Về Bom Bo anh hùng

Về Bom Bo anh hùng
TP - Đoàn cơ sở A30 - Tổng Cục An ninh (TCAN) tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc cho bà con dân tộc xã Bom Bo, huyện Bù Đăng (Bình Phước).

Đoàn công tác, với các thành viên chủ chốt là y, bác sĩ, điều dưỡng của Đoàn cơ sở Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an), do Đại úy Lâm Quang Khải - Phó Bí thư, phụ trách. Lần này về xã Bom Bo, đoàn công tác mang theo 400 cơ số thuốc. Tham gia đoàn công tác còn có khoảng 40 thành viên gồm những thanh niên ưu tú từ các cục nghiệp vụ của TCAN phía Nam.

Chúng tôi khởi hành từ sớm để kịp có mặt ở Bom Bo ngay đầu giờ chiều triển khai công việc.

Về Bom Bo anh hùng ảnh 1 Chúng tôi tiếp tục có những chuyến đi như thế vì qua những chuyến đi thế này đoàn viên mới có được những bài học thực tế thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là quân với dân như cá với nướcVề Bom Bo anh hùng ảnh 2 - Đại úy Đỗ Minh Kim – Cục Tham mưu, Tổng cục An ninh, kiêm Bí thư Đoàn A30

Từ ngã ba xã Minh Hưng vào Bom Bo chừng 12km là gặp chợ trung tâm. Nơi đây xưa kia là căn cứ cách mạng Nửa Lon – nơi vang tiếng chày giã gạo sóc Bom Bo trong bài hát của cố nhạc sĩ Xuân Hồng.

Từ một sóc nhỏ thuộc xã Đắk Nhau, với vài chục nóc nhà của các gia đình đồng bào người S’tiêng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân Bom Bo đã không quản ngại gian khó, ngày đêm tiếp tế lương thực, vũ khí phục vụ các chiến trường.

Năm 1997, xã Bom Bo được thành lập, là một trong những xã nghèo của cả nước.

Về Bom Bo hôm nay không còn thấy lấm lem bụi đất với cảnh leo đèo vượt suối như chục năm về trước.

Đoạn đường dài 12 km được trải nhựa do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ đã làm thay đổi bộ mặt của xã và đây là nhịp cầu nối liền Bom Bo với trung tâm huyện lỵ và các xã trong vùng. Xe buýt cao cấp, có máy lạnh chở khách địa phương cùng khách du lịch đã về đến nơi này.

Cũng từ khi có đường giao thông thuận lợi, dân cư từ các vùng, miền trong cả nước từ các dân tộc Kinh, Dao, Tày, Nùng... hội tụ về đây lập nghiệp đã tạo cho Bom Bo thêm những diện mạo mới với những bản sắc văn hóa độc đáo lồng trong khu thị tứ.

Những mảnh đời cơ cực

Hay tin có đoàn đến khám phát thuốc, chữa bệnh, bà con đã đến rất đông tại trụ sở UBND xã Bom Bo. Một cụ bà lưng còng tay chống gậy được Trung úy Dương Mạnh Hùng – Phòng Cảnh sát Môi trường Tỉnh Bình Phước dìu đến. Bà tên Nguyễn Thị Mùi (67 tuổi), ở thôn 9 của xã. Hay tin có đoàn khám chữa bệnh bà giục đứa cháu chở đến đây. 

Ngoài cổng trụ sở UBND xã, một người đàn ông đang chống gậy, dáng đi xiêu vẹo vì chỉ còn một chân. Ông tên Bán Phúc Bảo (67 tuổi), bị thoái hóa cột sống.

Ông Bảo chỉ vào cái chân bị mất và nói, nó đã để lại ở chiến trường bên Lào. Năm 2005, ông cùng vợ vào định cư tại xã Bom Bo cùng các con (trong đó có đứa bị bệnh  tâm thần phân liệt) và cuộc sống của ông phải nhờ chính quyền bà con xã cưu mang.

Về Bom Bo anh hùng ảnh 3

Bà Thị Mai với đứa cháu ngoại trên tay nghe tham vấn của bác sĩ. Ảnh: Hữu Vinh

Trong số những bà con dân tộc đến khám bệnh, có bà Thị Mai (61 tuổi), người S’tiêng, địu trước ngực đứa trẻ nhỏ với cái đầu to hơn bình thường. Đầu đứa bé thì cứ gục gặc, mắt lờ đờ.

Bà Mai nói: “Đây là cháu ngoại. Tao không biết nó bệnh gì, cứ như ma ám…Tội nó lắm, nó sống với mẹ nhưng mẹ nó không có chồng. Nhà còn hai ông bà già nữa. Không có tiền đưa nó đi khám. Nghe nói có bác sĩ về đây, mừng quá”.

Mang theo chuyến đi đến xã Bom Bo còn có cả những phần quà cho những học sinh phổ thông chuẩn bị cho dịp khai trường. Phạm Văn Long (chín tuổi), học sinh lớp 4, trường Bom Bo, cầm món quà nhỏ trên tay sà vào lòng người dì ruột Phạm Thị Liên reo: “Dì không cần tốn tiền mua vở học cho con nữa rồi”.

Bà Liên kể cho tôi nghe câu chuyện về gia đình thằng bé. Mẹ của Long mang bầu em được hai tháng thì ba bỏ bà cùng hai chị đi biệt. Bà Liên phải cưu mang chúng, ngoài Long, hai chị của nó cũng đã học đến lớp 6 và lớp 9.

“Với mức thu nhập ở một xã nghèo vùng sâu thế này, không biết tôi còn nuôi nổi cho chúng nó ăn học đàng hoàng đến ngày lớn khôn thành người không nữa…” – Bà Liên nói.        

MỚI - NÓNG