Vượt qua giới hạn của khổ đau

Vượt qua giới hạn của khổ đau
TP - Nhìn Nga trên bục giảng của trường ĐH, tôi không tưởng tượng được rằng nữ giảng viên trẻ ấy là nạn nhân chất độc da cam đã phải trải qua một tuổi thơ đầy bất hạnh.

Cuộc đời cô như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại mà ở đó ý chí đã chiến thắng định mệnh khắc nghiệt…

Bi kịch lúc chào đời

Sau chiến tranh, ông Đồng Kim Lý trở về quê hương ở Phù Ninh – Phù Lưu (Thủy Nguyên – Hải Phòng) và lập gia đình với bà Nguyễn Thị Phương. Trong thời gian chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, ông đã nhiễm chất độc da cam.

Khi vợ ông sinh đứa con đầu lòng, đứa bé không có mắt, không mũi, không miệng. Vợ ông dường như không tin vào mắt mình, bà đã quá đau đớn ngất đi.

Hai năm sau, năm 1980, bà Phương mang thai lần thứ hai sinh ra  Đồng Thị Nga, nhưng đó cũng lại là một hài nhi không bình thường. Toàn thân bé gái được bao bọc bởi một lớp da như vẩy cá, chảy nước và lở loét, bốc mùi rất khó chịu.

Thương con bà Phương đã bán tất cả của cải trong nhà, tìm đủ mọi cách, phương thuốc để chữa trị cho con nhưng căn bệnh quái ác lại không hề thuyên giảm. Vợ chồng ông Lý lâm cảnh khó khăn.

Tạm quên đi nỗi đau, với niềm hy vọng mới, những đứa trẻ lần lượt ra đời. Nhưng năm lần bà Phương sinh con, thì bốn lần ông Lý phải chôn những đứa con không thành hình của mình.

Vì chưa hiểu biết được tác hại di chứng của chất độc da cam, ông Lý đã đổ tội cho bà Phương là “ăn ở thất đức nên trời phạt”. Rồi ông lao vào rượu chè, đánh chửi vợ, đập phá đồ đạc, trong đó có chiếc ti vi là tài sản lớn nhất của gia đình.

Vượt qua giới hạn của khổ đau ảnh 1
Đồng Thị Nga (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn thời đại học

Năm 1987, ông viết đơn ly dị vợ. Bà Phương vì quá đau khổ và uất ức nên chấp nhận ký vào đơn. Thương con, những giọt nước mắt cứ liên tục rơi trên má của người phụ nữ bất hạnh.

Trong cơn quẫn bách, bà đã tìm đến cách tự vẫn, nhưng rất may anh trai bà đã kịp thời ngăn cản bằng một cái tát và lời trách móc: “Đồ hèn, cô mà chết để con cho ai nuôi?”.

Người phụ nữ ấy đã kịp thời tỉnh ngộ, nén nỗi đau và nuốt những giọt nước mắt vào trong tiếp tục sống để nuôi con.

Thấm thoát Nga đã lên sáu tuổi. Nhìn bạn bè tung tăng đến trường, cô bé cũng muốn được như các bạn. Để cho con thỏa lòng, bà Phương đã sắm dụng cụ học tập để Nga được đi học.

Ngày đầu đến trường, bạn bè nhìn Nga với sự kỳ thị khiến thầy chủ nhiệm không dám nhận cô bé vào lớp. Dắt con về nhà, lòng người mẹ đau như cắt. Những giọt nước mắt lại rơi như để vơi đi điều không thể nói bằng lời. Bà đã trở thành cô giáo bất đắc dĩ của Nga.

Lên 7 tuổi, cô bé đã đọc thông viết thạo. Người mẹ ấy lại đến cầu xin nhà trường nhận Nga vào học. Xúc động trước sự kiên trì và tình thương bao la của người mẹ, ban Giám hiệu đã đặc cách cho Nga vào học lớp 2. Cô bé vui sướng và rất chăm chỉ học tập.

