Vọng từ xứ người

Anh Lê Quốc Phong với các đại biểu Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu Ảnh: Tấn Lực
Anh Lê Quốc Phong với các đại biểu Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu Ảnh: Tấn Lực
TP - Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ I cuối năm 2018 tại Đà Nẵng, nhiều đại biểu cho rằng câu chuyện trí thức trẻ “trở về hay không” đã không còn quá quan trọng, điều quan trọng hơn là liên kết trí tuệ Việt khắp nơi trên thế giới.

Không còn giới hạn khoảng cách

Tiến sĩ Phan Minh Liêm (SN 1983, Viện Trưởng Viện Y Sinh Việt Nam – Hoa Kỳ; NCS sau Tiến sĩ tại Đại học Texas – Trung tâm ung thư MD Anderson - Hoa Kỳ) là một trong những đại biểu trí thức trẻ tham dự Diễn đàn. Từ khi học tập ở nước ngoài, TS Liêm đã kết nối đưa các giáo sư hàng đầu của Trung tâm MD Anderson đến Việt Nam giảng dạy về ung thư cho hơn 400 bác sĩ, nhà khoa học, sinh viên trong nước. Anh cũng cùng cộng sự thành lập tạp chí trực tuyến Vietnam Journal of Science để cập nhật những thông tin khoa học mới, tiến bộ nhất đến với các nhà khoa học trong nước. Tháng 4/2018, TS Liêm thành lập Viện Y Sinh Việt Nam – Hoa Kỳ với sự hỗ trợ chuyên môn của nhiều chuyên gia của Trung tâm ung thư MD Anderson và Hiệp Hội Di truyền học Y khoa Hoa Kỳ. Mong muốn của anh là áp dụng các công nghệ y khoa hiện đại để góp phần chăm sóc sức khoẻ cho người dân Việt Nam. Hiện anh vẫn đi về giữa Việt Nam và Mỹ để vừa phát triển Viện Nghiên cứu, vừa hoàn thành công việc ở nước ngoài.

Theo TS Liêm chia sẻ: “Trong thời đại của nền kinh tế tri thức, với sự phát triển của công nghệ, các bạn trí thức trẻ sẽ có nhiều cách để cống hiến, có thể trực tiếp tại Việt Nam hoặc từ xa. Mình nghĩ chỉ cần trái tim hướng về quê hương thì dù ở đâu, trí thức trẻ Việt Nam cũng sẽ đóng góp thiết thực cho đất nước”.

Là một trong 25 người nhận được học bổng sau Tiến sĩ Marie Curie danh giá về Y học của Liên minh châu Âu, TS Chu Đình Tới (SN 1983, Giảng viên khoa Sinh học, ĐH Sư phạm Hà Nội) vừa quay lại Việt Nam công tác sau gần 10 năm học tập và làm việc ở nước ngoài. Trong 10 năm đó, anh tích cực đóng góp cho sự phát triển khoa học ở Việt Nam, là đồng chủ nhiệm 2 đề tài khoa học của Viện đào tạo Răng hàm mặt (ĐH Y Hà Nội); tham gia tổ chức Hội nghị Chăn nuôi Á Úc lần thứ 13 (năm 2008) với gần 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế; kết nối để đưa đoàn chuyên gia y tế Na Uy về thăm và làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K (10/2017)...

Chàng trai sinh ra ở vùng quê nghèo Ba Vì, Hà Nội cũng truyền lửa câu chuyện vươn lên từ khốn khó của mình đến với sinh viên Việt Nam. Anh tham gia nhiều buổi nói chuyện/seminar về du học, học bổng cho hàng trăm sinh viên người Việt trong và ngoài nước với vai trò tổ chức, đồng tổ chức hay diễn giả chính. Anh cũng viết 2 cuốn sách “Hành trang du học”“Tôi đã đi du học bằng học bổng như thế nào”, truyền lại kinh nghiệm du học phù hợp cho các bạn trẻ. TS Tới tâm niệm, trong thời đại 4.0, sự đóng góp của trí thức trẻ cho đất nước rất đa dạng và dưới nhiều hình thức. “Trí thức trẻ hoàn toàn có thể cống hiến xây dựng đất nước mà không cần phải trở về quê hương bởi câu chuyện trở về hay không còn phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện thực tế của mỗi người”, anh chia sẻ.

