Xả thân cứu dân trong lũ

Thiếu úy Dương và sáng kiến giá trượt cho cano, xuồng nhôm lên xuống
Thiếu úy Dương và sáng kiến giá trượt cho cano, xuồng nhôm lên xuống
TP - Thiếu úy Trần Tuấn Dương, Phòng Kỹ thuật, Lữ đoàn Phòng không 573 (Quân khu 5) được đơn vị, nhân dân khắp vùng khâm phục bởi tinh thần quên mình xả thân cứu hàng trăm người dân thoát khỏi cơn đại hồng thủy. 

Trắng đêm đạp sóng cứu người

Gặp thiếu úy Dương (32 tuổi) khi anh tất bật sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện ở đơn vị. Thiếu úy trẻ này từng trở thành chỗ dựa vững chắc cho người dân trước bão lũ. Trận lũ lịch sử tháng 11/2013, chỉ tích tắc nước phủ ngầu đục khắp vùng An Nhơn (Bình Định). 

Chiều 15/11, nhận chỉ đạo đơn vị, thiếu úy Dương cùng 4 cán bộ chiến sĩ khẩn tốc cơ động xuống cứu hộ, trực chỉ vùng trọng điểm xã Nhơn Lộc (An Nhơn). 

Trong đêm, con xuồng rẽ dòng nước đục ngầu cuộn xiết, đánh lái vào nhà dân, bồng bế người lên xuồng rồi tức tốc đưa về vị trí cao ráo. Nhiều lúc, gặp địa hình hiểm trở không thể đánh xuồng vào sâu, anh Dương cùng cán bộ chiến sĩ nhảy khỏi xuồng, ngụp lặn dưới dòng nước sâu. Ngay đêm 15/11, đội tàu anh Dương cứu cả trăm người, chủ yếu người già, trẻ nhỏ vùng Nhơn Lộc.

“Hành động quên mình xả thân cứu người trong bão lũ thiên tai của Dương mang đậm hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ, sẵn sàng bảo vệ, giúp dân trong mọi hoàn cảnh, mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Tuổi trẻ quân khu nhân rộng điển hình, tấm gương như thiếu úy Dương để động viên, khích lệ nhất là chiến sĩ trẻ nêu gương, học tập”.

Trung tá Lê Việt Thắng, Trưởng ban Thanh niên Quân khu

Rạng sáng 16/11, tổ lái anh Dương chỉ kịp nghỉ lấy sức, rồi tiếp tục đánh lái tàu về khu vực Hòa Nghi (P.Nhơn Hòa). Tiếng chị Lê Thị Hòa (24 tuổi, Hòa Nghi) khóc khản đặc trên quốc lộ 19. Suốt đêm, chị Hòa mong tin con gái 18 tháng tuổi đang gửi nhà bà ngoại bị nước lũ cô lập. 

Tình thế nguy cấp, không chần chừ anh Dương đánh xuồng về phía đỉnh lũ. Căn nhà mẹ chị Hòa lúc này ngập lên gần nóc, hai bà cháu đánh đu trên xà nhà chờ người ứng cứu. “Chỉ cần chậm vài phút, tính mạng 2 bà cháu khó giữ”, anh Dương nhớ lại.

Cứ thế, hàng chục người dân được tổ lái của thiếu úy trẻ ứng cứu. Đặc biệt, trường hợp 2 chị em cụ già 90 và 91 tuổi ở khu vực Hòa Nghi bị cô lập giữa đỉnh lũ. Trưa 16/11, khi xuồng cứu hộ anh Dương tới, cũng là lúc nước lũ ngập quá giường.

Mất hơn chục phút dùng xà beng phá cửa, mọi người vào được nhà bế các cụ ra xuồng, thoát lũ an toàn. Trước đó, anh Dương kịp thời cứu hộ một cụ già bị câm, một mình trong nhà khi lũ cô lập.

Bụng đói, người mệt lả, không phút nghỉ ngơi, anh Dương cùng đồng đội tiếp tục đánh xuồng sang khu vực Phước Sơn (Tuy Phước, Bình Định) đang bị cô lập hoàn toàn. Anh Dương kể, nhiều lúc chạy nhanh, xuồng chao đảo suýt bị đánh úp. Hộ dân cuối cùng được đưa lên xuồng đến vị trí cao cũng là lúc đồng hồ điểm 22 giờ đêm.

