Vượt núi chữa bệnh cho người nghèo

Bác sỹ Y Khíu Knul nhận giải thưởng Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016. Ảnh: Xuân Tùng.
Bác sỹ Y Khíu Knul nhận giải thưởng Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Tích cực hoạt động đoàn thể và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bác sỹ Y Khíu Knul, sinh năm 1989, Khoa Nội - Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột (Đắc Lắk) là một trong 10 người nhận giải thưởng Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016.

Tại lễ trao giải thưởng Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu 2016 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức, bác sỹ Y Khíu Knul nổi bật với bộ trang phục đặc trưng của đồng bào Ê Đê, nơi đại ngàn Tây Nguyên. Bác sỹ Knul là gương mặt trẻ nhất trong 10 bác sĩ tiêu biểu được nhận giải thưởng. Trước đó, Knul từng nhận nhiều khen thưởng của Hội LHTN tỉnh Đắk Lắk, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Đắk Lắk vì thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn và phong trào thanh niên.

Từ khi còn là sinh viên, Knul tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tình nguyện của Đoàn, Hội. Tốt nghiệp đại học năm 2014,  Knul về công tác tại Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột. Bên cạnh công tác chuyên môn, anh thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện. Riêng trong năm 2016, Knul đã 5 lần cùng Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Chi hội Thầy thuốc trẻ Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột tham gia hoạt động khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc khó khăn.

“Xuống địa phương, mình có điều kiện hơn để tiếp xúc, thăm khám và tư vấn cách chăm sóc sức khoẻ cho người dân; đồng thời hiểu về lối sống, môi trường nắm rõ hơn các triệu chứng, bệnh lý và nguyên nhân gây bệnh. Thực tế cơ sở là trường học và mỗi người dân, người bệnh là người thầy của mình”. 

Bác sỹ Y Khíu Knul

Nhớ lại những chuyến đi tình nguyện, Knul đã không ít lần phải đi bộ vượt đường đất để vào xã, nhường xe công nông, xe bò tăng bo vận chuyển thiết bị, thuốc men. Tại những địa bàn vùng sâu vùng xa thường gặp nhiều loại bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét, tiêu chảy… Nguyên nhân chủ yếu do thói quen sinh hoạt, vệ sinh môi trường sống và ý thức chăm sóc sức khoẻ. Knul nhớ nhất lần vào xã Nam Ka (huyện Lắk) gặp trường hợp một nam thanh niên đang giai đoạn sốc tiền sốt xuất huyết. Người nhà không biết mức độ bệnh chỉ cho ở nhà nằm đắp chăn và uống nước đun sôi khiến tình trạng bệnh nhân thêm nguy kịch. Bằng kiến thức chuyên môn, Knul đã xử lý theo phác đồ điều trị cho bệnh nhân, đồng thời tư vấn cho người nhà cách chăm sóc. 

Cũng có trường hợp người cao tuổi bị huyết áp cao, sau thời gian điều trị ổn định thì dừng dùng thuốc khiến huyết áp không ổn định, đau đầu. Sau khi thăm khám, phát thuốc, bác sỹ Knul tư vấn, khuyến cáo để người bệnh biết cách sử dụng thuốc khoa học nhất. 

“Những ngày tháng vào tận bản làng thăm khám, chữa bệnh cho đồng bào, tôi có được nhiều sự trải nghiệm đặc biệt. Người dân đã có ý thức tìm đến cơ sở y tế và uống thuốc khi có bệnh. Nhưng, với tâm lý “có bệnh vái tứ phương”, không ít gia đình có người bệnh vẫn kết hợp uống thuốc với tổ chức cúng bái cầu sức khỏe. Điều đó khiến tôi vẫn còn trăn trở nhiều”, bác sĩ Knul chia sẻ.

Hoạt động thiện nguyện

Bác sỹ Knul bộc bạch, trong quá trình công tác tại bệnh viện, nhất là sau mỗi chương trình khám bệnh tình nguyện, anh càng thấy những gì mình đã làm còn quá nhỏ bé, và muốn cống hiến nhiều hơn trong việc tư vấn, chăm sóc sức khỏe người dân. “Tôi là người Ê Đê nên không gặp rào cản về ngôn ngữ, dễ dàng trao đổi, nắm bắt triệu chứng bệnh lý để điều trị và tư vấn chăm sóc đồng bào tốt hơn”, Knul nói.

Gắn bó hơn với công việc khám chữa bệnh sau mỗi chuyến đi, Knul càng mong muốn có thêm nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, nhiều loại thuốc để khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ tốt hơn cho người dân.

Bác sĩ trẻ Knul cũng có nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại các khoa, phòng của bệnh viện. Không chỉ tổng hợp danh sách bệnh nhân nghèo, Knul còn vận động và cùng với các đồng nghiệp trực tiếp chia sẻ, hỗ trợ họ. Có bệnh nhân cao tuổi bị phổi tắc nghẽn mạn tính có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn đã được Knul và các đồng nghiệp thay nhau chăm sóc, chia sẻ cơm, góp tiền về quê khi xuất viện. Bác sỹ Knul còn tham gia chương trình nấu và phát cơm miễn phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện vào thứ Bảy hằng tuần.

MỚI - NÓNG