Vợ lính thời bình

Vợ lính thời bình
“Thế nào, năm nay anh ấy ngoài đảo thì ai đưa đi chơi ngày 20/10?”. “Mình già rồi, mà bây giờ muốn đi cũng chẳng có thời gian, hơn nữa con cái bận bù đầu. Chờ anh ấy về đi luôn thể”.
Vợ lính thời bình ảnh 1
Phụ nữ thời bình với lính Trường Sa

Mở đầu câu chuyện chị đã vui vẻ xởi lởi nói thế. Đó là chị Nguyễn Thị Nhài ở khu tập thể B Đoàn 128 Hải quân, phường 12 Vũng Tàu.

Chị Nhài kể lại: “Chúng tôi cưới nhau đã gần 20 năm, thì 18 năm anh ấy xa nhà. Ngày mới vào Vũng Tàu sinh sống, tôi phải làm thêm đủ nghề kiếm sống chứ đồng lương “ba cọc ba đồng” không đủ. Chồng thì đi biển dằng dặc từ 12 –16 tháng mới về đất liền.

Những lúc ốm đau bệnh tật, nuôi con ăn học chỉ một mình. Song tôi hạnh phúc vì được làm vợ lính, lính tình cảm lắm anh ạ. Nhưng nói thật, thời bình mà vợ lính phải xa chồng là một thiệt thòi lớn đối với phụ nữ. Nhưng mình phải biết chấp nhận để chồng hoàn thành nhiệm vụ”.

Bên cạnh sự ồn ã của cuộc sống đời thường, thì những người vợ lính lẳng lặng lo toan cơm, áo, gạo, tiền quán xuyến gia đình khi các anh đi xa. Bao khó khăn đặt lên vai người vợ.

Vừa làm tròn thiên chức của người mẹ, vừa thay người cha nuôi dạy con cái, lại hiếu thảo với mẹ chồng. Chị Nguyễn Thị Hiền ở trường tiểu học Long Hải B có chồng làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa thường xuyên vắng nhà, một mình chị nuôi con và hai người em gái học Sư phạm Bà Rịa.

Sáng từ Vũng Tàu đi Long Hải dạy học, chiều soạn bài rồi cơm nước cho con, tối lại đi phổ cập lớp xóa mù chữ của phường, chị như con thoi không ngơi việc.

Chị nói: “Tôi rất vui khi được giúp các em học sinh. Tuy anh ấy ở xa nhà, nhưng mỗi lần lên lớp nhìn thấy các em học sinh thì mọi ưu phiền tan biến hết.

Hôm tôi xem trên ti vi thấy anh ấy đang cùng đồng đội huấn luyện trên đảo Nam Yết, biết anh ấy khỏe là tôi mừng lắm, con cái ở nhà có tôi lo, cứ yên tâm mà làm nhiệm vụ”.

Không chỉ những chị có chồng làm nhiệm vụ ở xa gia đình, mà cả những chị có chồng là bộ đội ngay trong thành phố này chỉ cách đơn vị 4 km, nhưng một tuần thậm chí hai tuần mới về thăm vợ con một lần. Bởi công việc của các anh luôn đột xuất và thường xuyên phải trực  chiến.

Chị Trần Thị Tuyết, vợ của đại úy Nguyễn Quốc Tuấn ở Tiểu đoàn 57 Bộ đội tên lửa là một ví dụ. Nhà chị ở khu tập thể của Trung đoàn 261. Ngôi nhà nhỏ chật chội 14m2 mà cảm giác cứ mênh mông do thường xuyên thiếu vắng anh.

Bữa cơm “tươi” chiều thứ Bảy có thêm món trứng và cá kho tộ nhưng họ rất hạnh phúc đầm ấm. “Là vợ lính phải biết chịu đựng và hy sinh. Mình phải biết lo toan công việc gia đình để hoàn thành nhiệm vụ. Thời bình hay thời chiến, đã là vợ lính thì phải cần như thế” - Chị Tuyết cười, nói.

Đó là các chị còn được hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Còn bao chị không có niềm vui nhỏ nhoi ấy đã phải chịu hy sinh để hạnh phúc bên chồng. Chị Mai Thị Thu Ba ở phường 12, có chồng là nạn nhân chất độc da cam.

Bao nhiêu năm nay, chị âm thầm mơ ước một mụn con, nhưng thất vọng vì chất độc quái ác kia đã ngấm vào máu thịt của chồng chị. Nỗi đau hậu chiến không chỉ hành hạ cơ thể anh, mà còn là gánh nặng cho chị.

Day dứt, đau khổ nhưng chị vượt qua để sống thủy chung son sắt với chồng. Chị tâm sự: “Tôi đã chờ đợi anh ấy suốt 20 năm chiến tranh. Từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh nhà tôi trở về với gia đình, nhưng thật lòng vết thương trên người thì không gì hàn gắn được. Được cái mừng là sau 30 năm chấm dứt chiến tranh, niềm vui của vợ chồng tôi là đứa con nuôi của chúng tôi lên chức bố, tôi mừng lắm”.

Thế đó, mỗi chị có một hoàn cảnh một điều kiện riêng, nhưng chung qui lại các chị đều biết hy sinh, cần cù chịu khó, chăm sóc lo toan cho chồng, con để chồng yên tâm công tác.

Trong cuộc sống hối hả hiện tại, các chị không chỉ lo cơm, áo, gạo, tiền để cho cuộc sống thêm phần tươm tất mà còn gánh vác công việc thay chồng dạy dỗ con cái học hành chăm ngoan, rồi việc cơ quan, việc Hội…

Tôi cũng là lính đảo quanh năm xa nhà biền biệt, mọi công việc gia đình đều do người vợ ở quê nhà đảm đang gánh vác. Tôi tự hỏi: Nếu không có những người vợ lính đảm đang chịu khó thì sao có thể yên tâm hoàn thành nhiệmvụ của đơn vị giao phó.

Các chị là một nửa giới đàn ông chúng tôi. Đằng sau sự tiến bộ của người chồng là sự đảm đang của người vợ. Tôi hiểu nỗi vất vả cực nhọc của những người vợ lính thời bình và rất đỗi khâm phục họ.

MỚI - NÓNG