Tiến tới kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2007):

'Vết chân tròn' trên vùng đồi

'Vết chân tròn' trên vùng đồi
TP - Họ đều là những người lính trở về từ chiến trường K với hành trang là chiếc ba lô cùng đôi chân không còn nguyên vẹn...
'Vết chân tròn' trên vùng đồi ảnh 1
Khoảng rừng 17 ha cây keo lai do hai thương binh trồng trên đồi Hố Hiểm - Đá Giăng đang lên xanh

Không để vợ con phải chịu cảnh đói khổ, họ cùng nhau lên vùng đồi Đá Giăng - Hố Hiểm (xã Hải Sơn, Hải Trường, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) để lặng lẽ bước vào một cuộc chiến mới không kém phần cam go, nhọc nhằn với cỏ lau, sỏi đá, sim mua bằng khát vọng  tự tay làm giàu trên chính mảnh đất quê hương...

Trở về với “vết chân tròn”

Khi biết chúng tôi có ý định tìm đến nhà anh Trần Văn Cảm (thương binh 1/4) ở thôn Tân Điền (xã Hải Sơn, Hải Lăng), bà cụ bán nước ở đầu thôn vui vẻ rót nước mời rồi hào hứng kể cho chúng tôi nghe chuyện anh Cảm chống gậy tập tễnh lên đồi phát cỏ lau, sim mua trồng rừng.

Bà không quên thêm vào câu nhận xét: “Ngó hắn cụt hết chân rứa mà hắn giỏi giang hơn khối người lành lặn. Cả cái vùng này khó có ai bì kịp hắn mô!”.

Theo sự chỉ dẫn tận tình của bà cụ, lòng vòng một lúc lâu, chúng tôi mới tìm được căn nhà đang được sửa sang lại của anh Cảm nằm tít tắp ở cuối thôn Tân Điền.

Cái bắt tay nồng ấm, chân tình cùng chén chè đặc quánh hái sau vườn nhà và câu chuyện của anh Cảm đưa chúng tôi trở lại tháng ngày anh sống, chiến đấu trên chiến trường K cho đến khi bị thương chuyển về Việt Nam.

Anh bồi hồi kể: Năm 1983, anh lên đường nhập ngũ rồi được điều về Tiểu đoàn 2 (Quân khu IV). Sau mấy tháng huấn luyện nhọc nhằn ở Khe Lung (tỉnh Nghệ Tĩnh cũ) đến cuối năm 1983, anh cùng đồng đội được lệnh gấp rút lên đường sang chiến đấu ở Côngpôngthom (Campuchia).

Ba năm chiến đấu trên đất bạn, anh không thể nhớ hết là mình đã cùng đồng đội tham gia bao nhiêu trận đánh. Anh bảo rằng, anh chỉ nhớ buổi sáng ngày 9/8/1986, ngày anh bị thương.

Sáng ấy, anh cùng đồng đội đi trinh sát ở vườn thốt nốt thì bị lính Pôn-pốt phục kích. Đạn bắn xối xả như mưa vào đội hình.

Cả Trung đội trinh sát chỉ còn 9 người nên không thể cầm cự được lâu đành rút ra khỏi trận địa. Trên đường rút, anh vướng phải mìn cụt mất chân trái. Đồng đội vừa đánh trả, vừa dìu anh về căn cứ.

Mấy tháng sau, anh được chuyển về chữa trị lâu dài tại Bệnh viện 7C (quận Thủ Đức, TPHCM). Những ngày chữa trị ở Bệnh viện 7C, nhiều đêm thức giấc nhìn xuống đôi chân ngày đi vẹn nguyên nay chỉ còn lại một, chợt  thấy lòng mình nặng trĩu. Rồi đây, khi biết tin anh bị thương, gia đình anh sẽ buồn biết bao nhiêu?

Anh quyết định sẽ không báo tin anh bị thương nặng cho gia đình biết, mặc dù trong thời gian ấy, anh quen chị Lê Thị Lý (y tá của Bệnh viện 7C là người Gio Linh), chị nhận anh làm em kết nghĩa và cứ ngày nào cũng cố gặng hỏi anh về quê hương, bản quán để báo tin cho gia đình.

