Vì sao “bén rễ, xanh cây” không về?

Vì sao “bén rễ, xanh cây” không về?
Sau hai năm thực hiện, dự án Trí thức trẻ tình nguyện của Tỉnh Đoàn Bình Phước  không chỉ thành công về mục tiêu mà hầu hết các trí thức trẻ đăng ký tình nguyện ở lại phục vụ lâu dài.

Dự án “Tổ chức đội trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi tỉnh Bình Phước” giai đoạn 2003-2005 được Tỉnh Đoàn Bình Phước tổ chức lễ ra quân vào ngày 15/8/2003, với 36 trí thức trẻ (TTT) tham gia.

Những người tình nguyện được quan tâm đúng mức

UBND tỉnh Bình Phước, Tỉnh Đoàn Bình Phước tiếp nhận dự án của TW Đoàn như một trợ lực lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là vùng cao, miền núi. Chỉ sau hai tháng tuyên truyền, hội đồng xét tuyển (UBND tỉnh, Tỉnh Đoàn) đã tiếp nhận gần 100 hồ sơ đăng kí.

Trong số 36 TTT TN có 24 tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên ngành: Luật, Nông nghiệp, Giáo dục, Y tế… được phân bổ về công tác tại 10 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh thuộc 3 huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Lộc Ninh.

Ngoài kinh phí thuộc dự án do TW Đoàn cấp, Tỉnh Đoàn, UBND tỉnh hỗ trợ thêm cho đội viên: trợ cấp ban đầu 1 triệu đồng/người; hàng tháng 100.000đ/người; mỗi phân đội 2 số báo/tháng cùng 1 xe gắn máy đi lại. 

Chính quyền địa phương các xã không chỉ hỗ trợ về chỗ ở, điện nước, sinh hoạt, làm việc… mà còn thường xuyên trợ cấp từ 50.000 đến 100.000đ/người/tháng, ngoài ra còn có quà tặng chúc mừng thăm hỏi. Tại các địa phương nơi TTT TN đến công tác, nhân dân đã nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ gạo ăn, rau xanh, thực phẩm.

Nông thôn miền núi thay da đổi thịt

Kết quả thực hiện 5 nhiệm vụ của dự án cho thấy: Đội trí thức trẻ tình nguyện đã rất nhanh chóng nhập cuộc, phát huy ưu thế của tuổi trẻ, áp dụng kiến thức đã học, giúp cho địa phương rất nhiều trong việc phát triển kinh tế xã hội như:

Điều tra khảo sát 146 đợt với 435 buổi về đất đai, hộ đói nghèo, ngành nghề và thu nhập…; phối hợp với các trạm, trung tâm khuyến nông, các ban ngành để chuyển giao ứng dụng KHKT, công nghệ cho nhân dân; lập 32 điểm trình diễn cây điều ghép (là một trong những cây trồng kinh tế của tỉnh Bình Phước) thu hút trên 1000 lượt người tham gia; vận động đồng bào dân tộc quen sống du canh du cư, chuyển sang sống định canh định cư, ổn định sản xuất, hạn chế chặt phá và lấn chiếm rừng.

Đặc biệt, tại xã Lộc Hòa (huyện Lộc Ninh) và xã Đồng Nai (Bù Đăng), phân đội TTT TN còn giúp bà con dân tộc khôi phục nghề truyền thống nấu rượu cần, dệt thổ cẩm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Ở Lộc Hoà (Lộc Ninh), TTT TN đã cùng  chính quyền giúp 130 hộ đồng bào dân tộc không chỉ  thoát khỏi việc đói ăn khi giáp hạt mà còn biết canh tác lúa, mỗi vụ thu hoạch từ 4,5 đến 5 tấn/ha. Tham gia các hoạt động về văn  hoá giáo dục, TTT TN đã mở 28 lớp xoá mù, chống tái mù và PCGDTH và THCS cho gần 1.000 thanh thiếu nhi…

Một việc làm hết sức quan trọng của TTT TN trong 2 năm qua chính là việc góp phần củng cố, xây dựng và kiện toàn tổ chức Đoàn- Hội -Đội tại cơ sở. 12 cơ sở Đoàn được củng cố trở thành vững mạnh; thành lập mới 4 chi đoàn; kết nạp nhiều hội viên và đoàn viên mới; chất lượng hoạt động các chi đoàn, chi hội được nâng lên cả nội dung lẫn hình thức…

26 CLB Thanh niên  thành lập với nhiều nội dung, mô hình hấp dẫn thu hút hơn 350 thanh niên tích cực tham gia phong trào tình nguyện vì cộng đồng được đẩy mạnh.

Khi người ở… không về

Nguyễn Ngọc Lương- Phó Chủ tịch Hội LHTN huyện Bù Đăng từng là trí thức trẻ tình nguyện. Các TTT TN Quân, Cẩn, Hạnh, Cảnh đang ở xã Đồng Nai- Bù Đăng thực hiện dự án khôi phục làng nghề truyền thống nấu rượu cần, dệt thổ cẩm đều bày tỏ nguyện vọng sẽ ở lại Bình Phước lâu dài lập nghiệp.

Nguyễn Ngọc Lương nói: “Khi dự án kết thúc, rất nhiều bạn có nguyện vọng ở lại lâu dài. Vợ chồng tôi cũng là TTT TN cùng dự án đều có nguyện vọng ở lại lập nghiệp ở đây”...  ở lại với Bù Đăng, anh chị đã có một cháu xinh xắn và rất hạnh phúc.

Sau hai năm thực hiện dự án 2003-2005, 14 đội viên được bố trí công tác tại các xã; 5 đội viên công tác tại huyện; 2 đội viên công tác tại tỉnh; 6 đội viên công tác trong ngành giáo dục;  1 đội viên công tác trong ngành y tế; 1 đội viên tiếp tục theo học đại học…

Anh Nguyễn Hồng Trà- Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước khiêm tốn nói: “Đất Bình Phước cũng như mọi nơi thôi. Khi đón trí thức trẻ tình nguyện về, Đoàn TN chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp về chế độ chính sách, đồng thời bố trí hợp lý công việc để các bạn phát huy.

Chắc vì Bình Phước còn quá nhiều khó khăn nên trí thức trẻ thông cảm, muốn giúp đỡ nên đậu lại…”. Không phải chuyện diệu kỳ, nhưng có thể nói Tỉnh Đoàn Bình Phước đã rất thành công trong việc triển khai và thực hiện dự án trí thức trẻ tình nguyện…

MỚI - NÓNG