Về nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm thơ tặng thanh niên xung phong

Về nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm thơ tặng thanh niên xung phong
TP - Vào một sáng tháng 3, chúng tôi hành hương về di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh làm thơ tặng thanh niên xung phong (TNXP), ở xóm Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.
Về nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm thơ tặng thanh niên xung phong ảnh 1

Bia di tích nơi Bác Hồ làm thơ tặng thanh niên xung phong ở Nà Tu - Ảnh: Phan Mạnh

60 năm trước, thực hiện đường lối toàn dân, toàn diện, “Trường Kỳ Kháng Chiến, Nhất Định Thắng Lợi”, nhân dân ta làm vườn không, nhà trống, tự tay phá cầu, đường không cho quân Pháp lợi dụng ưu thế mở rộng xâm lược ra các tỉnh.

Trên tuyến quốc lộ 3, ta phá sập cầu Đa Phúc bắc qua sông Công, nhiều đoạn đường bị đào thành hào, hình chữ chi, đắp chướng ngại vật, ngăn chặn quân Pháp đánh lên căn cứ địa Việt Bắc.

Từ đầu tháng 5/1947, Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên An toàn khu (ATK) Định Hóa lãnh đạo cuộc kháng chiến. Sau khi quân Pháp mở cuộc tấn công lên Việt Bắc (Thu - Đông 1947), và bị thất bại nặng nề, việc “tiêu thổ kháng chiến” trên quốc lộ 3 được đẩy mạnh, làm tê liệt giao thông địch.

Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới, quốc lộ 3, đoạn ngã ba Bờ Đậu từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn được khôi phục để phục vụ chiến dịch.

Nà Tu, nơi Bác Hồ làm thơ tặng TNXP

Đội TNXP thuộc Trung ương Đoàn được thành lập tại xã Yên Lãng, Đại Từ, Thái Nguyên (15/7/1950), phục vụ chiến trường. Chiến dịch Biên giới nổ ra từ 16/9 đến 14/10/1950 ta giành thắng lợi, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc.

Máy bay Pháp đánh phá ác liệt hòng cắt đứt tuyến vận tải bằng ô tô trên quốc lộ 3 từ ngã ba Bờ Đậu lên thị xã Bắc Kạn. Phân độ TNXP 312 bảo vệ cầu Nà Cù từ thị xã Bắc Kạn đi Cao Bằng.

Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, ngày 19/3/1951, từ ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kiểm tra việc sửa chữa cầu đường từ Thái Nguyên đi Cao Bằng, thăm TNXP, các đơn vị vận tải và kho tàng dọc tuyến quốc lộ 3.

Cầu Nà Cù là trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch. Các chiến sỹ TNXP dùng cuốc, xẻng, xà beng, búa tạ, quang sọt, cây gỗ, tre vật lộn với nước lũ, giá rét, muỗi, vắt, bom đạn để giữ cầu, sửa đường cho ô tô vận chuyển hàng hóa ngược xuôi căn cứ địa Việt Bắc. Đời sống của các chiến sỹ TNXP rất khó khăn, gian khổ.

Chiều hôm đó (30/3/1951), phân đội TNXP 312 bám trụ bảo vệ cầu Nà Cù được tin Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh đến thăm.

Sau khi hoan hô đồng chí Trần Đăng Ninh, mọi người mừng rỡ khi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đi. Cả đoàn quân truyền nhau reo lên: Bác Hồ!

Bên đống lửa, Bác ra hiệu cho các cháu TNXP ngồi xuống. Người thăm hỏi việc ăn uống, ngủ nghỉ, phòng chữa bệnh của các TNXP, rồi nhắc nhở:

- Ban chỉ huy đơn vị và đội viên phải có kế hoạch tổ chức lao động khoa học, phải đoàn kết thương yêu nhau, tổ chức tốt việc thi đua để mau chóng hoàn thành nhiệm vụ.

Sau khi thông báo về thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II và giải thích tại sao Đảng ta lại lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam…, Bác hỏi: “Đào núi có khó không?”

Có người trả lời khó, người thì không.

“Có ai dám đào núi không?” - Người chỉ định một đội viên nữ ngồi ngay trước mặt, cô mạnh dạn thưa: “Thưa Bác có ạ, TNXP chúng cháu hàng ngày vẫn đào núi để đảm bảo giao thông ạ”.