Nhưng giữa một tập thể, Nga vẫn trở nên cô độc, bơ vơ bởi sự xa lánh của bạn cùng lớp. Cô Hiệu trưởng phải gọi bà Phương lên thông báo về việc có một vài phụ huynh viết đơn mong nhà trường đình chỉ học tập đối với Nga, vì họ lo sợ con họ sẽ bị lây nhiễm căn bệnh kỳ lạ ấy. B

à mẹ đã quỵ xuống, van nài: “Tôi xin cô, cô đừng đuổi học con tôi! Không cho cháu học cái chữ để kiếm cái nghề, sau này tôi chết đi, cháu nó sinh sống bằng gì?”. Cảm thông cho tấm lòng người mẹ cô Giáng Hương đã bảo lãnh cho Nga tiếp tục học.

Sau đó một thời gian, bà Phương tái giá với một người đàn ông đã góa vợ, có 4 đứa con riêng. Dù cuộc sống có nhiều khó khăn, nhưng mọi người trong gia đình rất thương yêu nhau.

Bên cạnh việc làm kế toán ngành lương thực ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), bà Phương còn làm đủ mọi việc như: nuôi lợn, làm đá, làm kem, giao gạo. Nga đã tự nhủ phải học thật tốt để báo đáp công ơn của người mẹ.

Cô đã tốt nghiệp loại giỏi Trường trung học phổ thông năng khiếu Trần Phú. Nhưng ước mơ của cô bé tật nguyền không chỉ dừng lại ở đó. Nga muốn được đi thi đại học và xin phép mẹ lên Hà Nội ôn thi. Người mẹ vì thương con nên đã chiều theo nguyện vọng chính đáng đó.

Trong cái nắng hè oi bức ngột ngạt của Hà Nội, bệnh của Nga nặng hơn. Những lớp da bắt đầu sùi lên, lở loét, móng chân và móng tay nứt nẻ rỉ máu gây đau đớn. Bà Phương lại lên chăm sóc con ôn thi.

Với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, niềm vui của Nga thật sự dâng trào khi nhận được giấy báo trúng tuyển của 2 trường đại học: Đại học Công đoàn và Đại học Kinh tế Quốc dân.

Hồi kết có hậu

Vì lí do sức khỏe, Nga không thể tiếp tục việc học đại học trên Hà Nội. Cô bé lo lắng, hoang mang, buồn phiền. Đúng lúc đó, bà Phương nghe lời một số người khuyên xin chuyển cho con đến trường Đại học dân lập Hải Phòng.

Nga được vào học khoa Quản trị kinh doanh, khóa 1998 – 2002. Dù đã là sinh viên đại học, nhưng Nga vẫn không tránh khỏi ánh mắt kỳ thị và sự xa lánh của các bạn cùng lớp.

Trong khi bạn bè tung tăng với những bộ quần áo, kiểu tóc thời trang, thì Nga lúc nào cũng chỉ mặc quần dài, áo dài tay kín cổ và để mái tóc dài để che đi bệnh tật trên cơ thể.

Đầu năm 1998, thầy Hiệu trưởng nhận được hai bức thư đặc biệt. Bức thư thứ nhất là của một phụ huynh có con trai học cùng lớp với Nga. Dù rất thương, muốn bảo vệ che chở cho Nga nhưng cậu đã không đủ tự tin.

Bức thư thứ hai là của một người đàn ông với những dòng như sau: “Thưa ông! Tôi là một người bất hạnh. Tôi cam đoan với ông rằng, đời tôi là một vở kịch có hồi kết đau thương nhất.

Bất hạnh này, một phần do chính tôi gây ra. Tôi đã hành hạ vợ và bỏ cô ấy một cách tàn nhẫn, vì nghi ngờ cô ấy ăn ở thất đức lên mới sinh ra những đứa con dị dạng quái thai.

