Vẫn “lãng phí” đối tượng thanh niên xuất ngũ?

Vẫn “lãng phí” đối tượng thanh niên xuất ngũ?
Tiến - một người lính quê Phú Thọ đã hết hạn nghĩa vụ quân sự, khoác ba lô trở về địa phương đã hai năm nay, hiện vẫn chưa tìm được việc làm ổn định.
Vẫn “lãng phí” đối tượng thanh niên xuất ngũ? ảnh 1
Sẽ không còn những TNXN bị thất nghiệp?

Chiếc áo bộ đội bạc phếch đã theo Tiến suốt thời gian qua. Anh đi làm “cửu vạn” ở Hà Nội, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Có sức khỏe, lại thật thà, chỉn chu, tuy nghề “cửu” vất vả nhưng hàng tháng anh gắng gửi về cho bố mẹ một triệu đồng.

Dĩ nhiên, Tiến chẳng “yêu nghề” chút nào, anh đang mong tích cóp được chút đỉnh sẽ đi học đại học tại chức hoặc đi lao động nước ngoài…

Câu chuyện của chàng thanh niên xuất ngũ (TNXN) bên lề Hội nghị sơ kết hai năm phối hợp hoạt động giữa QK2 với Đoàn TN các tỉnh trên địa bàn mới đây tổ chức ở Hà Giang, đã khiến nhiều đại biểu quan tâm, trăn trở.

Đóng góp tham luận, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của TNXN, coi họ là đối tượng quan trọng nếu bố trí làm cán bộ nòng cốt tại các vùng nông thôn, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa.

Theo đánh giá của Ban Thanh niên Quân đội, TNXN có những phẩm chất mang tính bền vững cao về kỷ luật, tác phong, lối sống, sức khoẻ, trình độ văn hóa…

Nhưng hiện nay, nhiều TNXN đang bị “lãng phí”, chưa được quan tâm bồi dưỡng, tạo điều kiện để họ trở thành cán bộ trong cấp ủy, chính quyền cấp xã sau khi họ trở về địa phương.

Một số địa phương như Lai Châu, Hà Giang, Sơn La…, với đặc thù của vùng núi, chủ yếu là đồng bào thiểu số sinh sống, thì TNXN hầu như được chú trọng xem xét về vấn đề này.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Trần Bắc khẳng định, nhiều năm qua hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đang do thanh niên xuất ngũ đảm nhận trọng trách trong cấp uỷ, chính quyền, Đoàn, Hội….

Lực lượng này hiện đang rất thành công trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng, và là lực lượng dự bị động viên luôn ở tư thế sẵn sàng khi có lệnh.

Ngay khi tuyển quân, tỉnh Hà Giang đã lên kế hoạch tuyển chọn kỹ đối tượng ở các bản làng vùng xa người thiểu số, xếp họ vào “lộ trình” đào tạo văn hóa, chuyên môn, chính trị, để sau này ngay sau khi rời quân ngũ, họ đã có thể đảm nhận nhiệm vụ mới. Nhưng ông Bắc cũng thừa nhận đối tượng này còn hạn chế, vì Hà Giang hiện vẫn mỏng “quỹ” đối tượng TNXN.

Trưởng ban Công tác TN QK2 cũng cho biết, Đảng ủy Quân khu đã coi trọng việc này từ lâu. Tất cả thanh niên nhập ngũ đều được học lớp sỹ quan dự bị, được giáo dục lý luận, đào tạo quản lý, chuyên môn để sẵn sàng về với địa bàn xã sau xuất ngũ. Hiện 60% TNXN là người thiểu số đang đảm nhận tốt công tác tại hậu phương.

Nhưng Ban Công tác TN của Quân khu cũng thừa nhận, tại các địa bàn đồng bằng, thì nhiều TNXN vẫn bị “lãng phí”. Cấp xã ở vùng đồng bằng, tiêu chí làm cán bộ xã phải có trình độ cao đẳng trở lên, và người lính thường không thuộc diện này.

Hơn nữa, trung bình mỗi xã có 15 người lính trở về hàng năm, thì không thể cơ cấu hết vào cán bộ xã, buộc họ phải tự tìm kiếm nghề nghiệp việc làm ổn định cuộc sống.

Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động quân dự bị động viên khi cần đến họ, vì khá nhiều người phải đi làm ăn ở xa. Trường hợp như anh Tiến ở trên là một ví dụ.

Như vậy, bài toán lại trở về vấn đề… “nóng” muôn thuở, đó là giải quyết nghề nghiệp cho TNXN. Và để họ gắn với địa phương, thì đào tạo nghề trong và sau xuất ngũ đối với người lính nghĩa vụ, phải gần gũi, thực tế hơn nữa.

Tức là, họ phải có một nghề chắc chắn, phát huy được ngay tại địa phương để họ không bỏ quê đi kiếm sống ở xa. Hai năm qua, ví dụ địa bàn QK2, đăng ký cho hơn 130.000 TNXN vào lực lượng dự bị động viên, mới tổ chức dạy nghề cho được hơn 5.500 TNXN, giới thiệu việc làm cho gần 4.000 TNXN. Như vậy, số TNXN có việc làm ổn định vẫn chiếm lượng khá nhỏ.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.