Vượt nỗi đau ung thư, éo le số phận thắp sáng con chữ nơi gian khó

Vượt nỗi đau ung thư, éo le số phận thắp sáng con chữ nơi gian khó
TPO - Vượt lên éo le số phận với nỗi đau ung thư, nỗi đau mất người thân, ba cô giáo người dân tộc thiểu số Lô Thị Thủy, Nông Thị Tuyến, Nông Thị Nga bền bỉ và nhiệt tâm gắn bó với nghề để thắp sáng ước mơ con chữ cho học trò nơi gian khó. Cả ba cô được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020.

Vừa trụ cột gia đình vừa cắm bản gieo chữ

 Cô giáo người dân tộc Thái Lô Thị Thủy (SN 1978, trường tiểu học Quang Phong 1) đã 24 năm gắn bó với học sinh vùng sâu vùng xa của huyện Quế Phong xứ Nghệ. Tốt nghiệp ngành sư phạm, cô cầm quyết định vượt đèo lội suối lên nhận công tác ở trường tiểu học Nậm Nhóng. Hai ngày đường, càng đi càng lắm dốc lắm đèo, có con dốc dựng đứng, trán người đi sau đụng gót chân người đi trước.

 Trường không có nhà công vụ hay ký túc xá nên cô ở nhờ nhà dân. Sáng đi dạy, chiều về lên nương cùng gia đình người dân, tối lại ngồi soạn bài bên ánh đèn dầu. Không chỉ phải đối diện với những khó khăn cuộc sống nơi vùng cao hoang vắng, lạnh giá, cô Thủy cảm thấy chạnh lòng khi cả năm chỉ về nhà hai lần dịp hè và Tết nguyên đán; nản lòng khi khác biệt ngôn ngữ.

 "Nhiều lúc muốn buông xuôi, nhưng khi nhìn thấy cuộc sống nơi đây nghèo khổ, trẻ em bữa đói bữa no, ăn mặc phong phanh. Có em mùa hè mỗi chiếc quần không có áo mặc, mùa đông không có áo ấm, rét tím tái. Thiếu thốn là thế, nhưng khi được các em vẫn nói thích được chữ lắm khiến tôi rơi nước mắt vì thương, vì xúc động và nhủ lòng phải cố gắng", cô Thủy chia sẻ.

 Cô luôn tự nhủ phải giúp các em học hành thành tài, thoát khỏi cái nghèo cái khổ. Cô luôn tìm phương pháp tạo hứng thú, cảm giác thoải mái học tập cho học sinh những giờ lên lớp; thường xuyên tâm sự để hiểu, chia sẻ và động viên các em có hoàn cảnh khó khăn. Cũng trong quá trình công tác cô cũng không biết bao lần đi vận động thuyết phục phụ huynh cho con đi học.

 Đang ở độ tuổi cống hiến, cô Thủy liên tiếp phải đón nhận những éo le số phận. Năm 2012 cô phát hiện mắc bệnh tuyến giáp khi đang mang song thai, vì thế sau sinh các con thường xuyên đau ốm. Năm 2017, chồng cô bị ung thư bao hoạt dịch khớp gối, phải mổ và điều trị tại bệnh viện K Trung ương ở Hà Nội.

Vượt nỗi đau ung thư, éo le số phận thắp sáng con chữ nơi gian khó ảnh 1 Cô Lô Thị Thủy được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020. Trong ảnh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng Võ Văn Thưởng và Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến trao tặng bằng khen. Ảnh; Xuân Tùng

 "Trong suốt 3 năm chồng điều trị tại bệnh viện ở Hà Nội tôi phải chia thời gian phù hợp để vừa làm tốt công tác giảng dạy, vừa dành thời gian thăm nom chồng. Nhiều lần cứ tối thứ 6 đón xe từ Quế Phong ra Hà Nội thăm chồng, 7 giờ tối chủ nhật lại đón xe từ Hà Nội về đến Quế Phong, khoảng 4 giờ sáng thì về đến nhà, tôi lại sửa soạn sách vở, giáo án, rồi chạy xe máy 27km đến trường cho kịp giờ dạy...

