Xâm hại tình dục - Nỗi đau còn giấu kín

Xâm hại tình dục - Nỗi đau còn giấu kín
Hai trong số không ít câu chuyện xâm hại nhân phẩm sau được ghi lại từ một nghiên cứu của bà Nguyễn Thu Hương, công tác tại Bộ môn Nhân học, ĐHQG Hà Nội, cho chúng ta biết được sự thật về việc một số trẻ đã bị xâm hại tình dục như thế nào.

Bố mẹ Phương, 23 tuổi, ly dị từ khi em 14. Hai năm sau, mẹ đi bước nữa với một người đàn ông goá vợ đã có con trai 3 tuổi.

Mẹ bán hàng xén ngoài chợ, thường dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị. Một đêm Phương chợt tỉnh giấc, thấy có người chui vào trong màn, sờ soạng ngực em. 

Em sợ run lên, cố mở mắt nhìn thì ra là bố dượng. Hoảng hốt, em bật dậy kêu. Ông ấy bịt mồm không cho em la, đẩy em nằm xuống giường rồi thì thầm nói “cho dượng sờ một tý”. Rồi ông ta bò lên giường, em cố đẩy ra nhưng không được... 

Khi đứng dậy, ông ấy lấy cái khăn lau bàn ra lau đùi em. Em giả bộ ngất đi. Lúc đó, em đâu có biết gì về tình dục. Em chỉ biết mang máng về hành kinh, rồi có em bé, vậy thôi. Cho nên em thấy ngại không dám nói với ai. 

Lần thứ hai, hôm đó em đang ngủ trưa, ông ta lại mò vào. Em nói sẽ mách mẹ nhưng ông ta bảo đã hỏi ý kiến mẹ em rồi và mẹ cho phép. Tối hôm đó, em kể với mẹ. Mẹ thực sự choáng váng và đã nói lại với ông ta. Ông ta hứa không làm gì em nữa. 

Nhưng hai tháng sau, em mất kinh, mẹ phải đưa xuống huyện phá thai. Tin đồn em ngủ với bố dượng rồi có thai lan ra. Mẹ làm đơn kiện, toà xử ông ấy 10 năm. Gia đình tan nát, không thể ở làng được nữa, em bỏ đi.

Lên thành phố, em xin được chân rửa bát. Làm đó một thời gian, có người mách quán cà phê đang tuyển nhân viên. Em xin vào mà không biết đây là quán mại dâm trá hình. Ngay hôm đầu tiên, ông chủ đã ép em ngủ với hắn, rồi bắt em tiếp khách. Hắn doạ đánh em nếu cứ bướng bỉnh không nghe lời...

Bây giờ em làm ở vũ trường. Từ hồi làm nghề này, em vẫn thường bị khách hành hung. Nhưng biết làm sao, khi ở trong phòng một mình với khách thì phải chấp nhận.

Em tự giải thoát bằng cách tự tách rời tâm trí mình trong lúc thân thể bị người ta dày vò, giả tưởng như mình đang ở nơi khác, hoặc nhìn lên trần nhà, coi như không có ở đó. Em đóng mọi cảm giác lại. 

Em khinh ghét đàn ông, thậm chí chán ghét cả cuộc sống. Nhưng em không còn lựa chọn nào khác...

Nạn nhân 9 tuổi

Tội ác thô bỉ đó đã diễn ra. Suốt bao nhiêu năm, em rơi vào trạng thái tinh thần hoảng loạn. Hồi ấy em chỉ 9 tuổi. Có một ngày, bọn nó bốn đứa ở cùng khu, đưa em đi sân vận động, rồi chúng giở trò…

Ngày hôm sau, một thằng trong nhóm lại đưa em ra sân vận động, đè em xuống. Xong nó cho em kẹo và ít tiền.

Em chỉ là một đứa trẻ con, chẳng biết gì cả. Một năm sau, mỗi khi nghĩ đến chuyện đó, em vẫn thường tưởng tượng ra những điều tương tự. Thậm chí từ năm 13 tuổi đến nay, dù không còn bị ám ảnh, em vẫn thi thoảng thủ dâm.

Em thấy đàn ông thật khó tin. Em sợ bị gạt nữa. Vì thế em thường giữ khoảng cách với họ. Ngay cả bây giờ em luôn cảm thấy cô đơn, chỉ mong có ai đó để chia sẻ tâm tư, tình cảm. Bạn bè thường nói em lập dị.

Em trở nên quá nhạy cảm. Mỗi khi nghe người ta nói đến những vụ hiếp dâm, em giật mình, hoang mang và sợ hãi. Thực lòng mà nói, bây giờ em gần như ổn rồi, nhưng thi thoảng vẫn buồn.

Lời kết

Câu chuyện của các nạn nhân cho thấy xã hội hiện nay đang diễn ra rất phức tạp. Nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục có thể xảy ra bất cứ đâu, ngay cả ở những nơi tưởng như an toàn nhất.

Điều đáng nói ở đây là hậu quả để lại cho những nạn nhân bị hành hạ lúc còn nhỏ sẽ rất nặng nề.

Theo bà Nguyễn Thu Hương, chuyên gia tâm lý, công tác tại bộ môn Nhân học, ĐHQG Hà Nội, người tiếp xúc với những nạn nhân nói trên, phần lớn những em bị xâm hại tình dục lúc nhỏ thường gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình hồi phục. 

Họ đều trải qua những hội chứng tâm lý hậu chấn thương như: đánh mất lòng tự tôn, trầm cảm, tính tình bất thường, xấu hổ về chuyện cũ, từ đó dễ vướng vào tệ nạn xã hội, chưa kể đến những hậu quả về sức khoẻ như không còn khả năng sinh sản. 

Câu chuyện của các nạn nhân là lời tố cáo những kẻ dâm ô mất hết tính người, cũng là hồi chuông một lần nữa cảnh tỉnh xã hội về bảo vệ đến cùng quyền lợi của trẻ em.

Theo Lan Hương
Dân trí

MỚI - NÓNG