Vì sao em trở thành'bạo chúa'?

Vì sao em trở thành'bạo chúa'?
TP - Hội từ chiều chuộng vợ chuyển sang phục vụ, sợ hãi, chấp nhận cam chịu và cuối cùng chỉ còn cách tự an ủi lấy đó làm vui. Anh vô tình biến người vợ có năng lực hiền thục trở thành một sư tử, một bạo chúa có trí tuệ.
Vì sao em trở thành'bạo chúa'? ảnh 1

Hôm nay cuối tuần, Hội lĩnh lương. Tiền căng túi, nắng vàng tươi như bia và phố xá thì bạt ngàn váy ngắn. Vậy mà mới hơn 5 giờ chiều Hội đã len lén dắt xe về. Dù là gã đàn ông khá biết chơi, nhưng Hội không lấy đó làm tiếc mà còn tủm tỉm tự cười, mắt long lanh.

Hội muốn nhanh chóng về nhà, thơm vợ một cái, nói một câu đùa thật nhộn, thật tình tứ rồi xòe tiền đưa nàng. Nàng còn đòi hỏi gì hơn nữa? Cuối tuần về sớm này, lương lĩnh đưa ngay, đưa hết này. Và vừa đưa vừa vui nữa... Thế nhưng tình hình lại không như Hội tính...

Nàng buồn rười rượi, cáu kỉnh và ăn rất ít. Thì ra buổi trưa, nàng cùng chị em cơ quan xem phim truyền hình Hàn Quốc. Mấy nhân vật nàng thích toàn gặp bi kịch. Cô thì bị bệnh máu trắng, cô thì yêu nhầm con kẻ thù của bố, anh thì ung thư... Nàng đau khổ đến bần thần.

Nàng hỏi anh, nàng dự đoán, nàng phán xét... Hội ậm ừ và gạt câu chuyện động viên cho nàng bình tâm. Không ngờ nàng gào lên: “Anh thì quan tâm gì đến tôi”... Rồi nàng chì chiết, quy chụp đủ chuyện. Bực quá Hội nói át đi. Thế là nàng đanh mặt lại, quắc mắt lên. Nào là sống phải biết tôn trọng nhau.

Rồi: Tôi không phải là con ở mà xem phim cũng không được (?). Rồi: Anh có quá nhiều điều khiến tôi bất ngờ. Rồi: Tôi không phải tù nhân, đừng có trói buộc tư tưởng của tôi...

Nàng đưa ra cực nhiều khái niệm, bài học, lý luận, sự liên tưởng mà Hội phải thú nhận là rất tài tình... Các loại tội lỗi xưa cũ cho đến những tội mới chỉ là có dấu hiệu sẽ vi phạm... của Hội đều được nàng phanh phui. Ngày mới cưới, Hội còn dám phản kháng nhưng sau nhiều lần nếm đắng, Hội rút ra bài học: nhịn và hối cải...

Đợi khuya, nghĩ nàng đã dịu, Hội khẽ khàng ngồi cạnh đầu giường “thỏ thẻ” làm lành. Lặng thinh một lúc, nàng đưa tay thu nắm tiền lương của chồng rồi cong ngón trỏ gí vào trán anh rít lên không biết là đùa hay thật: “Như vậy cũng không có nghĩa là đã hết tội đâu nhá!”.

Hội cười ngượng nghịu. Mấy ngày nghỉ, anh cứ len lén trong nhà, tắt điện thoại, đi chân đất và cầu cho diễn biến của bộ phim Hàn Quốc nọ tươi sáng hơn.

Vợ đi du lịch với cơ quan. Hội được uống rượu với anh em. Lâu lắm mới uống, tâm can càng nung nấu. Kiểm điểm, Hội thấy mình làm thanh tra, chuyên đấu tranh chống phi lý bất công mà mình lại phải sống trong cảnh bất công đến cùng cực.

