Vũ khí "made in Việt Nam"

Vũ khí có một không hai

Vũ khí có một không hai
TP - Tờ Thời báo Mỹ số ra ngày 28/11/1966, khi viết về những lính Mỹ ở Việt Nam, có đoạn: “Bất luận ở đâu, qua mỗi cuộc tuần tra, người lính nào cũng phải nghĩ rằng bước thêm bước nữa có thể là bước đi cuối cùng của đời mình”.

Thần chết mà tác giả ám chỉ ở đây chính là những vũ khí thô sơ tự tạo của con dân nước Việt. Lần đầu tiên, bộ sưu tập gồm 18 loại vũ khí thô sơ tự tạo được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trưng bày, triển lãm.

Vũ khí có một không hai ảnh 1
Lính Pháp bị trúng chông của du kích

Cũng theo bài báo trên, các tướng tá Mỹ than phiền rằng: Thần chết luôn rình rập họ khi bước xuống ruộng lúa, đụng tay vào từng chiếc gáo dừa, mở ra một cánh cửa, nhấc một cái áo, gạt một nhánh lá khô trên đường đi.

Rút- sen, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng nghị viện Mỹ, thừa nhận: Chúng ta (Mỹ) phải đương đầu với đội quân du kích tài tình nhất và chưa từng thấy trong lịch sử loài người.

Vũ khí "made in Việt Nam"

Năm 1944, tại một xưởng nhỏ ở Bắc Ninh, Ngô Gia Khảm đã chế tạo mìn  mang tên VM (Việt Minh). Những quả mìn này sử dụng tiêu diệt 11 tên phát xít Nhật trong chiến khu Hoàng Hoa Thám năm 1945.

Súng cối 81 mm do Chi đội 10 Nam Bộ chế tạo bằng ống nước, dưới sự chỉ huy của đồng chí Huỳnh Văn Nghệ pháo kích vào đồn săn đá (đồn binh Pháp - Soldat) ở Biên Hòa đêm 31/12/1946, đã cổ vũ tinh thần đồng bào hướng về kháng chiến.

Tính riêng năm 1966, Mỹ thừa nhận một phần năm số lính Mỹ thương vong là do hầm chông và mìn của Việt Cộng và sau đó con số thương vong của lính Mỹ càng tăng.

Năm 1967, một nửa số lính Mỹ thương vong của Sư đoàn lính thủy đánh bộ số 1 Mỹ và một phần tư tổng số thương vong của toàn lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Việt Nam là do hầm chông, cạm bẫy.

Trận đánh càn bằng chông mìn, cạm bẫy, lao, nỏ của du kích Gia Lai với một trung đoàn địch, tháng 10/1952, do Núp chỉ huy. Trận này, du kích Gia Lai diệt nhiều tên địch phá vỡ trận càn của chúng. Ngày 31/8/1955, Núp được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông “Vua mìn đường 5” Nguyễn Văn Thòa, du kích Kim Thành, Hải Dương đánh bằng địa lôi tự tạo diệt quân tiếp viện trên đường số 5 đã làm đổ đoàn tàu địch và làm bị thương 1.017 lính  Âu Phi và nhiều sỹ quan Pháp.

Tiểu đoàn 307 ở Nam Bộ lừng danh về chiến công diệt 40 tàu địch trên Đồng Tháp Mười, năm 1950 bằng súng bazoka (súng phóng lựu đạn phản lực chống tăng).

Bazoka đầu tiên của Việt Nam do Hoàng Phúc và xưởng vũ khí Giang Tiên chế tạo phỏng theo mẫu của Mỹ (giữa 1946) và cùng Trần Đại Nghĩa thiết kế, hoàn chỉnh (cuối năm 1946), tổ chức chế thử đưa vào sử dụng lần đầu đã diệt xe tăng Pháp ở Trúc Sơn -  Chùa Trầm tháng 2/1947.

Một điều đặc biệt là các loại vũ khí ta nhận từ các nước viện trợ và cả vũ khí thu được của địch được quân giới Nam Bộ cải tiến, nối tầng đem lại hiệu suất chiến đấu cao.

Trận đánh bằng đạn ĐKB cải tiến, lắp ngòi nổ cối 82 mm và ngòi B40 do Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác thực hiện đã đánh chìm tàu trọng tải cỡ lớn của địch ngày 10/5/1968. Đây là loại vũ khí do Phòng Quân giới Miền nghiên cứu, thiết kế, Xưởng B109 chế tạo.

Ong cũng là vũ khí

Trong kháng chiến chống Mỹ, với phương châm Mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi căn nhà, đoạn đường, khúc sông, quả đồi, làng bản, khu phố... là trận địa giết giặc, các loại vũ khí thô sơ, tự tạo được quân và dân ta sử dụng hiệu quả, khiến kẻ thù nhiều phen kinh hoàng.

Nguyễn Văn Tư, sinh năm 1935, quê xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày, Bến Tre, người sáng tạo cách đánh bằng ong vò vẽ kết hợp với chông mìn.

Lần đầu tiên chưa có kinh nghiệm Nguyễn Văn Tư bị ong đốt sưng cả mặt, nhưng thấy cách đánh có hiệu quả anh đã sử dụng ong như một loại vũ khí hữu hiệu.

Với 30 trận sử dụng ong vò vẽ anh đã diệt và làm bị thương 50 tên địch khiến chúng hoang mang lo sợ, không dám đi càn. Trong một trận chiến đấu ngày 26/10/1964, Nguyễn Văn Tư bị địch bắn gẫy một chân và bị chúng bắt.

Mặc dầu bị tra tấn dã man, anh vẫn nêu cao tinh thần kiên cường, bất khuất không làm lộ bí mật bảo vệ cơ sở, bảo vệ đồng bào. Ngày 5/5/1964, Nguyễn Văn Tư được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trận đánh bằng bẫy đá nổi tiếng của du kích xã Phước Thành, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận năm 1964, do Pi - Năng Tắc chỉ huy, diệt và làm bị thương 80 tên địch làm cho cuộc càn quét với 400 quân của chúng phải bỏ dở. Ngày 5/5/1965, Pi - Năng Tắc được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đoàn Văn Chia, bộ đội địa phương Cần Thơ nổi tiếng đánh địch bằng ong vò vẽ, kết hợp với hầm chông, cạm bẫy. Đoàn Văn Chia đã tự chế và phổ biến 33 loại hầm chông, 10 loại mìn, nuôi và huấn luyện 100 đàn ong vò vẽ.

Nhiều trận đánh bằng loại vũ khí này của Đoàn Văn Chia đã làm cho cả một tiểu đoàn địch phải bỏ dở trận càn. Ngày 17/9/1967, Đoàn Văn Chia được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhân kỷ niệm 64 năm ngày thành lập nước CHXHCN Việt Nam và 40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức triển lãm Vũ khí thô sơ tự tạo - Di sản văn hóa quân sự Việt Nam đặc sắc.

Triển lãm giới thiệu 716 hiện vật trong số hàng ngàn hiện vật hiện đang lưu giữ tại bảo tàng. Bộ sưu tập gồm 18 loại vũ khí lạnh hay còn gọi là bạch khí gồm cung, nỏ, giáo, mác, chông, bẫy đá … và năm loại vũ khí nóng như mìn, lựu đạn, súng, đạn, thuỷ lôi...

Theo Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đây là bộ sưu tập hiện vật vũ khí thô sơ, tự tạo có một không hai, đầy đủ và hoàn hảo nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Triển lãm khai mạc từ ngày 1/9.

MỚI - NÓNG