Cuối năm 1988, anh chuyển về điều dưỡng ở Đoàn 546 (huyện Củ Chi, TPHCM) đến năm 1989, anh tiếp tục ra Đoàn 581 (tỉnh Quảng Bình) điều dưỡng.

Năm 1990, anh Cảm trở về quê hương sau 4 năm gia đình bặt tin anh. Ngày trở về, vợ anh ôm chầm lấy anh mà khóc rồi trách anh sao chừng ấy thời gian không một dòng thư cho gia đình.

Anh muốn giải thích nhiều điều cho vợ anh hiểu mà sao cứ nghẹn ngào không nói được nên lời rồi nước mắt cứ rưng rưng nơi khóe mắt bởi thương người vợ mới cưới nhau chưa đầy ba năm (năm 1980) đã chịu cảnh chờ chồng trong nỗi lo âu khắc khoải. 

Đứa con ngày anh lên đường nhập ngũ còn nằm trong bụng mẹ đến khi anh trở về đã biết rót nước mời anh. Sau phút đoàn viên, tương ngộ đầy nước mắt là quãng thời gian khó nghèo, chạy ăn từng bữa cứ bám riết lấy gia đình anh.

Nhiều hôm thấy cả nhà ăn sắn độn cơm khiến lòng anh se thắt lại. Không thể để vợ con phải chịu khổ, anh lên UBND xã Hải Sơn xin được cấp đất trồng rừng.

Năm 1994, bằng lưng vốn vay mượn của bà con, láng giềng trong thôn, anh góp vốn cùng 5 người trong thôn Tân Điền lên đồi Bến Vụng khai hoang trồng rừng.

Năm 1995, khi có dự án 327, 661, anh cùng với 5 người trên nhận trồng thêm 125 ha rừng.  Hiện tại, rừng đã đến thời kỳ khai thác và anh sẽ được chia khoảng 40% tiền từ diện tích anh nhận trồng (25 ha).

Khi nhắc đến chuyện anh với anh Trường lên khai hoang ở vùng đồi Đá Giăng - Hố Hiểm, anh cho biết:

Anh với anh Nguyễn Văn Trường (thương binh 2/4), thôn Trung Trường (xã Hải Trường, Hải Lăng) cùng nhập ngũ rồi sang chiến đấu ở chiến trường K một lần nhưng anh Trường không chiến đấu ở Côngpôngthom mà chiến đấu ở Côngpôngchàm (Campuchia).

Một chiều cuối năm 1985, khi anh Trường cùng đồng đội đi trinh sát dọc sông Sê Pôn thì đụng tàn quân Pôn-pốt. Anh Trường bị thương nặng phải cưa mất một nửa chân phải.

Năm ấy, anh Trường được chuyển về điều trị ở Bệnh viện 7C (quận Thủ Đức, TPHCM) rồi điều dưỡng ở Đoàn 546 (huyện Củ Chi, TPHCM) sau đó tiếp tục ra điều dưỡng ở Đoàn 581 (tỉnh Quảng Bình). 

Năm 1990, anh Trường trở về quê. Về quê được ít lâu, anh quen chị Lê Thị Lượm, người cùng thôn đến năm 1993 thì anh chị kết duyên vợ chồng.

Cuộc sống khó khăn trải ra trước mắt, khi hai vợ chồng hầu như trông chờ vào đồng lương thương binh ít ỏi của anh Trường cộng thêm vài sào ruộng cố gắng lắm cũng chỉ đủ để nuôi mấy đứa con đói cơm, nhếch nhác. 

Cổ tích về “hai trong một”

Khi chúng tôi hỏi anh về chuyện anh gặp anh Trường trong hoàn cảnh nào, anh Trần Văn Cảm cho biết: Trước khi đi chiến trường K cho đến ngày trở về quê hương, anh không hề quen biết anh Trường.

Mãi đến năm 2000, trong một cuộc gặp gỡ thường kỳ của Hội Thương binh nặng huyện Hải Lăng, anh gặp rồi thấy hợp tính nhau nên kết bạn với anh Trường.

