Vì ngày mai tươi sáng cho người khuyết tật

Vì ngày mai tươi sáng cho người khuyết tật
TP - Những bàn tay tật nguyền mải miết cọ rửa tấm sơn mài, thành thạo với từng đường thêu, mũi chỉ, những ánh mắt không sáng nhưng vẫn lấp lánh nụ cười từ trong đáy mắt, “Vì ngày mai” họ vẫn nỗ lực và sống ý nghĩa từng ngày.

Biết đến cơ sở dạy nghề “Vì ngày mai” từ một hội chợ làng nghề diễn ra tại Hà Nội, nhìn những sản phẩm mà các bạn khuyết tật làm ra và tận mắt chứng kiến các bạn ở đây miệt mài với công việc, càng hiểu được nghị lực phi thường tiềm ẩn trong mỗi con người.

Cơ sở dạy nghề “Vì ngày mai” được thành lập từ 8/3/2002, với mục đích dạy nghề và tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật, là thành viên của Hiệp hội sản xuất kinh doanh người tàn tật Việt Nam và Hiệp hội làng nghề Việt Nam.

Hiện nay, cơ sở có 70 bạn khuyết tật học tập và làm việc. 90% sản phẩm ở đây là gia công hàng xuất khẩu, thuộc các ngành hàng: may, thủ công mỹ nghệ, sơn mài truyền thống.

Tuỳ vào từng loại khuyết tật, khả năng tiếp thu, sức khỏe cũng như sở thích của các bạn mà cơ sở đào tạo nghề và tạo việc làm phù hợp để giúp các bạn có thể tự mình đảm bảo được cuộc sống.

Vì mong muốn giúp đỡ những người khuyết tật, chị Lê Minh Hiền - Giám đốc cơ sở dạy nghề “Vì ngày mai” đã nỗ lực, cố gắng tìm ra cho những người khuyết tật một con đường sống của mình.

Chị cũng là một người khuyết tật, lúc còn học đại học, chị không may bị tai nạn giao thông và mất vĩnh viễn 81% sức khỏe. Sau này, ra trường, đi làm, rồi chồng mất sớm, chị phải bươn chải ngược xuôi vất vả để nuôi con ăn học.

Năm 1998, khi đã về nghỉ hưu, chị ở nhà làm một số đồ thủ công mỹ nghệ và rủ một số bạn trẻ khuyết tật đến cùng làm, có lẽ vì thế mà chị hiểu và cảm thông chân thành, sâu sắc với những mất mát, thiệt thòi của trẻ khuyết tật, biết các em thật sự cần điều gì.

Ban đầu cơ sở chỉ có một nhóm 7 người khuyết tật, nhận gia công hàng thủ công, cùng đỡ đần nhau trong công việc, đùm bọc nhau. Sau khi được quỹ hỗ trợ Canada tài trợ 10.000 USD cho dự án, cùng sự giúp đỡ của nhiều cá nhân tổ chức, chị Hiền đã mở rộng và xây dựng cơ sở “Vì ngày mai” tồn tại, phát triển đến ngày hôm nay.

Chị Hiền cho biết: “Dạy cho các em ở đây, mình cứ theo lối cầm tay chỉ việc. Đối với một số trẻ chậm phát triển trí tuệ, để dạy cho các em thực hiện một công đoạn có khi còn khó gấp 10 lần đối với người bình thường. Để các em thạo việc có khi phải đến hàng năm. Có nhiều em chỉ có thể thực hiện đúng duy nhất một công đoạn trong cả khâu hoàn thành sản phẩm. Nhưng các em vẫn luôn cố gắng”.

Chị Hiền cho biết, trong thời gian tới, cơ sở “Vì ngày mai” tập trung vào nâng cao chất lượng tay nghề, xây dựng dự án đào tạo và nâng cao tay nghề, giúp các thành viên có tay nghề ổn định, tạo nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, độc đáo và chất lượng, thu hút khách hàng, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, cố gắng các thành viên không chỉ đủ ăn mà còn có thu nhập để tích lũy tạo lập cuộc sống.

Đồng thời, phải nâng cao kiến thức văn hóa, phổ cập tin học, kết hợp với các tổ chức tình nguyện, mở các lớp bổ túc văn hóa dạy cho các em, phấn đấu 100% thành viên đạt trình độ phổ cập văn hóa hết lớp 5.

Trong gian phòng khoảng 12m2, tràn ngập những đóa hoa vải xinh xắn, những cánh hoa nhiều màu đựng trong cái rổ nhỏ hay trong những đôi bàn tay không còn nguyên vẹn của những người thợ.

Tôi hỏi về tiền lương ở đây, em Sim cho biết: “Lương chúng em ăn theo sản phẩm, trừ đi các khoản chi phí sinh hoạt có tháng cũng được mấy trăm nghìn. Đối với em như vậy là vui rồi” - Sim thật thà kể, rồi lại quay lại với những cánh hoa vải nhiều màu dần dần thành hình trên tay.

…đến nghệ thuật

Lúc đầu, những người mua sản phẩm của các bạn khuyết tật phần lớn là vì mục đích từ thiện. Dần dần nhiều sản phẩm của các bạn như: gối xinh PiTuh, hoa vải nghệ thuật, tranh thêu… đã được người tiêu dùng yêu thích vì mẫu mã đẹp, độc đáo.

Đặc biệt, những bức tranh sơn mài do chính các bạn khuyết tật làm ra được rất nhiều người quan tâm, tìm mua. Nhiều người nước ngoài cũng mua tranh và nhận xét rằng: “Những bức tranh đó mang hơi thở của người Việt và họ yêu thích bức tranh vì điều đó”.

Chị Ando Saeko - họa sĩ người Nhật đã gắn bó với Việt Nam 13 năm, là người dìu dắt, hướng dẫn trẻ em khuyết tật tại cơ sở “Vì ngày mai” đến với nghệ thuật sơn mài.

Chị tâm sự: “Ai cũng phải sống và tìm đường để sống. Những người khuyết tật họ cũng cần và muốn sống bằng chính sức lao động của mình. Tình yêu cuộc sống đã giúp họ đứng vững”.

Chị luôn khuyến khích học viên thể hiện những cảm nhận về cuộc sống qua những đường nét gần gũi giản dị trong tranh. Cùng với họa sĩ Ando Saeko, còn có nghệ nhân Trịnh Thục Bằng, một tuần ba lần đến dạy cho các em làm hoa vải, hoa giấy.

Những ước ao về cuộc sống đều được các em dồn vào công việc, vào từng đường kim, mũi chỉ, từng cánh hoa, nét vẽ. Xét cho cùng thì tình yêu hay nghệ thuật hay bất kì điều gì đi nữa cũng bắt đầu bằng khát vọng được sống.

MỚI - NÓNG