Hay với cuộc thi Viet Challenge, các du học sinh và cựu du học sinh Việt tại Mỹ đang học tập và làm việc ở nước ngoài đang hỗ trợ người Việt trên toàn thế giới khởi nghiệp. Qua 3 năm tổ chức, Viet Challenge đã thu hút được 500 bài thi từ 21 quốc gia trên thế giới và giúp kết nối các startup Việt với các chuyên gia khởi nghiệp ở Mỹ, Anh, Singapore... Các startup tham gia Viet Challenge đã thu hút được nguồn vốn đầu tư lên đến 5 triệu USD. Viet Challenge chính là nỗ lực của những người Việt trẻ trên khắp thế giới để có thể giúp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam vươn tầm quốc tế.

“Việc hình thành 22 nhóm nghiên cứu liên ngành kết nối ngay tại Diễn đàn cho chúng ta những kỳ vọng lớn lao về những thành tựu khoa học lớn trong tương lai”.

Bí thư thứ nhất  T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong

“Về” trên cầu nối trí thức trẻ Việt

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), bày tỏ: “Những trí thức trẻ Việt đang kỳ vọng cống hiến rất nhiều. Nhiều người lựa chọn trở về nhưng cũng đã lại ra đi vì nhiều lý do. Tôi có nhiều bạn bè làm việc ở khắp nơi trên thế giới, họ cũng trở về Việt Nam khoảng 5–7 năm rồi lại ra nước ngoài”.

Theo PGS.TS Lê, không nên khư khư quan điểm phải trở về khi cơ chế, điều kiện, môi trường làm việc và trình độ khoa học trong nước chưa tương xứng với tiềm năng của những trí thức trẻ. Vấn đề quan trọng hơn là tập hợp trí thức trẻ Việt trên toàn cầu, bằng cách nào đó để họ ngồi lại, cùng giải quyết những vấn đề của đất nước.

Tại Diễn đàn, anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cam kết sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, giữ vai trò kết nối tốt để duy trì hoạt động của Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam; tăng cường cơ chế thông tin để các trí thức trẻ Việt Nam tiếp cận chính xác nhất với định hướng phát triển của đất nước nói chung và các vấn đề của thanh niên nói riêng, qua đó, đóng góp trí tuệ và năng lực để phát triển đất nước.

Chia sẻ kỳ vọng về Mạng lưới Trí thức trẻ, TS Phan Minh Liêm tin rằng đây sẽ là cầu nối quan trọng tập hợp trí tuệ của các tài năng trẻ của Việt Nam cùng chung tay thực hiện các dự án đóng góp cho quê hương. “Trong khoa học, sự hợp tác liên ngành giữa các chuyên gia là yếu tố quan trọng để tạo ra các tiến bộ đột phá, sáng tạo. Vì vậy, tôi rất vui khi chứng kiến nhiều trí thức trẻ Việt Nam cùng chung tay hợp tác thành lập các nhóm và dự án liên ngành để cùng nhau đóng góp cho đất nước”, TS Liêm bày tỏ.

Khi “chiếc cầu nối” đã được xây, các trí thức trẻ mong muốn phải có nhiều điều kiện hơn nữa để Mạng lưới có thể hoạt động hiệu quả, chứ không chỉ “ra mắt là xong”. “Những điều kiện đó gồm: nguồn nhân lực, kinh phí và cơ chế chính sách thông thoáng. Có như vậy, Mạng lưới Trí thức trẻ mới nền tảng liên kết các trí thức người Việt trong và ngoài nước, tạo ra những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước, nhất là trong kỷ nguyện CMCN 4.0”, TS Chu Đình Tới kì vọng.

Vọng từ xứ người ảnh 1 Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam chính thức ra mắt với kì vọng là cầu nối để trí thức trẻ Việt trên khắp thế giới hợp tác nghiên cứu, đóng góp cho sự phát triển của đất nước  Ảnh: Xuân Tùng
Vọng từ xứ người ảnh 2 22 nhóm nghiên cứu liên ngành được hình thành tại Diễn đàn, đây là cơ hội để các trí thức trẻ trong những lĩnh vực khác nhau cùng ngồi lại để tạo ra những thành tựu khoa học     Ảnh:A.D
MỚI - NÓNG