Về bức thư đầu tiên và cuối cùng Bác Hồ viết cho thanh niên

Về bức thư đầu tiên và cuối cùng Bác Hồ viết cho thanh niên
TP- Chính nhà sử học Văn Tùng cũng không thể ngờ rằng bức thư mà Bác Hồ viết bằng tiếng Pháp khi lâm trọng bệnh gửi Liên đoàn thanh niên-sinh viên thế giới vào tháng 8 năm 1969 lại là những dòng cuối cùng Bác nhắn gửi thanh niên... 

Cả bức thư đầu tiên và bức thư cuối cùng Bác Hồ viết cho thanh niên đang ở truớc mặt tôi và nhà sử học Văn Tùng.

Ở tuổi 75 sau gần 40 năm nghiên cứu về Bác Hồ, về công tác thanh niên, với cả chục đầu sách dày dặn đã xuất bản nhưng ông vẫn tự nhận là “chưa nghiên cứu được nhiều về Bác”.

Phải thức tỉnh thanh niên trước!

Vào những năm đầu của thế kỷ 20 khi nhiều nhà yêu nước vẫn đang bế tắc khi tìm lối đi cho cách mạng Việt Nam, đồng bào rên xiết dưới gông cùm nô lệ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã tạo được tiếng vang lớn khi viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, vạch trần bộ mặt thật xấu xa bỉ ổi của chủ nghĩa thực dân tại nhiều diễn đàn quốc tế lớn.

Cũng vào giai đoạn này, năm 1925, Nguyễn Ái Quốc cũng đã viết “Thư gửi thanh niên Việt Nam” bằng tiếng Pháp. Bức thư đầu tiên này Nguyễn Ái Quốc cho in kèm vào 2 trang cuối cùng của tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và chuyển về Việt Nam qua con đường bí mật.

Điều đầu tiên trong thư Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh đến tình cảnh nô lệ lầm than thống khổ của nhân dân Việt Nam dưới ách cai trị của thực dân Pháp và tay sai.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng thông tin về những chuyển biến của tình hình quốc tế, sự vùng lên của nhân dân tại nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc để giành lấy tự do, phá bỏ áp bức bóc lột.

Nói với thanh niên Việt Nam trong nước, Nguyễn Ái Quốc phân tích rõ những thế mạnh của Việt Nam về tài nguyên, về những con người cần cù khéo léo đồng thời chỉ ra nhiều yếu kém của thanh niên. “Thế thì thanh niên của ta đang làm gì? Nói ra thì buồn, buồn lắm. Họ không làm gì cả.

Những thanh niên không có phương tiện thì không dám rời quê nhà; những thanh niên có phương tiện thì lại chìm ngập trong sự biếng nhác; còn những kẻ đã xuất dương thì chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn tính tò mò của tuổi trẻ mà thôi.

Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên sớm già cỗi, Người không sớm hồi sinh”-Nguyễn Ái Quốc viết.

Theo nhà nghiên cứu Văn Tùng, do thư được viết bằng tiếng Pháp và chuyển về theo con đường không công khai nên thực ra khi đó bức thư mới chỉ đến được với những thanh niên tiên tiến có tri thức và văn hóa. Nhiều thanh niên trí thức Sài Gòn đã sớm chuyền tay nhau bức thư này.

Về bức thư đầu tiên và cuối cùng Bác Hồ viết cho thanh niên ảnh 1

Chị Phạm Thị Quyên (vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi  - thứ ba từ trái qua) và các đại biểu thanh niên quốc tế tại Henxinky năm 1969. Ảnh tư liệu (Tuấn Minh chụp lại)

Trong quá trình nghiên cứu sau này, ông Văn Tùng cũng đã được tiếp cận với bức thư này tại Cục lưu trữ của T.Ư Đảng cộng sản Liên Xô.

Và bức thư cuối cùng...

Để chuẩn bị cho đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đi dự cuộc gặp gỡ do Liên đoàn thanh niên-sinh viên thế giới tổ chức tại Henxinky (Phần Lan), ông Văn Tùng được cử đến gặp ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác, để báo cáo về cuộc gặp của thanh niên và sinh viên thế giới diễn ra tại Henxinky (mà thực chất là một cuộc biểu dương lực lượng của thanh niên tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân Việt Nam đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược) và đề đạt nguyện vọng của T.Ư Đoàn muốn xin Bác một bức thư gửi đến các đại biểu quốc tế dự gặp mặt.

Vào ngày 10/8/1969, ông Văn Tùng đến gặp ông Vũ Kỳ nhưng ông Vũ Kỳ cho biết là Bác rất mệt. Ông Văn Tùng quay về và báo cáo lại với Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ Quang. T.Ư Đoàn vẫn tha thiết đề nghị Bác viết một bức thư.

Vài ngày sau, ông Văn Tùng trở lại gặp ông Vũ Kỳ. Ông Vũ Kỳ không khẳng định ngay mà chỉ nói là sẽ báo cáo lại với Bác. Sau đó chừng 1 tuần, ngay sát ngày đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam lên đường đi Phần Lan, T.Ư Đoàn nhận được điện lên nhận thư của Bác.

Bức thư được ông Vũ Kỳ trao lại cho ông Văn Tùng dài chừng 1 trang giấy đánh máy viết bằng tiếng Pháp, ở dưới có chữ ký của Bác: “Hồ Chí Minh”.

Cho mãi đến sau này, ông Vũ Kỳ mới kể lại chuyện Bác Hồ viết bức thư đó ngay trên giường bệnh vì Bác đánh giá cao tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ thanh niên-sinh viên thế giới tại Phần Lan. Viết xong, Bác yêu cầu ông Vũ Kỳ chuyển qua cho đồng chí Phạm Văn Đồng xem lại.

Đến Phần Lan, ông Văn Tùng và đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam hết sức xúc động trước tình cảm nồng nhiệt của thanh niên và sinh viên thế giới dành cho Việt Nam khi nhìn thấy dòng chữ lớn in ở nhiều nơi: “Vì thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam”! Và đây cũng chính là tên gọi của cuộc gặp mặt thanh niên quốc tế lần này.

Sự ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần ủng hộ cuộc đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân Việt Nam lên đến cao trào khi đồng chí Chủ tịch Liên đoàn thanh niên-sinh viên thế giới đọc thư của Bác trước hơn 5.000 đại biểu quốc tế.

Cả ngàn người hết lặng đi rồi lại hô vang nhiều lần “Hồ Chí Minh”! Bức thư chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 trang giấy nhỏ mà được đọc trong hơn 1 giờ đồng hồ mới kết thúc!

Ngay sau đó, bức thư đã được in nguyên văn  trang trọng trên bản tin số đặc biệt của Liên đoàn thanh niên-sinh viên thế giới kèm với ảnh Bác Hồ. Trong thư Bác viết:

Cuộc gặp mặt của các bạn là một cuộc biểu dương ý chí cao đẹp của thế hệ trẻ để thực hiện những ý tưởng tốt đẹp là tự do, độc lập dân tộc và hòa bình. Đó là nguồn cổ vũ lớn lao cho nhân dân chúng tôi trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đó là một sự đóng góp quý báu cho những thắng lợi của nhân dân chúng tôi và rất quan trọng trong thời điểm mà chính quyền Nich-xon đang dấn sâu vào con đường chiến tranh xâm lược và ủng hộ chính quyền bù nhìn ở Sài Gòn đang gia tăng tội ác chống lại nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng...”.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.