Nhiều lần qua lại thăm bạn để uống rượu hàn huyên, tâm sự và ôn lại kỷ niệm vui buồn của tháng ngày ở chiến trường K, thấy gia đình anh Trường quá khó khăn, vất vả, anh cứ áy náy mãi nên anh quyết định bàn với anh Trường cùng anh lên vùng đồi Đá Giăng - Hố Hiểm lập trang trại trồng rừng.

Lúc đầu mới nghe nói đến chuyện lập trang trại trồng rừng, anh Trường chỉ cười mà không nói gì.

Anh hiểu trong cái cười nửa miệng của bạn là sự hoài nghi bởi đất ở nơi mà anh chọn làm trang trại là đất cằn cỗi, trơ sỏi đá chỉ có sim mua, lau lách mới mọc nổi chứ nói gì đến chuyện trồng rừng, trồng cây ăn quả.

Một lần không được thì thuyết phục nhiều lần và rồi anh Trường cũng nhận lời cùng anh “hợp tác” làm ăn. Hai anh em dắt nhau ra UBND xã Hải Sơn, Hải Trường xin được cấp 17 ha đất ở vùng đồi Đá Giăng - Hố Hiểm nằm giáp ranh địa phận hai xã.

Ngày đầu tiên đặt chân lên vùng đồi Đá Giăng - Hố Hiểm, cứ nhìn trước, nhìn sau chỉ thấy hoang vu, trơ trụi sỏi đá, anh Trường hơi ngao ngán.

Anh phải động viên rằng hai anh em mình tuy “tàn mà không phế”, cứ cộng cả hai người lại là có đủ hai chân đấy thôi. “Hai trong một” tựa vào nhau mà sống chứ đừng để vợ con đói khổ mãi mà thiên hạ họ cười chê. 

Trồng rừng theo kiểu “công đồn”

Chúng tôi phải nhấn hết ga chiếc xe máy mới “bò” lên đến căn nhà tạm để hai anh ở và trông nom trang trại nằm bên sườn đồi Đá Giăng-Hố Hiểm được phủ xanh bằng những khoảng rừng trồng cây keo tai tượng.

Anh Cảm cho biết cuộc chiến của hai anh với cỏ lau, sim mua trên vùng đồi Đá Giăng - Hố Hiểm bắt đầu từ năm 2001. Ngày đó, từ sáng sớm tinh mơ người thôn Tân Điền đã thấy hai anh cơm đùm, gạo bới tập tễnh dìu nhau lên đồi cho đến tối mịt mới trở về. 

Lúc đầu, người trong thôn không hiểu “hai anh cụt” lên đồi làm gì, một thời gian sau hiểu chuyện, họ nhìn anh với ánh mắt khâm phục. Cách trồng rừng của hai anh cũng khá độc đáo mà như cách nói đùa của anh là trồng rừng theo kiểu “công đồn”.

Người lành lặn thì có thể phát sim mua, cỏ lau rồi trồng nữa ha rừng trong một ngày, còn hai anh thì chia 1 ha đó ra làm nhiều khoảnh sau đó cứ phát dần mỗi ngày một ít đến nửa tháng mới xong.

Phát sim mua, cỏ lau đến đâu cải tạo đất sau đó trồng rừng đến đó. Anh bị mất hẳn chân trái không thể đứng cuốc đất đào hố trồng cây được nên anh Trường có nhiệm vụ cuốc đất còn anh bỏ cây giống xuống hố rồi san đất, phủ cỏ giữ ẩm cho cây.

Đó là những ngày đầu mới lên, còn bây giờ có chút vốn liếng vay mượn được, hai anh thuê xe ủi về san ủi cho đỡ nhọc nhằn, vất vả.

Kết quả của 7 năm lên vùng đồi Đá Giăng-Hố Hiểm là 17 ha keo tai tượng đang lên xanh, 1ha sắn, 1 mẫu  lạc và 6 con trâu, bò.

Dự tính đến khi rừng keo tai tượng vào thời kỳ khai thác, cứ bình quân 1 ha thu được 30 triệu đồng, thì con số 17 ha là mơ ước của nhiều người lành lặn.

Hai anh dự tính trong thời gian tới sẽ trồng cây ăn quả dưới chân đồi, nuôi lợn thả rong trên đồi và đào hồ ở vùng đất thấp để nuôi cá nước ngọt.

MỚI - NÓNG