Vướng mắc khi sang Lào làm việc

Vướng mắc khi sang Lào làm việc
TP - Theo Bộ KH - ĐT Lào, chính phủ nước này đã cấp phép cho 174 dự án của các nhà đầu tư Việt Nam với tổng số vốn đầu tư 899 triệu USD. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Việt Nam hiện đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án.
Vướng mắc khi sang Lào làm việc ảnh 1
Còn không ít vướng mắc khiến nhiều lao động có nhu cầu sang Lào làm việc vẫn chưa xuất ngoại. Ảnh: Thiện Phúc

Trong khi đó, nguồn lao động Lào tại các địa bàn có dự án đầu tư hiện đang thiếu về số lượng và trình độ tay nghề. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam phải đưa lao động và cán bộ kỹ thuật từ Việt Nam sang làm việc nhưng còn gặp nhiều vướng mắc.

Trước hết, về chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Theo quy định hiện hành của Việt Nam, NLĐ đi làm việc tại Lào nhưng hợp đồng lao động lại ký với Cty mẹ ở Việt Nam. NLĐ đóng BHXH trong nước theo hình thức tự nguyện và chỉ được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất, còn các chế độ khác (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động) đều bị BHXH từ chối.

Hơn nữa, khi NLĐ bị ốm đau không về được Việt Nam để điều trị mà phải điều trị tại Lào, các hóa đơn, chứng từ khi đưa về nước đều không được thanh toán.

Tiền lương chi trả cho NLĐ được thực hiện theo quy định của nhà nước Lào. Theo đó, tiền lương bình quân đạt 1.107.000 kíp/người/tháng; trong đó lao động trực tiếp khoảng 856.000 kíp/tháng (thống kê của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam).

Đây là mức lương chưa phù hợp với sức lao động. Nếu áp dụng theo thang bảng lương của Việt Nam để trả cho cán bộ thì rất thấp do giá cả sinh hoạt ở Lào đắt hơn nước ta hai lần.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành của Lào, các nhà đầu tư phải làm các thủ tục xin phép và đăng ký xin cấp thẻ lao động tại Bộ KH-ĐT, Bộ Lao động & Phúc lợi Xã hội, Cục Xuất nhập cảnh, Bộ An ninh, và các cơ quan tương ứng ở các địa phương của Lào. Đây là một điều kiện đánh đố các doanh nghiệp Việt Nam vì điều kiện đi lại rất khó khăn.

Trong khi đó, theo quy định của Lào, các Cty cổ phần chỉ được phép sử dụng 10 phần trăm lao động Việt Nam. Các Cty không được phép đưa NLĐ sang làm hợp đồng thời vụ.

NLĐ Việt Nam sang thực hiện dự án ở Lào chỉ được đi dưới dạng du lịch, hàng tháng phải về lại cửa khẩu hai nước làm thủ tục xuất nhập cảnh, rất khó khăn cho việc đi lại. Thêm vào đó, làm thủ tục tạm trú lao động cũng rất phiền hà và tốn kém.

Về các loại lệ phí (đăng ký tạm trú, làm thẻ lao động, thuế 10 phần trăm thu nhập...), các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng mức thuế theo quy định của Lào còn quá cao, chưa phù hợp với điều kiện tiền lương của NLĐ Việt Nam tại Lào.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân, do đặc điểm của thị trường lao động hai nước cũng như hình thức hợp tác, đầu tư song phương nên trong quan hệ hợp tác lao động chủ yếu mới chỉ có lao động Việt Nam sang làm việc có thời hạn tại Lào.

Cho đến thời điểm này, đã có khoảng 20 ngàn lao động và cán bộ kỹ thuật Việt Nam đang làm việc tại Lào; có gần 150 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế Việt Nam có hoạt động đầu tư, trúng thầu các dự án tại Lào.

MỚI - NÓNG