“Việt hóa” dòng nhạc hàn lâm

“Việt hóa” dòng nhạc hàn lâm
Nguyễn Văn Phúc không chọn con đường sân khấu cải lương của bố mẹ, thế nhưng khi đeo đuổi sự nghiệp guitar cổ điển chuyên nghiệp, Phúc luôn đau đáu khát vọng “Việt hóa” dòng nhạc hàn lâm nước ngoài.

Cuối năm 2006, Phúc đã đoạt giải tư tại Cuộc thi Biểu diễn guitar cổ điển và thính phòng quốc tế lần VII tại thành phố Belgorod (Nga).

Phúc đắm chìm trong thế giới guitar cổ điển vì nghĩ rằng những âm giai, sắc điệu của nhạc cụ này có nhiều nét tương đồng, hệt như lời ru của mẹ - một đào chính của Đoàn cải lương Hoa Mai một thời nổi đình nổi đám ở đất Bắc (cùng với bố là nhạc công của đoàn).

Phúc tâm sự cứ mỗi lần mân mê cây guitar để gảy lên những cung bậc da diết là lòng cứ nôn nao nỗi nhớ quê nhà, nhớ tiếng mẹ ru ngày xưa. Phúc đã thi vào Nhạc viện Hà Nội từ khi lên lớp 5, và nay ở tuổi 26, chàng du học sinh VN tại Nga đã trải qua nhiều năm gắn bó và hoài niệm cùng với người bạn guitar tri kỷ.

Nguyễn Văn Phúc là tài năng VN hiếm hoi được Nhà nước trợ cấp học bổng tu nghiệp tại Nga và hiện là sinh viên guitar năm 3 hệ đại học của Học viện Âm nhạc Gnhesin (Matxcơva) - “lò” đào tạo pianist Bích Trà, violinist Trần Hữu Quốc.

Đến với cuộc thi và nằm ở bảng 4 (dành cho sinh viên đại học trở lên), dù đã kinh qua nhiều giải thưởng guitar lớn nhỏ trong nước nhưng Phúc vẫn khá “khớp” với các đối thủ đến từ Nga, Ukraine, Belarus, Kazakhstan..., những cầm thủ từng trình diễn ở nhiều nơi trên thế giới và đều đã lận lưng nhiều giải thưởng quốc tế.

Trong phần thi tự chọn, Phúc đã trình bày bản dân ca quen thuộc Bèo dạt mây trôi (Đặng Ngọc Long chuyển soạn) và “hớp hồn” ban giám khảo lẫn khán giả.

Trong đầu Phúc lúc đó chỉ có một ý nghĩ duy nhất: mình là người VN, hãy chơi nhạc VN với tất cả tấm lòng, tình cảm của người con VN.

Phúc bộc bạch sau khi đoạt giải trên trang web của Hội Lưu học sinh VN tại Matxcơva: “Tôi cảm thấy thật hạnh phúc và tự hào khi được giới thiệu cho bạn bè quốc tế những âm thanh VN quen thuộc, dân dã. Đấy cũng chính là ước mơ hằng ấp ủ của tôi: được chơi guitar, được mang đến cho người nghe bản sắc, hơi thở của con người và đất nước VN”.

Ca từ của Bèo dạt mây trôi là nỗi mong chờ của người con gái khi người yêu xa nhà, Phúc thể hiện bản này trong tâm trạng nhớ mong quê hương, những người thân yêu.

Phúc nói: “Tôi đã từng biểu diễn bài này nhiều lần ở VN, nhưng tại Belgorod, không đơn thuần là biểu diễn, cảm giác thể hiện khác hẳn, một cảm giác xuất phát tận đáy lòng khi nghĩ về gia đình, những tình cảm trước đây. Đây có lẽ là lần đầu tác phẩm guitar của VN được người nghe Nga đón nhận và yêu thích nồng hậu”.

Bây giờ, thay vì gọi tên, bạn học nước ngoài hay gọi Phúc là “Việt Nam” và cứ đòi kể nghe về đất nước, con người và âm nhạc truyền thống Việt.

Khuôn mặt Phúc hiền từ ẩn sau cặp kính trí thức, có vẻ như lúc nào cũng đầy suy tư.

Phúc bảo: “Tôi sẽ cố gắng hoàn tất chương trình đại học, sau đó có thể học lên cao học. Hiện tại tôi đang học thêm về các thủ pháp viết nhạc, trau dồi thêm piano để có thể nắm bắt những tinh hoa của các tác phẩm piano mà chuyển soạn cho guitar sau này.

Tác phẩm viết cho guitar của các nhạc sĩ VN thế hệ trước rất nhiều, một nền móng vững chắc cho guitar cổ điển VN, nhưng lớp chúng tôi không thể cứ giậm chân tại chỗ, phải tiếp tục bồi đắp để phát huy hơn nữa.

“Việt hóa” tác phẩm kinh điển thế giới hoặc “guitar hóa” kho nhạc cổ điển của piano sẽ là hướng tôi đeo đuổi”.

Theo Anh Nguyện
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.