Nhân ngày truyền thống của Bộ đội Hóa học (19/4/1958 – 19/4/2009):

Về những nơi xưa ấy

Về những nơi xưa ấy
TP - Chúng tôi trở lại chiến trường Trị – Thiên, nơi mấy chục năm trước tuổi trẻ của chúng tôi, những chiến sĩ hóa học sát cánh cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, chiến đấu, giữ vững địa bàn chiến trường có tầm quan trọng đặc biệt.

Trong hành trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành hơn 50 năm của Binh chủng Hóa học, quãng thời gian từ 1968 đến 1972 ghi nhiều dấu ấn đậm nét của cán bộ, chiến sĩ hóa học nói chung, của tuổi trẻ bộ đội hóa học nói riêng trên mảnh đất này, từ chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh (1968) đến chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (1971) và chiến dịch Quảng Trị (1972).

Xe qua Đồng Hới, Quảng Bình có bến sông Nhật Lệ, qua Bến Hải, Hiền Lương, Cửa Tùng… Con sông hiền hòa này chứng kiến hàng chục trận đọ sức quyết liệt đầy mưu trí và sáng tạo của các phân đội màn khói của bộ đội hóa học với địch ở căn cứ Dốc Miều, Cồn Tiên, phía nam sông Bến Hải, và với hạm tầu của địch ở ngoài khơi.

Qua Dốc Miều, Cồn Tiên, tới Đông Hà, theo đường 9, chúng tôi ngược lên Khe Sanh, Lao Bảo. Sân bay Tà Cơn, căn cứ Làng Vây nằm sát đường số 9.

Tại đây, đầu năm 1968, ta mở một chiến dịch, đánh vào hệ thống căn cứ Mỹ ngụy trên đường 9 mà chủ yếu là các căn cứ địch tại Khe Sanh. Trong chiến dịch này, nhiều đơn vị, nhiều binh chủng, trong đó có bộ đội hóa học, hiệp đồng chiến đấu thắng lợi…

Chúng tôi dừng lại ở Làng Vây, trận đánh đêm 7/2/1968 như còn đó. Đại tá Trần Đức Quảng sau này là tham mưu phó Binh chủng Hóa học là người trực tiếp đánh trận Làng Vây.

Đêm đó, khi đồng đội bị ùn tắc trước cửa mở, trung đội trưởng Trần Đức Quảng băng vào và với lựu đạn, thủ pháo tiêu diệt hỏa điểm địch, phá toang cửa mở để bộ đội tràn vào căn cứ tiêu diệt địch. Trong trận này, phân đội phun lửa tiêu diệt nhiều hỏa điểm, đặc biệt là lô cốt, hầm ngầm, những mục tiêu mà hỏa lực khác khó tiêu diệt.

Sau chiến dịch, phân đội được tặng thưởng huân chương chiến công giải phóng hạng nhì. Các đoàn viên Long, Nhữ, Đỉnh cùng nhiều đoàn viên khác được tặng thưởng huân chương và danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Nhưng cũng rất nhiều đồng đội của anh nằm lại mãi mãi với Làng Vây…

Trên đoạn đường 9 từ Lao Bảo đến Bản Đông, ngày 18/3/1971, phân đội phun lửa do đồng chí Hoàng Văn Vẻ phụ trách chiến đấu dũng cảm, bắn cháy bốn xe M113, tiêu diệt 57 tên địch. Sau này anh được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Vào thăm bảo tàng thành cổ, trong hình ảnh còn lại của chiến tranh, chúng tôi thấy, trên vai chiến sĩ, bên cạnh súng, đạn, bi đông, còn có một túi mặt nạ phòng độc. Thứ khí tài này không thể thiếu được trong cuộc chiến lúc đó để hạn chế tác hại của chất độc do địch sử dụng liên tục với cường độ chưa từng thấy… để đưa được những túi khí tài nhỏ bé đó đến được tay chiến sĩ, bao đồng đội của chúng tôi đã vượt hàng ngàn kilômét, qua bao trọng điểm địch đánh phá ác liệt, nhiều khi phải đổi bằng máu mới có được.

Thành cổ cũng như dòng sông Thạch Hãn bên kia, tôi nhớ một đoạn thơ của ai đó: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ, đáy nước dòng sông bạn tôi nằm, có tuổi đôi mươi thành sóng nước, vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”.

Nguyễn Thành Hữu
Nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 901,
Cục Hóa học, Bộ tổng Tham mưu
(C48, số 1, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội)

MỚI - NÓNG