Xây dựng quỹ nghiên cứu khoa học cho sinh viên

TPO - Đó là đề xuất của các đại biểu tại Trung tâm thảo luận số 3 với chủ đề: “Sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học” diễn ra vào chiều nay 10/12 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo các đại biểu, để những đề tài nghiên cứu khoa học không bị xếp vào góc bàn, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam cần phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp để các đề tài thực sự đáp ứng nhu cầu thực tiễn, giải quyết vấn đề thực tiễn đề ra.
Xây dựng quỹ nghiên cứu khoa học cho sinh viên ảnh 1

Chị Chu Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội SVVN tăng biểu trưng ĐH Sinh viên lần thứ X cho đại diện trường ĐH Bách khoa Hà Nội tại Trung tâm thảo luận số 3. Ảnh: Như Ý.

Giải bài toán kinh phí

Điều Minh Châu, sinh viên ĐH Dược Hà Nội chia sẻ, việc nghiên cứu khoa học trong môi trường kỹ thuật như ngành Dược khá là khó khăn vì yêu cầu nghiên cứu ra những cái chưa có sẵn. Hiện tại, trường Dược có tới hàng trăm công trình nghiên cứu tầm cỡ nhà trường và cả nước.

Trường ĐH Dược Hà Nội có rất nhiều nhóm nghiên cứu khoa học tự thành lập, có kinh phí hỗ trợ từ nhà trường, hoặc tự xin kinh phí từ bên ngoài để tiến hành nghiên cứu. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên còn tổ chức các buổi trao đổi thông tin, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Thực tế, sinh viên trường Dược năm thứ nhất, năm thứ 2 đã bắt đầu nghiên cứu khoa học.

Từ thực tế câu chuyện nghiên cứu khoa học trong sinh viên, Minh Châu đề xuất Hội Sinh viên cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, thành phố có một quỹ hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học, có thư viện riêng để sinh viên tìm hiểu thông tin và đóng góp trí tuệ trong nghiên cứu khoa học. Công tác tuyên dương những người có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc cần được tổ chức trang trọng để nâng lên giá trị của sản phẩm cũng như ghi nhận đóng góp xứng đáng của sinh viên.

Xây dựng quỹ nghiên cứu khoa học cho sinh viên ảnh 2 Theo bạn Điều Minh Châu cần xây dựng quỹ Hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: Như Ý

Lê Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Tài chính giới thiệu Học viện Tài chính đang áp dụng mô hình đào tạo hướng dẫn chuyên sâu một số sinh viên có khả năng về nghiên cứu khoa học vừa có khả năng chia sẻ, truyền cảm hứng; thành lập mô hình “Lớp sinh viên giúp sinh viên”, và đưa mô hình này vào tiêu chí xét đạo đức hàng năm tại Học viện Tài chính.

Hồng Nhung cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học, các CLB học thuật thường khô khan nên để thực sự gần gũi, hấp dẫn sinh viên cần sáng tạo thông qua các trò chơi để cuốn hút sinh viên bằng cách sân khấu hoá.

Bên cạnh đó, để không quá phụ thuộc vào nhà trường trong việc huy động quỹ hỗ trợ học tập, sáng tạo và nghiên cứu khoa học, các bạn sinh viên có thể biến các ý tưởng sáng tạo của mình thành thực tế để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Thay vì bị động trong nghiên cứu khoa học thì hãy tìm kiếm những khó khăn của doanh nghiệp, những điều mà thực tiễn đang cần để nghiên cứu giải quyết.

Bắt tay doanh nghiệp phát triển đề tài nghiên cứu

Trần Minh Hoàng, đại diện sinh viên trường ĐH Cảnh sát nhân dân TP.HCM nêu vấn đề làm sao để phát huy câu lạc bộ học thuật để đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học. Từ kinh nghiệm của trường mình, Minh Hoàng đưa ra kinh nghiệm là cần phải thu hút sinh viên bằng các hoạt động học mà chơi, các hoạt động trao đổi thông tin mới mẻ, ví dụ như thực hiện các cuộc thi mang tính học thuật, khoa học theo fomart của các gameshow...

Xây dựng quỹ nghiên cứu khoa học cho sinh viên ảnh 3 Trần Minh Hoàng, sinh viên trường ĐH Cảnh sát nhân dân TP.HCM. Ảnh: Như Ý.

Phan Hoài Đăng Khoa, SV Y Dược TP.HCM, CEO của một startup công nghệ về y tế cho rằng, nghiên cứu khoa học trong sinh viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo môi trường học tập, phấn đấu và tiền đề cho công việc sau khi ra trường. Nhưng thực tế hiện nay, Hội Sinh viên mới chỉ dừng ở vai trò là khuyến khích, kết nối nghiên cứu khoa học. Vì vậy, Đăng Khoa đề xuất, trong nghiên cứu khoa học sinh viên, thì sinh viên là người chủ động sáng tạo; nhà trường với vai trò là nhà bảo trợ hoặc nhà đầu tư còn Hội Sinh viên cần nâng vai trò lên là người phát triển dự án.

Phan Thị Quỳnh Trang, Chủ tịch Hội sinh viên ĐH Vinh đề xuất giải pháp giúp sinh viên thực hành nghề nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Theo Quỳnh Trang, trường ĐH Vinh đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau, vì vậy tổ chức Đoàn, Hội thành lập nhiều CLB đội nhóm liên quan ngành đặc thù cho sinh viên sinh hoạt. Điển hình như CLB  dạy học tiếng Anh miễn phí, mỗi học kỳ có hàng ngàn sinh viên tham gia, giáo viên đứng lớp là những sinh viên sư phạm có kết quả học tập tốt. Nhờ đó các bạn không chỉ hỗ trợ kiến thức cho những sinh viên còn lại mà còn giúp các bạn sinh viên sinh viên sư phạm có thêm kỹ năng, kinh nghiệm đứng lớp sau khi ra trường. Nhờ những mô hình trải  nghiệm thực hành nghề nghiệp đó mà nhiều sinh viên ĐH Vinh đã tìm kiếm được việc làm, khởi nghiệp, kiếm được thu nhập cao khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức cho rằng, các bạn sinh viên cần có kiến thức nền thật tốt thì mới có thể sáng tạo “đạt chuẩn”. Sinh viên cũng cần quan tâm tới nhu cầu của doanh nghiệp. TƯ Hội Sinh viên Việt Nam có thể tạo ra những diễn đàn để doanh nghiệp và sinh viên kết nối, tìm hiểu nhu cầu lẫn nhau, hỗ trợ tài chính... nhen nhóm nên sự ham thích nghiên cứu khoa học.

Lê Hoàn Khang, sinh viên ĐH Xây dựng Hà Nội, đề xuất rằng các trường có thể liên kết nghiên cứu khoa học để cho ra sản phẩm chất lượng.

Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam có thể bắt tay với các doanh nghiệp tổ chức các cuộc thi nghiên cứu khoa học lớn gắn liền với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Từ đó, những sản phẩm nghiên cứu khoa học sinh viên không phải năm trên giấy mà được áp dụng thực tiễn, giải quyết được vấn đề doanh nghiệp đang cần.

MỚI - NÓNG