Nhưng rồi căn bệnh quái ác cuối cùng cướp đi sinh mạng của chồng tôi đúng ngày thi tốt nghiệp THPT của con trai - ngày 9/8/2020. Tôi tưởng chừng gục ngã, nhưng nhìn cảnh những đứa con thơ ngây tôi lại phải gắng gượng mạnh mẽ", cô Thủy bộc bạch.

 Cô trở thành trụ cốt của gia đình, vừa là bố vừa là mẹ nuôi dạy bốn đứa con, trong đó hai con lớn học đại học, hai con nhỏ mới học lớp ba. Hoàn cảnh khó khăn là vậy, cô Thủy vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường. Cô nhiều năm liền đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến...

 “Với tôi, được nhìn thấy nụ cười hồn nhiên trong sáng của các em là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời nhà giáo. Trồng cây sẽ có ngày hái quả. Có những cô cậu học trò cũ đã trưởng thành, có người làm bác sĩ, cán bộ, có em nay lại là đồng nghiệp. Ngày 20/11 hàng năm nhận được lời chúc từ các em cũng là niềm vui lớn của tôi cũng như tất cả mọi giáo viên trên khắp cả nước", cô Thủy chia sẻ.

“Lửa thử vàng gian nan thử sức”

Cô giáo người dân tộc Tày Nông Thị Tuyến (SN 1984, Trường tiểu học Minh Cầm, xã Đội Bình Yên Sơn Tuyên Quang) vượt qua hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những nỗi đau bệnh tật và số phận, để gắn bó với sự nghiệp "trồng người" trên quê hương.

Tháng 10/2008, cô xây dựng gia đình về làm dâu thôn Hải Thành (xã Thái Long, TP Tuyên Quang). Năm 2009, niềm vui òa đến khi vợ chồng cô đón đứa con đầu lòng, tiếp đó là cô trúng tuyển viên chức và được phân công về dạy ở trường tiểu học Thiện Kế. Nhưng niềm vui "ngắn chẳng tày gang" khi vợ chồng cô phát hiện con bị teo thực quản bẩm sinh và phải phẫu thuật; rồi con bị vàng da nhân dẫn đến bị câm điếc bẩm sinh.

Do đó, cô xin chuyển công tác từ trường đang dạy cách nhà 50km về trường tiểu học Minh Cầm cách nhà 10km để vừa hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy vừa có điều kiện chăm sóc, chữa trị cho con nhỏ. "Trời không phụ lòng người, khi 3 tuổi, con trai tôi đã tự cất được cổ và biết đi", cô kể.

 Năm 2015, nỗi đau khác ập đến, cô được bác sĩ chẩn đoán bị ung thư vú và phải phẫu thuật, điều trị. Những ngày điều trị, tinh thần và sức khỏe suy kệt sau mỗi đợt truyền hóa chất khiến cô nghĩ đến việc buông xuôi. Song nghĩ đến chồng con, người thân cô lại tự động viên, an ủi bản thân không được lùi bước mà phải cố gắng để chống chọi với căn bệnh này. Đặc biệt, cô còn vượt lên nỗi đau bệnh tật và điều kiện sức khỏe yếu để hoàn thành khóa học và thi tốt nghiệp đại học liên thông ở trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang).

Vượt nỗi đau ung thư, éo le số phận thắp sáng con chữ nơi gian khó ảnh 2 Cô Tuyến vinh chia sẻ trong chương trình tuyên dương rằng, những khó khăn đã trải qua là "lửa thử vàng, gian nan thử sức". Ảnh: Xuân Tùng

Đến nay cô đã 5 năm chiến đấu chống chọi với căn bệnh ung thư, chăm sóc gia đình và lên lớp dạy học. Côi vẫn luôn tự nhủ: “Cuộc chiến này chưa hề kết thúc, mình vẫn phải kiên cường đi tiếp dù có gì xảy ra đi nữa, vẫn phải học tập và cống hiến cho nghề mình đã lựa chọn”.