Theo Đại tá Trần Quốc Dũng, chỉ huy Lữ đoàn, 2 ngày cứu hộ giúp dân, tổ lái của anh Dương ứng cứu hơn 200 người dân thoát đại hồng thủy, kịp thời tiếp tế hàng trăm thùng mì tôm, nước uống cho đồng bào bị cô lập.

Ít ai biết, nhà anh Dương ở khu vực Phú Sơn (P.Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, Bình Định) chỉ cách Lữ đoàn chừng cây số, vợ vừa sinh cháu nhỏ 2 tháng tuổi. Khi về nhà, thiếu úy trẻ mới hay 3 mẹ con nhiều đêm thức trắng, vì bị nước ngập vào nhà gần 1m, nhưng không báo tin để chồng yên tâm làm nhiệm vụ.

Nhà sáng chế tài ba

Quê gốc Hà Tĩnh, từ nhỏ Dương theo gia đình vào định cư Đắk Lắk. Năm 2002, anh Dương nhập ngũ tại Lữ đoàn 573, tiếp tục theo học tại trường Sỹ quan Quân sự Trần Đại Nghĩa, chuyên ngành kỹ thuật ô tô, xe máy. Ra trường, chiến sĩ trẻ về lại đơn vị, công tác tại phòng kỹ thuật, kiêm học lái ca nô, chứng chỉ điều khiển phương tiện tìm kiếm cứu nạn.

Thường ngày, anh Dương vùi đầu vào đống máy móc nghiên cứu. Tham gia cứu hộ trong trận lũ lịch sử năm 2013 khiến anh nhận thấy việc vận chuyển xuồng nhôm rất khó khăn, cần đến 12 người kéo đẩy.

 Nhiều lúc xuồng mất thăng bằng ngã đổ, dễ gây tai nạn, nên cần có giá trượt cho xuồng lên xuống. Hơn 5 tháng trời, anh mày mò đục cắt, lắp ghép hệ thống giá đỡ, con lăn, tính toán độ dốc lên xuống cho xuồng. “Khó nhất là đo chính xác tỉ lệ chiều cao, chiều dài giá trượt sao cho gọn nhẹ, xuồng không bị lệch tâm”, anh Dương kể. 

Ngày “dự án” hoàn thành, cả đơn vị ngỡ ngàng khi chỉ 2 người với hệ thống giá trượt, xe kéo, chiếc ca nô, xuồng nhôm nhẹ nhàng di chuyển đến mọi vị trí. Tại đợt triển lãm sáng kiến chiến sĩ (tháng 2/2014) tại Quy Nhơn, mô hình giá trượt của anh Dương được Phó tư lệnh Quân khu 5 Nguyễn Quy Nhơn đánh giá cao, hứa nhân rộng ra các đơn vị trong quân khu.

Hầu như năm nào anh Dương đều cho “ra lò” những cải tiến kỹ thuật phù hợp với nhu cầu thực tiễn, khắc phục được hạn chế trong huấn luyện, triển khai nhiệm vụ. 

Theo anh Dương, các sáng kiến có thể đơn giản, nhỏ hẹp nhưng gắn trực tiếp nhiệm vụ huấn luyện, đời sống của cán bộ chiến sĩ. Đơn giản như sáng kiến bơm xăng xe, tạo độ ổn định khi xe đi đường dài. 

Thiếu úy Dương đang ấp ủ triển khai sáng kiến mở liêm pháo, giảm nhân công và an toàn cho bộ đội khi huấn luyện. Với những sáng kiến của mình, thiếu úy Dương góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tạo sự ổn định, tuổi thọ cho các phương tiện. 

Nhiều công trình như “Mũ phòng chống bão lụt”, “Mở bộ liên hợp của xe quân sự” trở thành thương hiệu riêng của nhà sáng chế Trần Tuấn Dương. 

Với những thành tích này, năm 2013, anh Dương được đơn vị trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; là điển hình duy nhất được Quân khu 5 chọn từ 8 hồ sơ các đơn vị đầu mối, dự giải Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.