Bây giờ tôi vô cùng ân hận và đau khổ vì biết đích xác mình đã bị nhiễm chất độc da cam. Thưa ông! Con gái tôi đang học ở trường đại học do ông làm hiệu trưởng. Cháu bị nhiễm chất độc da cam. Các bạn trong lớp không hiểu lên sợ hãi và xa lánh cháu.

Có bạn còn đề nghị đuổi cháu ra khỏi lớp. Ông ơi! Tôi van ông, ông hãy giúp con tôi để cháu yên tâm học tập. Nó là niềm hy vọng cuối cùng của cuộc đời tôi, là giọt máu cuối cùng của trái tim bệnh hoạn của tôi. Nếu con gái tôi có mệnh hệ gì, thì tôi sẽ chết”.

Lá thư ấy đã khiến thầy Trần Hữu Nghị rất xúc động. Sau khi tìm hiểu gần 5.000 sinh viên của trường, thầy đã tìm được Đồng Thị Nga và triệu tập toàn trường để nói về hoàn cảnh của cô.

Từ hôm đó, mọi người đã hiểu, thông cảm và gần gũi hơn với Nga. Trên cương vị hiệu trưởng, thầy Nghị đã ra quyết định: miễn toàn bộ học phí trong 4 năm học (khoảng 10 triệu đồng).

Với sự khích lệ đó, cuối học kỳ đầu tiên, Nga đã đạt điểm 9,05 và nhận được học bổng khích lệ của trường (800 nghìn đồng). Với tấm lòng nhân ái, cô sinh viên xuất sắc đó đã trích ra 300 nghìn đồng để ủng hộ đồng bào miền Trung đang bị lũ lụt.

Việc làm của Nga khiến cho mọi người cảm động. Sau đó, Nga đã được bầu làm lớp phó học tập của lớp Quản trị kinh doanh 206. Cuối năm học, Nga là 1 trong 3 sinh viên xuất sắc nhất trường với điểm tổng kết 7,6.

Sau 4 năm học tập, năm 2002, Đồng Thị Nga đã tốt nghiệp trường Đại học dân lập Hải Phòng với tấm bằng đỏ và được giữ lại làm giảng viên, Đồng thời, Nga cũng là sinh viên đầu tiên của trường được cử đi học Thạc sỹ kế toán kiểm toán ở Đại học Charler Stus (Malaysia). Trước lúc lên đường du học, Nga có để lại cho mẹ bức thư rất ngắn, Bức thư đề: 7 giờ kém 15’ ngày 7/12/2003.

“Mẹ ơi!

Con đi mẹ đừng buồn nhé, con sẽ cố gắng học tốt. Mẹ đừng khóc nhiều vì nước mắt chẳng giải quyết được gì đâu. Con muốn nói với mẹ nhiều lắm. Mẹ là tất cả đối với con. Mẹ hãy giữ gìn sức khỏe nhé. Con sẽ không sao đâu”.

Những dòng chữ ngắn ngủi nhưng nó chứa đựng quyết tâm rất cao của Nga. Thầy Trần Hữu Nghị đã nhận xét: “Nga là một sinh viên mẫu mực trong chiến đấu bằng ý chí và nghị lực, là niềm tự hào của nhà trường”. Sau 2 năm học tập, Nga đã về nước với tấm bằng Thạc sỹ, tiếp tục công việc giảng viên khoa Quản trị kinh doanh của trường Đại học dân lập Hải Phòng.

Đằng sau sự thành công của Đồng Thị Nga, ngoài sự cố gắng của bản thân cô, còn có bóng dáng tần tảo của người mẹ, sự dìu dắt của thầy cô, sự yêu thương đùm bọc của bạn bè.

Có thể vì cô như một cây xương rồng xù xì trên sa mạc đã nở hoa. Cô đã bước qua ranh giới của khổ đau, nước mắt và mặc cảm để chiến thắng định mệnh khắc nghiệt. Ở tuổi 28, Nga đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng (tháng 6 năm 2003).

MỚI - NÓNG