Bốn năm năm nay, mình làm gì nên tội? Không ngoại tình, không cờ bạc, nghiện ngập, chăm sóc vợ con đến quên cả bản thân. Thế mà lúc nào cũng mang chồng chất tội lỗi. Thậm chí còn bị vợ nói xấu, chê bai ngay trước mặt người khác. Chẳng lẽ không nắm được nội dung phim Hàn Quốc cũng là tội ư?

Đám bạn nhậu của Hội đa số cùng tình cảnh. Họ liệt kê các loại “tội ác” mình thường mắc: Điện thoại không nghe máy không liên hệ được cũng tội (vợ như vậy thì không sao). Tin nhắn trong điện thoại không có cái nào cũng “có vấn đề”. Bất cứ cuộc giao lưu nào với bạn bè cũng đều phải xin xỏ. Tự nhiên cạo râu, mặc áo trắng cũng bị “soi”.

Vô tình mà những chi tiết về thời gian, địa điểm, nhân vật mình kể ra không khớp với lần trước nào đó cũng thành chuyện. Không quan tâm đến tóc rụng, vết xước hay cái hắt hơi của vợ mà bị mắng đã đành. Đây không hỏi thăm thằng cậu khi nó bị người yêu bỏ cũng là “coi thường nhà vợ”.

Một anh bạn cùng cơ quan Hội còn bị vợ quát: “Lâu lắm rồi tôi chưa thấy anh có tội gì đâu đấy!”. Vậy là không có tội gì để cho vợ xử lý cũng là một... tội.

Khi trượng phu ở... “gầm giường”

Hội thấy hình như đa số đàn ông bây giờ sau khi lấy vợ đều phải đổi tính theo tiêu chí “tu chí” của vợ. Hội xưa rất thích đàn đúm với bạn. Ngày mới cưới, Hội đi nhậu về muộn. Dù đã báo cáo vợ nhưng nàng vẫn nấu cơm hai suất và úp trong mâm nhất định không ăn, không nói, không phân bua. Đến khuya, nàng vật vã kêu đau đớn, khóc lóc và nôn oẹ.

Nàng rên: “Chắc là tôi chết! Con ơi (mới mang bầu ba tháng), mẹ có lỗi với con!” (nàng doạ chết). Hội phân tích, thanh minh, xin lỗi, vật nài, pha sữa... đến sáng.

Hội sốc, muốn chia sẻ với đám bạn hôm đó. Không ngờ gã hôm qua uống với Hội cũng bị vợ hành: Cô ta nằm thẳng chân tay, mắt nhìn trừng trừng trần nhà, xuyên bóng đêm không chớp. Chồng van lạy thế nào cũng không cử động.

Sáng hôm sau chị ta khoan thai như bà tiên. Mặt vô hồn, khẽ khàng vuốt từng nếp quần áo của hai mẹ con xếp vào va ly. Ý thể hiện là hai mẹ con đi tự tử. Bi kịch của anh chàng đó còn chưa biết hôm nào thì hết...

Sau 4 năm lập gia đình, Hội chấm dứt hoàn toàn bệnh đàn đúm nhậu nhẹt khi chưa có phép. Có công việc bắt buộc phải đi ngoài giờ hành chính thì Hội phải có cả một chương trình báo cáo, thông tin kịp thời, đầy đủ và liên tục với vợ. Nếu vợ đã phải gọi điện đòi về thì kể cả ngày mai bị đuổi việc vì không hoàn thành nhiệm vụ thì Hội cũng phải về. Bỏ nhậu, bỏ chơi bi-a, bỏ thuốc lá, bỏ về muộn...

Hội bắt đầu béo trắng, lên cân, ăn ngủ đúng giờ. Đi đứng, lui tới chậm rãi, cẩn trọng. Ánh mắt xa lạ, miệng cười nhạt khi thấy bạn bè cũ. Hội chậm chạp, nặng nề trông thấy. Vợ Hội chỉ tay vào tấm ảnh mới chụp của Hội và nói đầy vẻ tự đắc: “Lấy vợ vào có da có thịt hẳn ra”. Hội cười tỏ vẻ biết ơn.

