Vào 'lò' quái vật độc nhất Sài Gòn

Nhóm CineMagic đang hoàn thiện một “em” khủng long khổng lồ
Nhóm CineMagic đang hoàn thiện một “em” khủng long khổng lồ
TP - Những con quái thú khổng lồ tưởng chừng như chỉ có trong các bộ phim của Hollywood, nay bỗng “sống” dậy, đi lại, “nói” được... Đó chính là sản phẩm do nhóm bạn trẻ CineMagic làm ra với niềm đam mê “biến cái không thể thành có thể”.

Nếu ai đã từng xem phim “Kong - Đảo đầu lâu” chắc hẳn khó quên hình tượng King Kong (Chúa tể loài khỉ). Nhưng bạn có tưởng tượng một ngày nào đó được “sờ tận tay”, quan sát từng sợi lông, từng nếp da của Chúa khỉ? Điều đó hoàn toàn có thật, bởi nhân vật huyền thoại này đã được CineMagic xuất xưởng.

Xưởng nhỏ, ước mơ lớn

Đón chúng tôi tại “lò” chế tác mô hình quái vật ở quận 9 là một con khủng long có vây, sừng và còn biết cử động. Cạnh đó, một quái vật khác hình người phủ lớp da đen bóng, dùng 2 tay đấm vào ngực thị uy sức mạnh. Chưa hết, con sâu khổng lồ đầy gai từ thời tiền sử bỗng sống dậy ngọ nguậy, “khoe” những chiếc nanh dài, sắc nhọn. Tất cả như đưa người xem quay ngược về thời cổ đại, khi chưa có nền văn minh của loài người.

Cầm chiếc mặt của một nhân vật người cá đang trong giai đoạn hoàn thành, anh Trần Duy Cường (35 tuổi), giám đốc quản lý dự án cho biết, để tạo hình cho từng nhân vật, nhóm phác thảo ra giấy tỉ mỉ đến từng chi tiết. Như với khuôn mặt người thì phải có phần hồn từ ánh mắt, cái nhíu mày; còn với khủng long thì phần da phải rõ từng chiếc vảy… Sau khi hoàn thành bản vẽ, nhân viên sẽ đổ khuôn, dùng đất sáp để tạo hình, ốp khuôn bằng nhựa và đổ silicon. Nói thì đơn giản vậy, nhưng để làm ra một sản phẩm thì cũng phải mất gần nửa tháng. “Tất cả các khâu đều quan trọng như nhau, chỉ cần một mắt xích nào đó gặp trục trặc thì khó lòng cho ra đời một sản phẩm hoàn thiện. Mọi quy trình, tụi mình học trên mạng và tự nghiên cứu”, anh Cường nói.

Tạo hình nhân vật giả tưởng vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Theo các thành viên CineMagic, “kinh dị” chỉ là một cách gọi chung để dễ hình dung, còn sản phẩm của nhóm rất đa dạng, từ các nhân vật trong phim ảnh, truyện tranh cho đến robot, khủng long hay các con vật được sáng tạo từ trí tưởng tượng. Dẫu vậy, hơi hướng kinh dị được nhóm chú trọng hơn, vì đó là sở thích chung của các thành viên. Yếu tố này còn gây ấn tượng mạnh, thu hút người xem. Sản phẩm của CineMagic luôn hướng đến yếu tố dị biệt, hoành tráng và tinh xảo.

Hằng ngày, các bạn trẻ say sưa tạo tác lên các tác phẩm kinh điển, tha hồ sáng tạo, thổi sức sống vào những mô hình tưởng chừng vô tri vô giác. Cảm giác rùng rợn, sợ hãi đi kèm với sự ngạc nhiên, thích thú sẽ là những cung bậc cảm xúc đối với người được chiêm ngưỡng những tác phẩm này. Xưởng mặc dù nhỏ nhưng chứa đựng ước mơ lớn của các bạn trẻ muốn đưa sản phẩm của mình lên phim ảnh Việt Nam và để cả thế giới biết đến.

