tâm sự muốn được gắn bó với rừng, tui bàn với Ban Quản lý nhận cậu ấy vào làm. Tui bảo Hưng về quê mời những người dân nghèo trong làng vào đây cùng trồng rừng”- Anh Thắng kể.

Vui vì tìm được việc làm không chỉ cho mình mà còn cho bà con dân bản, bạn bè, Hưng lên đường về quê gọi thêm 20 người vào trồng rừng. Ba năm trôi qua, những mầm xanh của keo, phi lao đang dần phục hồi trên núi rừng Hải Vân.

Công việc hằng ngày của Hưng và nhóm trồng rừng bắt đầu khi trời chưa hửng sáng. Rời lều trại dựng tạm, với con dao, cái cuốc, họ đào hố ươm mầm. Cánh rừng cứ rộng dần, dài hút về phía Tây.

Hôm nay, từ lều trại, chúng tôi theo chân các anh vượt gần ba cây số đến khoảnh đất trống mới. Bác Lê, 55 tuổi, một trong số ít người lớn tuổi ở đây, vừa bước chân thoăn thoắt vừa nói: “Ngày đầu trồng gần, càng ngày càng xa, nhưng không chuyển lều trại theo được vì càng sâu vào trong càng thiếu nước”.

Có những hôm mưa to, những người làm nghề khác thì cho là nhớp nháp bùn đất nhưng với chúng tôi thì đấy là niềm vui. Mưa thì trồng rừng đỡ mệt hơn, cây lại bén rễ nhanh hơn. Những ngày mưa là những ngày anh em trồng được nhiều nhất

Ngày nào cũng ba cùng với nhóm, kiểm lâm Thắng tâm sự: “Mới đầu, mọi người trồng chưa quen, tui phải cầm tay chỉ việc mà mỗi ngày một người cũng chỉ trồng được 70 - 80 cây. Bây giờ ai cũng trồng nhanh và đẹp lối, mỗi ngày một người trồng được hơn 200 cây”.

Trời mùa hè nóng như đổ lửa, mồ hôi dính chặt vào lưng áo những người trồng rừng. Từng cây xanh vẫn được ươm vào lòng đất mang theo bao hy vọng. “Trồng cây không hề đơn giản, phải cẩn thận, truyền cả tình cảm của mình vào từng mầm xanh thì mới hy vọng cây tươi tốt. Đất núi rừng càng khó trồng hơn, có những cây mới trồng hôm nay, ngày mai héo teo, phải trồng lại” – Hưng kể.

Lương 45.000 đồng/ngày đối với những người vốn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ở miền quê nghèo đủ để họ gửi về cùng gia đình trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, Lê Thị Vân, 35 tuổi, vui vẻ: “Tôi vào đây từ đầu năm 2008, chỉ dịp Tết mới về. Nhớ gia đình, nhớ làng xóm, càng nhớ thì càng phải gắng làm. Làm để có tiền gửi về cho con cái ăn học. Làm để núi rừng nơi đây xanh tốt, bạt ngàn”.

Xa rừng, sẽ nhớ lắm

Hơn 11 giờ trưa, phía xa thấp thoáng hai phụ nữ đang gánh cơm lên nơi làm việc. Để chuẩn bị bữa cơm cho mọi người, kiểm lâm Thắng nhờ mua thức ăn từ thị trấn Lăng Cô đem vào, rồi cử hai chị ở lại lều trại chuyên lo việc nấu ăn, đến giờ gánh lên.

“Nấu xong rồi gánh cơm và thức ăn cả ba cây số đường núi cũng mệt lắm. Nhưng ở đây là thế, làm mãi rồi quen” - Chị Thu nói.

Chén cơm giữa rừng được mọi người ăn vội vã. Những gương mặt đen sạm càng hiện rõ khi họ ngồi ăn cơm bên nhau. Ă n xong, dành ít phút nghỉ trưa dưới bóng cây rồi lại tiếp tục công việc buổi chiều cho đến tối.

Trong khoảng không gian mập mờ nơi núi rừng, mọi người thay nhau tắm rửa, giặt giũ bên dòng suối. Phan Văn Đạt, 15 tuổi, gầy gò, đen nhẻm, nhỏ tuổi nhất ở đây. Giặt áo bên bờ suối, Đạt nói: “Đều là mấy bộ em mặc đi chăn trâu từ hồi ở nhà. Mặc nhiều nên nó rách tả tơi rồi. Em cố gắng làm việc để gửi tiền về cho cha mẹ. Về quê sẽ mua quần áo mới”.

Giữa nơi núi rừng, ngày nắng đốt, đêm sương phủ đầy, ốm đau với họ là điều đáng sợ nhất. Ngô Thị Thủy còn nhớ như in vào mùa hè năm ngoái, do dầm mưa trồng rừng nên bị cảm nặng. Không có thuốc, mọi người phải quấn quanh người Thủy bằng cái chăn mỏng mà toàn thân Thủy cứ run bần bật. Mãi trưa hôm sau, hai người trong nhóm bắt tàu ra Lăng Cô mới mua được thuốc.

Còn Nhân trong một lần đi trồng rừng không may cuốc vào chân, máu chảy ướt đất, mọi người phải cõng mấy cây số về lều trại, hơn một tuần mới khỏi.

Tối đến, Lê Thị Thắm cầm quyển sổ ra viết vài dòng nhật ký. Mấy lá thư kẹp trong sổ mà chưa có dịp gửi. Khi hỏi lo điều gì nhất, Thắm chợt nhìn vào xa xăm: “Xa rừng, sẽ nhớ lắm”. 

MỚI - NÓNG