Vì sự trường tồn của biển

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng hàng nghìn thanh niên thu gom rác trên bờ vịnh Bái Tử Long​. Ảnh: H.D.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng hàng nghìn thanh niên thu gom rác trên bờ vịnh Bái Tử Long​. Ảnh: H.D.
TP - Biển và đại dương hàng ngày đang phải đối mặt với vấn nạn rác thải. Hàng trăm triệu tấn rác đổ ra biển hàng năm gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Đây cũng là tác nhân trực tiếp khiến khí hậu thay đổi và tình trạng nóng lên của trái đất.

Hành động trước khi quá muộn

Đứng trước nguy cơ suy kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển, các sự cố rò rỉ dầu, tràn dầu, hóa chất độc hại đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, sức khỏe đại dương, hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2018, ngày 1/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, T.Ư Đoàn phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam tại TP Cẩm Phả. Cùng tham dự có 28 tỉnh thành phố có ranh giới tiếp giáp với biển.

Tổ chức Bảo vệ Môi trường biển Ocean Conservancy vừa công bố, có tới  90% lượng rác thải trôi nổi trên biển là rác thải nhựa, gồm: Vỏ bánh kẹo, chai lọ, túi nilon, thìa, dĩa, ống hút… Theo kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và Công ty Tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương. Lượng nhựa được tiêu thụ hàng năm tại châu Á dự kiến sẽ tăng tới 80% trong 10 năm tới, vượt ngưỡng 200 triệu tấn vào năm 2025. Việt Nam với 28 tỉnh thành ven biển, sẽ chịu ảnh hưởng vô cùng lớn từ tác động này.

Hiện 70-80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ đất liền, chủ yếu là của các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp ven biển, xả thẳng ra sông, biển, không qua xử lý. Các sự cố về tràn dầu, xả thải, nhấn chìm vật, chất cũng là những nguyên nhân làm cho môi trường biển bị ô nhiễm và suy giảm đa dạng sinh học nghiêm trọng.

Điều đáng sợ là khi đã lọt ra biển, rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Khi đó, rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại về môi trường, mà còn gây tổn thất lớn cho cả kinh tế lẫn sức khỏe người dân. Về phương diện kinh tế, rác thải biển đang gây thiệt hại hàng chục tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia đang khai thác nguồn lợi từ biển.

Khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của biển và đại dương đối với cuộc sống con người trong Lễ phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kêu gọi cộng đồng chung tay cùng quốc tế bảo vệ môi trường, lên án và phản đối các hoạt động, hành vi thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường biển, hủy hoại hệ sinh thái biển.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cấp, ngành, 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển và các địa phương khác trên toàn quốc tích cực hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, tiếp tục có các hoạt động thiết thực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và đưa các hoạt động này trở thành thường xuyên, góp phần thay đổi hành vi, thói quen của mỗi người, giữ gìn môi trường cho chính chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau. “Thay đổi nhận thức về biển và đại dương! Thay đổi cách ứng xử đối với đại dương! Cần tìm hiểu rõ đại dương hơn nữa! Hãy thể hiện tình yêu của mình với biển”, Bộ trưởng kêu gọi.

Tuổi trẻ chung tay giữ màu xanh của biển

 Trước đó, tối 31/5, tại Quảng trường Mặt Trời, TP Hạ Long, diễn ra buổi tọa đàm “Thanh niên với phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo Việt Nam” nhằm hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương Thế giới năm 2018 với chủ đề “Cùng chung tay giữ màu xanh của biển”.

Các đại biểu đã thảo luận xoay quanh những nội dung: vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo; bồi đắp tình yêu, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; các ngành kinh tế biển thu hút mạnh hơn nguồn lực đầu tư, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia, bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chia sẻ, lực lượng Biên phòng luôn tăng cường nắm bắt tình hình địa bàn, xây dựng đường biên thanh niên làm chủ, tuần tra trên biển, tuyên truyền quần chúng nhân dân giữ vững an ninh biên giới Tổ quốc; bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ tham gia hệ thống chính trị tại cơ sở biên giới; thực hiện nhiều chương trình giúp dân xóa đói giảm nghèo, làm sạch môi trường biển.

Trưởng Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương cho biết: T.Ư Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về biển đảo như chương trình “Vì biển đảo quê hương”; tổ chức nhiều cuộc thi lấy ý tưởng từ các ĐVTN về làm sạch biển, phát triển kinh tế biển, đưa những ý tưởng này áp dụng ra các tuyến biển, hải đảo.

Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động Cuộc vận động sáng tác ca khúc về biển xanh quê hương với mục đích khơi dậy lòng tự hào, phát huy tính sáng tạo, tinh thần lao động của nhân dân, góp phần cùng cộng đồng trong nỗ lực bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ mãi màu xanh của biển.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.