Cùng nhóm tài tử ngày xưa với Hội, còn có một anh bạn tên Cường ga lăng, phong độ. Gần gũi, giúp đỡ chị em từng là một trong những nguồn vui của Cường. Thế nhưng từ ngày có vợ, anh “trở mặt” khủng khiếp. Xa lánh mọi chị em. Càng trẻ càng xinh thì Cường càng phải tỏ ra đối xử cực kỳ lạnh lùng, cục cằn thô bạo.

Ngày trước anh ăn nói bay bướm, ý nhị bao nhiêu thì nay thô thiển, lỗ mãng bấy nhiêu. Về nhà Cường luôn phải tự giác báo cáo với vợ tình hình nữ nhân sự ở cơ quan. Đặc biệt là các cô trẻ, xinh và chưa chồng.

Tất cả các nhân vật được đề cập đều phải có xu hướng xấu xí, xấu xa, tồi tệ, hoạn nạn hoặc ít nhất cũng phải nổi bật xì căng đan tình ái nào đó. Cường bắt buộc phải tỏ rõ thái độ khinh mạn, căm ghét, xa lánh họ.

Có lần Hội dự tiệc tân gia của một cảnh sát hình sự mấy lần suýt được phong anh hùng. Chiến sĩ này lấy vợ được hai năm. Đến nhà, Hội thấy cô vợ mặc áo choàng màu hoàng yến sang như một quý bà ngồi ghế đầu tiếp khách. Ông bạn áo may-ô bộ đội, quần soóc lửng đi dép lê đang bặm môi bưng mâm cỗ từ dưới bếp lên. Mắt anh ta nháy nháy với khách xin thông cảm.

Đến bữa, anh ta chỉ rặt một chủ đề về tài năng, đức độ của vợ. Mỗi câu chuyện thường có mở đầu: “Bà xã mình bảo”, hoặc “Căn bản là chưa trao đổi với vợ”, hay: “Cuối tuần này xem ý bà xã thế nào”.

Mấy người ngồi cạnh Hội nói: Máy tính để bàn, laptop, điện thoại của tay này toàn phóng ảnh vợ đang toe toét hoặc ngước mắt bên giàn hoa giả. Còn tất cả các loại mật khẩu thẻ, card, máy tính, thậm chí cả biển số xe cũng nhất định phải gắn với tên vợ, ngày sinh vợ hoặc ngày cưới...

Vậy mà chính anh ta lại chê người khác. Anh ta bảo: Cơ quan tôi có ông không sạch lỗi chính tả nhưng nay sắp vào Hội Nhà văn. Chỉ vì từ ngày có tiết mục blog, hôm nào nó cũng viết vài ngàn chữ chỉ duy nhất nội dung ca ngợi vợ và những gì liên quan đến vợ.

Bài viết rất nhiều góc độ, ý tưởng, quan điểm mới về vợ. Nhưng gã đó còn thua sếp tôi. Sếp học nước ngoài, trẻ, tư duy mới. Anh em thần tượng. Phải mỗi cái, cứ xong việc thì dù ở đâu ông ấy cũng bật đĩa DVD, đĩa CD thu hình ảnh, âm thanh vợ đang hát.

Trong phòng thì có đầu đĩa, lên xe cũng có ổ DVD, ra quán thì bật laptop. Chị nhà là ca sĩ phong trào nghe nhiều anh em không chịu nổi...

Hội còn biết rất nhiều người đàn ông thành đạt, tài giỏi và đạo đức nhưng bị vợ kiểm soát từng đồng, từng giờ... Cái gì vợ cũng chỉ đạo, giáo huấn, rút kinh nghiệm.

Thậm chí nhiều bà còn mắng mỏ, quở trách chồng như trẻ con. Ngược đời là thông thường thì những bà vợ đó lại có rất ít sức mạnh. Ví dụ: học ít, thất nghiệp hoặc làm ăn phọt phẹt, không địa vị, thu nhập thấp và cũng chẳng có nhan sắc.