Dự án của những gã “gàn”

CineMagic được thai nghén từ lâu, nhưng mới chào sân hồi năm 2016. Đa số thành viên chủ chốt lại là dân tay ngang. Chính niềm đam mê nghệ thuật mãnh liệt là sợi dây gắn kết những chàng trai trẻ với nhau. Đầu tàu của CineMagic là họa sĩ Phan Vũ Linh (44 tuổi).

“Lúc đầu, tôi lập nhóm gồm những người bạn có cùng đam mê nhân vật giả tưởng, yêu thích phim ảnh. Tụi mình nhận làm những nhân vật theo đặt hàng của các bộ phim, hóa trang, chế mặt nạ, vũ khí… Sau đó, có đơn vị yêu cầu làm mô hình robot gắn đèn LED để biểu diễn trong sự kiện. Lần đó làm con robot cao tới 2,5 mét. Dần dần, nhiều công viên, khu giải trí cũng tìm đến nhóm để làm các nhân vật “khủng” như khủng long, voi, tê giác… Hiện nhóm đã thực hiện được rất nhiều dự án trên khắp cả nước như phim trường ma ở Đà Lạt, Chí Linh (Vũng Tàu), Bửu Long (Đồng Nai)…” - họa sĩ Vũ Linh nói.

Vy Ngọc Tài (32 tuổi) đang có công việc ổn định ở nước ngoài, đùng một cái phát hiện mắc ung thư. Thế là anh quyết định về nước, thực hiện giấc mơ của đời mình: Mở xưởng làm mô hình nhân vật giả tưởng. Rất nhiều khó khăn, trục trặc từ khâu tìm nguyên liệu, lên mẫu thiết kế, tìm nhà đầu tư, mô hình làm xong không hoạt động được; chưa kể thị trường không rộng mở… Nhiều lúc tưởng chừng dự án đi vào ngõ cụt. Để duy trì, các thành viên gom góp được gần 500 triệu đồng mua nguyên liệu từ nước ngoài, lên mạng mày mò học lắp ghép, cơ cấu hoạt động… Mất cả năm trời chật vật, cuối cùng, thành phẩm không phụ lòng người khi ra mắt công chúng, những tín hiệu tích cực được phản hồi; đối tác đặt hàng đơn hàng lớn. “Lúc đó, ai cũng vỡ òa trong niềm vui, vì biết mình đã sống được cùng ước mơ” - Tài nhớ lại.

Duy Cường vốn cũng chẳng liên quan gì đến nghề tạo hình, bởi anh xuất thân là một nhân viên ngân hàng. Anh bảo, khi bạn bè biết chuyện anh nghỉ việc, góp sạch vốn cho dự án mà có thể “chẳng biết ra sao ngày sau”, ai cũng phản đối. “Không ai hiểu mình bằng chính mình. Thời gian đầu rất vất vả, khó khăn chồng chất. Chúng tôi duy trì được đến hôm nay chính nhờ niềm tin. Chúng tôi tin mình sẽ làm được thành công, tiên phong góp phần đưa một loại hình nghệ thuật mới, đầy sáng tạo đến cho các bạn trẻ”.

Hiện, nhóm đang ấp ủ làm những dự án lớn hơn, ứng dụng vào thực tế. Đó là làm tay chân giả cử động được. Lý do là tay chân giả đa số nhập từ nước ngoài, sản xuất theo kích cỡ chung. Về Việt Nam, có người phù hợp, người không. Nay, nếu sản xuất tại chỗ theo số đo mỗi người, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo được những bộ phận mang tính thẩm mỹ dành cho bệnh nhân.

CineMagic cũng là nhóm đang có nhiều hoạt động kêu gọi cộng đồng bảo vệ động vật, cụ thể như mô hình tê giác, voi, tê tê… bị cưa sừng, lấy vảy với ánh mắt đầy van lơn, đau đớn trước nạn săn bắn. “Chúng tôi còn muốn làm nhiều lắm. Tất cả đang được triển khai” - họa sĩ Vũ Linh nói.  

MỚI - NÓNG