Bên cạnh việc dạy bôn môn thể dục và không ngừng tìm các biện pháp thu hút học sinh tập luyện, cô còn kiêm nhiệm y tế học đường, thư viện xanh ngoài trời ở trường. Cô cũng tham gia tích cực vào các phong trào và hoạt động Đội do nhà trường phát động như: hoạt động trải nghiệm sáng tạo tại Thu Cúc – Việt Trì – Phú Thọ, kết nạp đội tại Đình Hồng Thái – Tân Trào – Sơn Dương…; tham gia cùng Đoàn xã phát động đổi rác thải nhựa và lon bia lấy đồ dùng học tập, thi khéo tay hay làm vào dịp 20/10…

Góp sức đổi thay miền biên viễn
 Cô giáo Nông Thị Nga (SN 1993, dân tộc Tày) một mình gánh vác gia đình chăm sóc con bị khuyết tật trí tuệ, chồng mắc ung thư giai đoạn cuối, vẫn hoàn thành tốt việc mang ánh sáng tri thức đến học sinh ở Trường PTDTBT TH Lý Thường Kiệt, huyện Sa Thầy Kon Tum.

Sinh ra trong gia đình nghèo có 5 chị em gái, cô bé Nga sớm có ý thức và nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập và cuộc sống. Cô sớm phải tự lập khi đỗ vào học trường nội trú huyện Ngọc Hồi, rồi trường nội trú tỉnh Kon Tum cách nhà hơn 70km; khi trở thành sinh viên CĐ Sư phạm Kon Tum.

Cô lập gia đình khi đang là sinh viên năm thứ hai. Tháng 9/2012, cô sinh con gái đầu lòng khi chồng đang thực hiện nghĩa vụ quân sự ở gần biên giới Campuchia. Năm 2013, chồng cô xuất ngũ trở về, lại đổ bệnh và được bác sĩ chẩn đoán bị ung thư gan giai đoạn cuối. Gửi con thơ hơn 11 tháng ở nhà cho ông bà nội chăm, cô thuê trọ để vừa đi học vừa chăm sóc chồng. Sau mỗi buổi học cách chỗ trọ 20km, cô lại chạy vào bệnh viện chăm chồng.

"Thời gian ấy chỉ mình tôi chăm chồng, đến cả mặt con khóc thương nhớ mẹ ra sao tôi cũng không biết. Ròng rã một tháng trời bệnh viện trả về trong tuyệt vọng. Tôi khóc cạn nước mắt. Cả gia đình tôi bắt đầu đi tìm tia hy vọng mong manh để giành giật sự sống cho chồng tôi...

May mắn khi gặp được người bạn cũ, chồng đôi được mách xuống Viện kí sinh trùng Quy Nhơn khám bệnh và uống thuốc gần một tháng thì bệnh đỡ hẳn. Nhưng di chứng của căn bệnh để lại khiến chồng tôi đau đớn, vật vã với những căn bệnh cũ mới thay nhau phát; cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn vì nợ nần", cô Nga chia sẻ.

Năm 2018, khi con được 6 tuổi, bước vào lớp 1 mà chưa biết nói, cô phát hiện cháu bị khuyết tật trí tuệ. Đến tháng 4/2019, cô phát hiện mình bị u nang buồng trứng.

Vượt nỗi đau ung thư, éo le số phận thắp sáng con chữ nơi gian khó ảnh 3  Cô Nông Thị Nga chia sẻ trong chương trình tuyên dương tại Hà Nội, muốn góp sức để thay góp phần để vẽ nên ước mơ, tương lai tươi sáng hơn cho học trò nghèo nơi vùng khó. Ảnh: Xuân Tùng

Khó khăn là vậy, nhưng cô không ngừng nỗ lực vươn lên. 5 năm gắn bó với trường PTDTBT TH Lý Thường Kiệt ở xã biên giới Mô Rai huyện Sa Thầy, cô không ngừng phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

"Hiện tại số tương của tôi vừa lo cho bản thân, hai con gái, bà nội và chồng đi học 4 năm ròng rã mới tốt nghiệp chưa có việc làm, nhưng với tôi niềm hạnh phúc này đã quá lớn với bản thân. Tôi sẽ cố gắng hết mình để vừa giỏi việc nước, đảm việc nhà, là một đảng viên gương mẫu để đồng nghiệp tin yêu, được nhân dân kính trọng", cô chia sẻ.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.