Bác gật đầu cười: “Có ai lấp biển không?”.

Không ai dám trả lời vì câu này khó quá.

Bác gợi ý: “Con người dám đào núi thì cũng dám lấp biển đấy. Cảng Hải Phòng và nhiều cảng khác trên thế giới do con người xây dựng nên, vậy lấp biển có khó không?”.

Bác nói thêm: Nói không khó thì không đúng, khó nhưng con người vẫn làm được, chỉ cần có cái gì?

Mọi người giơ tay xung phong phát biểu:

- Cần quyết tâm cao, cần kiên gan, bền chí …

Bác Hồ động viên:

- Các cháu trả lời đều đúng cả. Việc dù khó đến mấy cũng làm được cả chỉ cần quyết chí…

Bác xin tặng các cháu một bài thơ:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí cũng làm nên.

Đọc xong mỗi câu tất cả đồng thanh nhắc lại, tiếng thơ âm vang núi rừng.

Bác tặng huy hiệu của Người cho 12 chiến sỹ thi đua, rồi Bác, cháu vỗ tay hát bài Nhạc tuổi xanh…

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Dương Thiết Sơn chuyển 4 câu thơ của Bác cho Trung ương Đoàn...

Ngày 18/3/1996, di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nà Tu được Bộ Văn hóa- Thông tin ra quyết định số 460/QĐ-BT xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tại nơi đây đã dựng bia đá khắc ghi sự kiện lịch sử, thơ Bác tặng TNXP…

Đoàn ca ra đời như thế nào?

Nhạc sỹ Hoàng Hà dựa vào bài thơ của Bác để sáng tác bài hát Thanh niên làm theo lời Bác, được Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 6 (tháng 10/1992) quyết định chọn làm bài ca chính thức của Đoàn (Đoàn ca).

Nhạc sỹ Hoàng Hà tên thật là Cao Hy Vọng, sinh trưởng ở thành phố Nam Định, 17 tuổi là cán bộ Huyện Đoàn Đông Quan (nay là Đông Hưng), Thái Bình, năm 23 tuổi, là Bí thư Tỉnh Đoàn Hưng Yên.

Sau trận càn ở thôn Đông Hồ bên bờ sông Giếng, anh được nghe một cán bộ Đoàn đi họp ở chiến khu Việt Bắc, được gặp Bác Hồ về kể chuyện. Bác làm thơ tặng TNXP.

Hoàng Hà rất xúc động. Xúc cảm dâng trào, tự nhiên nhạc xuất hiện, anh viết một mạch.

Tháng 7/1953, tại hội nghị tập huấn cán bộ Đoàn về tiếp quản Thủ đô của Trung ương Đoàn ở Đại Từ, Thái Nguyên, Hoàng Hà được hội nghị mời lên dạy cho anh em hát bài Thanh niên làm theo lời Bác, cùng bài hát Đoàn quân tiến về Hà Nội của nhạc sỹ Văn Cao.

Giờ đây, dừng xe bên cầu Nà Cù trên quốc lộ 3, ngã ba có đường rẽ vào xã Nguyên Phúc, rừng đã lùi xa, nước suối trơ vách đá, dấu tích một thời đạn bom chỉ còn trong ký ức.

Từ cầu Nà Cù đến trụ sở xã Cẩm Giàng độ 300m gần quốc lộ 3. Địa điểm di tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm thơ tặng TNXP cách trụ sở xã khoảng 60m.

Chủ tịch UBND xã Nông Đình Dụng cho biết, xã có 482 hộ, 2.082 khẩu, bình quân đầu người được 500 kg lương thực. Hộ nghèo còn 15 %. Điện lưới về xã Cẩm Giàng từ 2001.

Đời sống kinh tế, văn hóa của bà con ta đã khá lên: Với 350 xe máy, 87 máy cày, 34% có điện thoại cố định, 98% hộ đã có video, vô tuyến, cát - sét, radio, Đảng bộ, nhân dân xã rất tự hào gìn giữ, phát huy giá trị di tích, giáo dục truyền thống cho thanh niên.

Đã 54 mùa xuân, bài thơ Bác tặng TNXP như còn hơi ấm Người, nhắc nhở chúng ta “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.