Nhưng còn ngược đời hơn là hầu hết những anh chồng đó lại luôn khoái chí, tự nguyện khi bị cai trị như vậy. Thậm chí, còn thấy phụng sự vợ là một lẽ sống.

Nhưng có một người đã làm cho Hội run sợ và choáng váng vì người đó làm cho cái “đạo sợ vợ” của anh lung lay. Đó là một nhà nghiên cứu có tài và cũng khá lọc lõi trường đời.

Ông kết luận: những thằng nịnh vợ ghê tởm thực ra là sự “chính quả” của quá trình bị vợ “thuần hoá”. Nhưng tạo hoá sắp xếp đàn bà phải nhu thuận với đàn ông nên cảnh đó sẽ dần dần làm mất cân bằng, phá vỡ quy luật tạo hóa, quy luật cuộc sống và âm thầm tạo nên những khối ung thư trong gia đình.

Vì sao em thành “bạo chúa”?

Đêm trước khi quyết định ký vào đơn ly hôn, Hội không ngủ. Anh kiểm điểm lại toàn bộ cuộc tình. Hội là người mạnh mẽ, thậm chí hơi ngỗ ngược: từng đánh nhau, uống rượu, đề đóm...

Gia đình gốc Hà Nội, trung lưu nhưng cũng có đất chia cho Hội. Học lực trung bình nhưng Hội cũng tốt nghiệp đại học hệ phi chính quy. Tóm lại anh hoàn toàn có thế khi bước vào bất cứ cuộc hôn nhân nào.

Vợ Hội chỉ bằng tuổi cháu anh, kém 11 tuổi, quê xa, học trung cấp làng nhàng, gia thế trung bình, nhan sắc tạm. Khi gặp nhau, Hội thấy tướng mạo phúc hậu, tính cách rụt rè, thậm chí hơi tội nghiệp. Anh muốn che chở người con gái ấy biết bao.

Bất chấp gia đình ngăn cản. Anh vẫn cưới. Thương vợ tuổi thơ vất vả, lại khi chửa đẻ, Hội sợ cô ấy tủi thân nên anh chăm bẵm từng ly từng tí. Vật chất thì hết mức có thể, tinh thần thì thực sự chưa bao giờ Hội nghĩ mình tinh tế khéo chiều người khác đến vậy.

Tận tâm, hết mình, lãng mạn, ga-lăng. Từ giặt giũ, rửa bát, nấu cơm đến du lịch, mua sắm hàng hiệu, tặng quà lễ tết, hoa, thơ, xem phim kịch... Nói chung cả cổ truyền đến Âu Mỹ.

Anh không nỡ nói nặng, thậm chí luôn nhường vợ mỗi cuộc tranh luận. Anh tưởng rằng vốn là người tốt khi được đối xử như thế thì vợ anh càng phải hiểu anh, tốt với anh hơn.

Nhưng không, cô ta từ thụ hưởng đến hờn dỗi, chuyển thành đòi hỏi, yêu cầu rồi ban hành quy định, luật lệ của riêng mình kèm theo những hình phạt ngày một khắc nghiệt.

Còn Hội từ chiều chuộng đã chuyển sang phục vụ, sợ hãi, chấp nhận cam chịu và cuối cùng chỉ còn cách tự an ủi lấy đó làm vui. Anh vô tình biến người vợ có năng lực hiền thục trở thành một sư tử, một bạo chúa có trí tuệ.

Hội vẫn mãi ám ảnh bởi hình ảnh cô gái bé bỏng và mong manh ngày mới gặp và bà vợ hôm nay đang ở với mình. Hội hiểu: Nhìn chung mọi bà vợ đều hiền thục, và dù xã hội văn minh đến mấy các bà cũng muốn là phận cát đằng xanh tươi bên thân tùng mình trúc.

Mọi nguyên nhân chỉ tại những ông chồng không biết đâu là chiều chuộng, nhường nhịn, đâu là nhu nhược, mù quáng. Hội sẽ nói với vợ những điều đó và sẽ giữ nàng lại để sửa mình.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.